| Hotline: 0983.970.780

Siêu cường nông nghiệp Brazil loay hoay tìm nguồn phân bón

Thứ Hai 07/03/2022 , 12:01 (GMT+7)

Brazil đang xoay xở tìm kiếm các nhà cung cấp phân bón mới trong bối cảnh cuộc xung đột Nga- Ukraine có nguy cơ đứt chuỗi cung ứng phân bón truyền thống đến nước này.

Lượng dự trữ phân bón của Brazil đang cạn dần gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Bloomberg 

Lượng dự trữ phân bón của Brazil đang cạn dần gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Bloomberg 

Brazil hiện là một trong số những quốc gia sản xuất lương thực lớn nhất thế giới cũng đang phải chật vật đối phó với những tác động tiềm ẩn do lạm phát lương thực toàn cầu vốn đã cao.

Quốc gia Nam Mỹ là nước sản xuất cà phê, đậu nành và đường lớn nhất thế giới, đồng thời là quốc gia phụ thuộc nhiều nhất (trong số các siêu cường nông nghiệp) vào phân bón nhập khẩu.

Con số thống kê cho thấy, Brazil nhập khẩu khoảng 85% lượng phân bón và khoảng 1/5 trong số đó là đến từ Nga. Trong khi đó, cuối tuần trước hãng thông tấn Nga TASS đưa tin Bộ Thương mại Nga đã kêu gọi tạm dừng hoạt động xuất khẩu phân bón.

"Brazil luôn phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu... Đó là một bài toán khó đối với chúng tôi", Tổng thống Jair Bolsonaro nói với báo giới trong khi phân bua việc luôn bảo vệ quyết định duy trì mối quan hệ thân thiết với Moscow khi Nga tấn công Ukraine.

Ông Bolsanaro cũng là một trong những nhà lãnh đạo thế giới cuối cùng đến Moscow gặp gỡ người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào ngày 16 tháng 2, trước khi chiến sự nổ ra.

Theo các nhà quan sát, một khi nông dân Brazil phải trả nhiều tiền hơn để nhập khẩu phân bón hoặc không thể sản xuất nhiều loại nông sản sẽ khiến giá thành sản xuất hàng hóa của nước này có khả năng tăng cao, đẩy giá lương thực thế giới tăng theo.

Brazil cũng là một nhà cung cấp ngô và thịt bò quan trọng hàng đầu thế giới. Giá ngũ cốc đang tăng cao đã đẩy chi phí thức ăn chăn nuôi tăng theo, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm thịt, trứng, sữa và các sản phẩm động vật khác.

Trước khi xảy ra xung đột Ukraine, nông dân trên khắp thế giới đang phải vật lộn để mua đủ phân bón, trong đó một số loại đã tăng giá hơn gấp đôi trong năm ngoái. Giá khí đốt tự nhiên cao hơn đã cản trở việc sản xuất amoniac cần thiết cho phân đạm, trong khi tình trạng cúp điện tại các nhà máy phân bón của Trung Quốc và cơn bão Ida hoành hành ở Mỹ đã làm giảm sản lượng phân bón toàn cầu.

Các nhà phân tích trong ngành cho biết, cuộc xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt đối với Nga đã khiến cho tình hình trở nên tồi tệ hơn, làm tăng triển vọng về một cuộc khủng hoảng nguồn cung toàn cầu kéo dài sẽ gây ra lạm phát và nạn đói ở các nước nghèo.

Theo hãng phân tích S&P Global, Nga là quốc gia chiếm khoảng 2/3 sản lượng nitrat amoni của thế giới, đã tạm dừng xuất khẩu cho đến tháng 4 để đảm bảo nguồn cung cho nông dân trong nước. Và giá khí đốt tự nhiên cũng tăng cao hơn do xung đột đã đẩy giá sản phẩm lên cao, vốn được sử dụng để tăng sản lượng các loại cây trồng như ngô và lúa mì.

"Không ai biết điều gì sẽ xảy ra", Ricardo Arioli, một nông dân trồng đậu tương ở bang Mato Grosso, miền trung tây Brazil cho biết. Ông Ricardo nói: "Chiến tranh đồng nghĩa với sự bất ổn khiến cho chi phí sản xuất nông sản trở thành một ẩn số lớn".

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Brazil Tereza Cristina Dias cho biết, bà đang có kế hoạch đến Canada ngay trong tháng này để tìm kiếm nguồn cung phân bón mới. Hiện Canada là nhà sản xuất phân kali lớn nhất thế giới, tiếp theo là Nga và Belarus.

Hồi tuần trước Hiệp hội Phân bón quốc gia Brazil, đã cảnh báo rằng lượng phân bón dự trữ trong nước sẽ chỉ đủ phục vụ nhu cầu của nông dân trong 3 tháng nữa.

Jeferson Souza, một nhà phân tích phân bón tại công ty môi giới trong nước là Agrinvest Commodities, cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến và trải nghiệm việc phải phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu có ý nghĩa như thế nào”.

Trong khi đó chính phủ Brazil thì xoa dịu bằng tuyên bố sẽ khởi động một kế hoạch sản xuất phân bón quốc gia để kích thích các doanh nghiệp đầu tư vào các mỏ quặng kali và phốt pho. Tuy nhiên các nhà phân tích cho biết, sẽ phải mất nhiều năm nông dân mới có thể được hưởng lợi từ đề án này.

Máy thu hoạch đậu nành tại một trang trại ở Brazil vào ngày 4 tháng 3 năm 2022.  Ảnh: Bloomberg 

Máy thu hoạch đậu nành tại một trang trại ở Brazil vào ngày 4 tháng 3 năm 2022.  Ảnh: Bloomberg 

Theo FAO, vấn đề đang được cho là sẽ đặc biệt nghiêm trọng ở các nước Mỹ Latinh như Brazil, nơi lạm phát đang đẩy chi phí tiêu dùng hàng ngày của người dân tăng phi mã. Vào cuối năm 2020, cứ ba người ở Mỹ Latinh và Caribe thì có một người không đủ chi trả một chế độ ăn giàu dinh dưỡng hoặc đứt bữa để cho con ăn.

Ông Julio Berdegué, đại diện FAO khu vực Mỹ Latinh và Caribe dự đoán: Đó là thực trạng trước khi lạm phát lương thực diễn ra trong khu vực, nên “sẽ là một phép màu nếu tình hình không trở nên tồi tệ hơn”.

Chi phí phân bón cao hơn cũng ngăn cản nông dân Brazil tăng sản lượng ngũ cốc để bù đắp cho sự thiếu hụt từ Ukraine và Nga, những khu vực sản xuất lương thực chính của thế giới.

Antonio Galvan, một nông dân và là người đứng đầu Hiệp hội các nhà sản xuất đậu tương của Brazil cho biết. "Với những lệnh cấm vận mới giáng vào Nga, giá phân bón có thể sẽ còn tăng cao tới mức nó thậm chí tước đi hết giá trị của sản xuất của nông dân".

(Fox Bussiness)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.