Ngày 11/6, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, chủ trì buổi làm việc với Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải) về các vướng mắc liên quan đến thủ tục cấp phép khai thác mỏ cát biển, làm vật liệu đắp nền đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 2).
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng bày tỏ sự quan tâm đối với vấn đề khai thác cát biển, phục vụ thi công các công trình giao thông trọng điểm. Vừa qua, tỉnh đã chủ động làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, báo cáo Chính phủ và Hội đồng nhân dân tỉnh cũng đã thông qua chủ trương khai thác cát biển theo cơ chế đặc thù.
Tuy nhiên, xét về cơ sở pháp lý, hiện thẩm quyền không cho phép tỉnh thực hiện. “Địa phương không sợ trách nhiệm, rất quyết liệt, thế nhưng chưa thể làm được”, ông Lâu nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, đối chiếu theo các quy định hiện hành, hiện nay đã giao thẩm quyền cho UBND tỉnh cấp phép khai thác cát biển làm việc liệu thông thường. Thế nhưng, phạm vi quản lý và trách nhiệm trên vùng biển của địa phương chỉ trong 6 hải lý (tính từ bờ).
Trong khi đó, khu vực mỏ cát biển B1 được xác định nằm cách bờ khoảng 11 hải lý, do đó đã nằm ngoài thẩm quyền cấp phép của Sóc Trăng. Bên cạnh đó, tỉnh không có tàu ra được khu vực mỏ cát biển, do khoảng cách so với đất liền khoảng 20km. Do đó, việc quản lý, giám sát khai thác cát biển rất khó khăn, nhất là ban đêm.
Về phía Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (PMU Mỹ Thuận) cho biết, đơn vị được Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ thi công thí điểm, mở rộng cát biển tại dự án cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau.
Trên cơ sở đã thí điểm tại đường tỉnh 978, PMU Mỹ Thuận đã và đang làm việc với tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh để được hỗ trợ khảo sát, triển khai thủ tục cấp quyền khai thác mỏ cát biển theo cơ chế đặc thù.
Bên cạnh đó, PMU Mỹ Thuận đã gửi văn bản giới thiệu Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C là đơn vị đầu mối, thay mặt các nhà thầu làm việc với địa phương để được cấp quyền khai thác cát biển.
Đến nay, nhà thầu đã hoàn thành khảo sát, hoàn thiện hồ sơ đăng ký khu vực, trữ lượng khai thác mỏ cát biển theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng.
Ông Trần Văn Thi, Giám đốc PMU Mỹ Thuận thông tin thêm, đối với phạm vi sử dụng cát biển, đơn vị phối hợp với nhà thầu dự tính, có thể dùng cát biển san lấp phần nền đường cao tốc qua tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau (thuộc dự án Hậu Giang - Cà Mau).
Tổng nhu cầu sử dụng cát biển khoảng 6 triệu m3. Đến nay, nhà thầu vẫn chưa được UBND tỉnh Sóc Trăng cấp bản xác nhận, nên chưa thể khai thác cát biển.
Về vấn đề này, ông Lâu mong muốn Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận báo cáo Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài nguyên và Môi trường để có hướng xử lý. Đối với tỉnh Sóc Trăng, địa phương sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường có sự hỗ trợ.