Chiều 23/1, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) tổ chức Hội nghị triển khai các đề án lĩnh vực thú y đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo Cục Thú y, đến hiện tại có 8 chiến lược, đề án, chương trình, kế hoạch lĩnh vực thú y đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y khẩn trương triển khai các nội dung và ghi nhận những kết quả rất khả quan.
Cụ thể, đối với Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030” (gọi tắt là Đề án ngành thú y), đến hết tháng 12/2023, cả nước có 56 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai. Trong đó, 15/63 tỉnh, thành phố sáp nhập chi cục thú y cấp tỉnh với các ngành nông nghiệp khác. 33/63 tỉnh, thành phố sáp nhập trạm thú y cấp huyện (trực thuộc chi cục cấp tỉnh) với các ngành nông nghiệp khác và chuyển thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp (DVNN)/phòng Kinh tế do UBND cấp huyện quản lý.
Có 1 tỉnh (Bình Phước) đã thành lập lại Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản (CNTYTS) cấp tỉnh. 5 tỉnh (Lào Cai, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Long An, Bạc Liêu) đã thành lập lại Trạm chăn nuôi thú y (CNTY)/Trạm CNTYTS cấp huyện. 9 tỉnh đã có đề án thành lập lại Trạm CNTY/Trạm CNTYTS cấp huyện. Cả nước có hơn 16.000 người làm công tác thú y tại các địa phương.
Về kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật: kiểm soát tốt các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, nhất là bệnh cúm gia cầm, tai xanh, dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục (giảm trên 50% so với năm 2022). Nhờ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho chăn nuôi phát triển, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật (đạt trên 500 triệu USD).
Tổ chức giám sát chủ động, gửi mẫu ra nước ngoài giải trình tự gen virus, phân tích chuyên sâu, lập bản đồ dịch tễ dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm và đánh giá hiệu lực vacxin đang lưu hành. Trên cơ sở đó, dự thảo công văn thông báo lưu hành virus và khuyến cáo sử dụng vacxin phòng bệnh (đang gửi lấy ý kiến các đơn vị trước khi ban hành). Ngoài ra, lũy kế cả nước có hơn 2.000 cơ sở, vùng được chứng nhận an toàn dịch bệnh (ATDB) còn hiệu lực với hơn 4.000 chứng nhận ATDB động vật trên cạn tại 57 tỉnh, thành phố.
Trong kết quả phòng, chống dịch bệnh thủy sản, kiểm soát chặt, không để lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm (chưa có ở Việt Nam), bao gồm: các bệnh trên tôm như hội chứng Taura, đầu vàng (YHD), DIV1, hoại tử gan tụy (NHP), teo gan tụy (HPD), hoại tử cơ (IMN). Một số bệnh trên cá, nhuyễn thể, lưỡng cư... xâm nhiễm vào trong nước.
Đã cơ bản kiểm soát tốt các loại dịch bệnh thủy sản nguy hiểm đang lưu hành trong nước, đặc biệt là nhiều bệnh nguy hiểm trên cá biển (VNN), cá tra (gan thận mủ, xuất huyết), cá nước lạnh (IHNV, IPV), cá nước ngọt, nhuyễn thể, lưỡng cư...
Hiện nay, chỉ còn một số bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi như WSD, AHPND, IHHND và một số bệnh thường gặp khác như EHP, phân trắng, đỏ thân vẫn chưa được kiểm soát tốt; kết hợp với các yếu tố bất lợi của thời tiết, ô nhiễm môi trường đã gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm. Theo thống kê, thiệt hại hàng năm khoảng 25.000 ha, trong đó khoảng 25% là do nguyên nhân dịch bệnh.
Bên cạnh đó, hàng năm cơ quan thú y tổ chức giám sát chủ động dịch bệnh thủy sản trên các đối tượng nuôi chủ lực, có giá trị kinh tế cao. Cục Thú y và các cơ quan thú y địa phương, doanh nghiệp thực hiện giám sát chủ động dịch bệnh với tổng số khoảng 50.000 mẫu/năm để phục vụ công tác phòng, chống dịch; đưa ra dự báo, cảnh báo dịch bệnh và phục vụ xuất khẩu thủy sản. Trong xây dựng vùng, chuỗi cơ sở ATDB, cả nước đã có 33 cơ sở ATDB, trong đó có 32 cơ sở sản xuất tôm và 1 cơ sở sản xuất cá cảnh xuất khẩu.
Đối với chiến lược, kế hoạch phòng, chống kháng thuốc: phối hợp với Bộ Y tế trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1121/QĐ-TTg ngày 25/9/2023 phê duyệt Chiến lược phòng, chống kháng thuốc đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Triển khai các nhiệm vụ về phòng, chống kháng kháng sinh, bao gồm: tổ chức 3 hội thảo, hội nghị về kháng thuốc; tổ chức giám sát kháng thuốc trên động vật, sản phẩm động vật tại một số tỉnh, thành phố.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu, để xây dựng được chiến lược, đề án, chương trình, kế hoạch của ngành là cả một quá trình gian khổ. Do đó, trong năm 2024, bên cạnh việc triển khai có hiệu quả các nội dung đã được phê duyệt, Cục Thú y cần phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung giải quyết 3 vấn đề: chấm dứt tình trạng buôn lậu gia súc, gia cầm, nội tạng động vật… qua biên giới; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp ngoài khai thác thị trường trong nước cần đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu để mở rộng thị trường, gia tăng giá trị; siết chặt hoạt động nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật.