| Hotline: 0983.970.780

‘Sinh lộ’ của ngành gỗ Việt: [Bài 4] Những diện tích rừng trồng đầu tiên được bảo hiểm

Thứ Ba 07/05/2024 , 15:53 (GMT+7)

Ngáng trở lớn nhất trong phát triển rừng gỗ lớn là nỗi lo rừng bị thiên tai hủy hoại do chu kỳ khai thác kéo dài, vì vậy rừng trồng được bảo hiểm đã tạo động lực…

Rừng gỗ lớn cho hiệu quả kinh tế gấp 5 lần

Bài liên quan

Ông Phạm Quốc Nổi, người đang sở hữu gần 30ha rừng trồng ở xã Tân Bình (huyện Hiệp Đức, Quảng Nam), đã có thâm niên hơn 20 năm trong nghề trồng rừng hiện đã nhận thấy rõ lợi ích khi chuyển trồng rừng theo kiểu “ăn xổi” sang trồng rừng gỗ lớn. Trước đây, những cánh rừng trồng mới 4 - 5 năm tuổi ông Nổi đã bán, nay ông nuôi rừng đến 8 - 10 năm mới khai thác.

Theo phân tích của ông Nổi, trồng rừng gỗ lớn cũng chỉ tốn chi phí 1 lần các công đoạn mua giống, phát dọn thực bì, bón phân… Nếu rừng mới 4 - 5 năm tuổi đã khai thác sản lượng chỉ đạt 65 - 70 tấn/ha, nhưng nếu nuôi rừng đến 10 tuổi mới khai thác thì sản lượng chắc chắn sẽ đạt 350 tấn/ha. Trong 5 năm đầu, tốc độ phát triển của rừng rất chậm, nhưng từ năm thứ 5 trở đi, rừng không cần chăm sóc nhiều vẫn phát triển rất mạnh, sinh khối tăng trưởng nhanh, người trồng rừng có lãi gấp nhiều lần.

Ngáng trở lớn nhất trong phát triển rừng gỗ lớn là nỗi lo rừng bị thiên tai hủy hoại. Ảnh: V.Đ.T.

Ngáng trở lớn nhất trong phát triển rừng gỗ lớn là nỗi lo rừng bị thiên tai hủy hoại. Ảnh: V.Đ.T.

“Nếu rừng 4 - 5 năm tuổi đã khai thác chỉ thu hoạch được 65 - 70 tấn/ha, tính tròn giá mỗi tấn gỗ nguyên liệu rừng trồng bán được 1 triệu đồng/tấn thì chủ rừng thu vào được 65 - 70 triệu đồng/ha. Còn nếu để 10 năm mới khai thác thì sản lượng sẽ tăng đến 350 tấn/ha, đồng nghĩa người trồng rừng thu vào được 350 triệu đồng/ha, tăng gấp 5 lần so với bán rừng non, đó là chưa tính đến cây gỗ lớn bán cho các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu với giá cao hơn gỗ nguyên liệu bán cho các nhà máy chế biến dăm hay chế biến viên nén”, ông Nổi tính toán.

Cũng theo chia sẻ của ông Nổi, chuyện nuôi rừng gỗ lớn lợi ích gấp nhiều lần so với bán rừng non có lẽ người trồng rừng đều biết, nhưng chẳng mấy chủ rừng tha thiết với rừng gỗ lớn là do họ sợ cây rừng đứng trên đất dài ngày sẽ bị hư hại do thiên tai.

Rừng gỗ lớn cho lợi nhuận tăng gấp 5 lần so với bán rừng non. Ảnh: V.Đ.T.

Rừng gỗ lớn cho lợi nhuận tăng gấp 5 lần so với bán rừng non. Ảnh: V.Đ.T.

“Miền Trung thì thường xảy ra gió bão, cây rừng mà gặp gió bão thì chắc chắn sẽ bị đổ ngã, hư hại. Nếu rừng trồng được bảo hiểm theo chính sách bảo hiểm nông nghiệp thì người trồng rừng sẽ an tâm nuôi rừng gỗ lớn. Thêm nữa, hộ trồng rừng hầu hết là nghèo, bao nhiêu lo toan trong cuộc sống đều trông hết vào cánh rừng. Nếu sau khi trồng rừng 5 năm, những hộ trồng rừng được Nhà nước cho vay để họ tiếp tục đầu tư nuôi rừng gỗ lớn và lo việc gia đình thì họ sẽ yên tâm hơn với rừng gỗ lớn”, ông Phạm Quốc Nổi chia sẻ.

Thí điểm bảo hiểm rừng trồng

Theo ông Lưu Công Sang từ Dự án UFBC Quảng Nam, chính sách bảo hiểm nông nghiệp của Chính phủ đã có hiệu lực mấy năm nay, nhưng mô hình bảo hiểm rừng trồng tại Quảng Nam là mô hình đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam. Nguyên nhân được ông Sang giải thích là do rừng trồng của hộ gia đình có diện tích quá manh mún, rừng trồng lại quá nhạy cảm với bão gió nên các đơn vị bảo hiểm ngại triển khai cho đối tượng cây trồng này, kể cả 21.000ha rừng trồng ở Quảng Nam dù đã được cấp chứng chỉ FSC nhưng vẫn chưa có diện tích nào được bảo hiểm.

Thế nhưng khi Quảng Nam được hưởng lợi từ Hợp phần Quản lý rừng bền vững, thuộc dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, địa phương này đã có 154ha rừng trồng của 40 hộ chủ rừng được Bảo hiểm Bảo Minh bảo hiểm dựa trên dữ liệu về thời tiết. Mô hình này đã làm nức lòng người trồng rừng do cơ chế ưu việt của nó.

Ông Phạm Quốc Nổi, người đang sở hữu gần 30ha rừng trồng ở Tân Bình (huyện Hiệp Đức, Quảng Nam), chia sẻ về lợi ích của trồng rừng gỗ lớn. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Phạm Quốc Nổi, người đang sở hữu gần 30ha rừng trồng ở Tân Bình (huyện Hiệp Đức, Quảng Nam), chia sẻ về lợi ích của trồng rừng gỗ lớn. Ảnh: V.Đ.T.

“Thường thì sau khi thiên tai xảy ra đối với đối tượng được bảo hiểm, đơn vị bảo hiểm sẽ đến thực tế để thẩm định mức độ thiệt hại của cánh rừng được bảo hiểm ấy, đánh giá có bao nhiêu phần trăm cây bị đổ gãy, bao nhiêu phần trăm cây có thể hồi phục để tính mức độ thiệt hại. Tuy nhiên, đối với diện tích rừng trồng được bảo hiểm ở Quảng Nam, Bảo hiểm Bảo Minh tinh giản những công đoạn nói trên bằng cách tài sản của cánh rừng do chủ rừng định giá và mức bồi thường dựa trên dữ liệu về thời tiết”, ông Sang cho hay.

Ông Sang giải thích thêm: Ví như rừng 4 - 5 năm tuổi sẽ được chủ rừng định giá là 60 triệu đồng/ha. Sau khi thiên tai xảy ra, đơn vị bảo hiểm sẽ thu thập thông tin từ vệ tinh thời tiết để biết tại tọa độ của cánh rừng ấy cơn bão có quét qua hay không. Nếu tọa độ ấy bị cơn bão cấp 9 quét qua với bán kính nhất định, thì đơn vị bảo hiểm không cần biết cánh rừng tại tọa độ đó có bị gãy đổ hay không nhưng vẫn bồi thường mức 5% so với tài sản được bảo hiểm, nếu bão cấp 10 quét qua sẽ được bồi thường 10%.

Nếu nuôi rừng đến 10 tuổi mới khai thác thì sản lượng gỗ chắc chắn sẽ đạt 350 tấn/ha. Ảnh: V.Đ.T.

Nếu nuôi rừng đến 10 tuổi mới khai thác thì sản lượng gỗ chắc chắn sẽ đạt 350 tấn/ha. Ảnh: V.Đ.T.

“Rừng trồng có 3 gói bảo hiểm, bảo hiểm vàng, bảo hiểm bạc và bảo hiểm đồng. Chủ rừng mua gói bảo hiểm càng cao thì có mức bồi thường càng cao. Tính ưu việt của gói bảo hiểm rừng trồng là khi có bão đi qua cánh rừng của mình là chủ rừng được bảo hiểm chi trả bồi thường chứ không cần biết rừng có bị thiệt hại hay không. Nếu mô hình thí điểm này cho thấy hiệu quả, chắc chắn người trồng rừng sẽ tham gia nhiều”, ông Âu Quốc Hiệu từ Quản lý Dự án UFBC Quảng Nam chia sẻ.

Xem thêm
Những thực phẩm hàng đầu Hà Nội tham gia hội chợ Foodservice Australia 2024

Sở NN-PTNT Hà Nội phối hợp với Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia sẽ tổ chức đoàn xúc tiến thương mại tham gia hội chợ Foodservice Australia 2024 tại Sydney.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

NESCAFÉ Plan giúp giảm lượng phát thải khí nhà kính tới 30%/kg cà phê

Chương trình NESCAFÉ Plan được Nestlé Việt Nam triển khai tại Tây Nguyên trên cơ sở hợp tác với Bộ NN-PTNT nhằm hỗ trợ nông dân trồng cà phê thực hành nông nghiệp tái sinh.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.