| Hotline: 0983.970.780

Siết chặt quản lý mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói xuất khẩu

Thứ Tư 06/07/2022 , 14:52 (GMT+7)

Mới đây, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN - PTNT) đã có văn bản về việc quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu.

Theo Cục Bảo vệ Thực vật, thời gian gần đây, hiện tượng sử dụng sai mã số và sử dụng mã số của tổ chức, cá nhân khác để xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường ngày càng diễn ra phức tạp. Sai phạm khi sử dụng không đúng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói đã khiến nước nhập khẩu cảnh báo vi phạm hoặc tạm dừng nhập khẩu. Việc này đã ảnh hưởng lớn đến uy tín hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, nghiêm trọng hơn sẽ làm mất thị trường xuất khẩu.

Bình Thuận là thủ phủ sản xuất thanh long của cả nước. Ảnh: KS.

Bình Thuận là thủ phủ sản xuất thanh long của cả nước. Ảnh: KS.

Do đó, để quản lý tốt mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu, Cục Bảo vệ Thực vật đề nghị Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng chỉ làm thủ tục kiểm dịch thực vật cho các lô hàng xuất khẩu có mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói đứng tên tổ chức, cá nhân sở hữu mã số.

Trường hợp tổ chức cá nhân xuất khẩu lô hàng không phải là chủ sở hữu mã số thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức, cá nhân đại diện mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói cho công ty xuất khẩu. Danh sách các vùng trồng và cơ sở đóng gói sẽ được cập nhật liên tục và được chia sẻ trên cơ sở dữ liệu của Cục Bảo vệ Thực vật.

Đối với chủ mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, trong trường hợp chủ mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói không trực tiếp xuất khẩu mà cho phép các tổ chức, cá nhân khác sử dụng mã số của mình thì phải có báo cáo bằng văn bản về Cục Bảo vệ Thực vật.

Đối với các Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật (cơ quan chuyên ngành bảo vệ thực vật tại địa phương là đầu mối về quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu) thông báo ngay đến các tổ chức, cá nhân sở hữu mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói để biết và thực hiện.

Tại tỉnh Bình Thuận được xem là “thủ phủ” sản xuất thanh long trên cả nước, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh cũng đã thông báo đến các tổ chức, cá nhân chủ sở hữu mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu. Đồng thời, đề nghị chủ mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nghiêm túc thực hiện các yêu cầu của Cục Bảo vệ Thực vật về các nội dung trên. Nộp hồ sơ đề nghị kiểm tra giám sát định kỳ (tối thiểu 1 lần/vụ x 2 vụ/năm đối với mã số vùng trồng; 6 tháng/lần x 2 lần/năm đối với cơ sở đóng gói) để chi cục kiểm tra giám sát theo quy định.

Đối với các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói không gửi hồ sơ yêu cầu kiểm tra giám sát, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật sẽ thống kê, tổng hợp báo cáo Cục Bảo vệ Thực vật theo quy định. Các địa phương cần hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc ủy quyền sử dụng mã số vùng trồng trên địa bàn và gửi các thông báo ủy quyền về Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật để quản lý…

Bình Thuận đang triển khai các giải pháp siết chặt mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu. Ảnh: KS.

Bình Thuận đang triển khai các giải pháp siết chặt mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu. Ảnh: KS.

Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, tính đến tháng 6/2022, diện tích thanh long của tỉnh Bình Thuận khoảng 30.778 ha, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Toàn tỉnh có 12.297 ha thanh long được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và 560 ha được cấp Giấy chứng nhận GlobalGAP.

Để đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu thanh long cần phải có mã số vùng trồng trước khi xuất khẩu; thời gian qua UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp hỗ trợ nông dân thực hiện các quy định trong sản xuất sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) để bảo đảm an toàn, chất lượng sản phẩm; sức khỏe, an toàn lao, bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc; quản lý, giám sát chặt chẽ mã số vùng trồng và mã số nhà đóng gói theo đúng quy định. Vì vậy đến nay ngành nông nghiệp đã đề nghị Cục Bảo vệ Thực vật cấp 556 mã số vùng trồng và 277 mã số cơ sở đóng gói xuất sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khác.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với bệnh cúm gia cầm các tháng cuối năm

Theo Cục Thú y, trong các tháng cuối năm, nguy cơ bệnh cúm gia cầm xảy ra trên phạm vi rộng rất cao do hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm gia tăng.

Nữ kỹ sư giúp người dân thoát nghèo nhờ cây tía tô bản địa

Lào Cai Với hơn 30ha tía tô cùng 20 sản phẩm đa dạng, chị Trần Anh Xuân đã tiên phong đưa cây tía tô bản địa thành cây giúp bà con thoát nghèo.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.