Hồi đầu năm nay, Indonesia cũng cảnh báo nhiều loài nhuyễn thể hai mảnh ở vịnh Jarkata bị nhiễm kim loại nặng |
Bernama dẫn lời giáo sư Ong Meng Chuan, giảng viên cao cấp chuyên ngành sinh vật biển của trường đại học quốc gia Terengganu (UMT) cho hay, nhóm 25 nhà khoa học đã nghiên cứu phát hiện lượng kim loại nặng rất cao tích tụ trong cơ thể một số loài thủy hải sản trong vùng eo biển Malacca.
Đây là kết quả được đưa ra sau chuyến khảo sát thực tế đánh giá tình hình từ ngày 13 đến 22/3. Cụ thể, hàm lượng kim loại nặng vượt mức cho phép gồm asen, chì, cadmium và thủy ngân đã được tìm thấy trong hải sản sống ở ngoài khơi vùng Johor, Port Klang và Pulau Pinang.
“Nghiên cứu trên nguồn sò huyết tự nhiên bị nhiễm kim loại nặng cho thấy sau khi ăn vào cơ thể sẽ khó đào thải nhưng không gây triệu chứng cấp và nếu tiêu thụ trong thời gian dài sẽ rất nguy hiểm”, ông Ong nói.
Nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước là do luồng lạch ngày càng bị thu hẹp và mật độ tàu bè qua lại rất cao, trong khi hệ thống chế tài hiện chưa đủ mạnh.