| Hotline: 0983.970.780

Sởi bùng phát chủ yếu ở trẻ chưa tiêm vacxin

Thứ Sáu 11/04/2014 , 09:33 (GMT+7)

Trung bình mỗi ngày, BV Nhi TƯ tiếp nhận 200 bệnh nhân mắc sởi nhập viện, trong đó 10 ca phải hỗ trợ cấp cứu thở máy, 50 ca phải thở oxy.

Nhiều bệnh viện tăng đột biến số bệnh nhi mắc sởi với những diễn biến bất thường, thế nhưng hiện ngành y tế vẫn chưa công bố dịch sởi. 

Ngày 10/4, PV NNVN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu (ảnh), Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế để làm rõ vấn đề trên.

Từ đầu năm đến nay, bệnh viện (BV) Nhi TƯ đã ghi nhận hơn 900 ca sởi biến chứng đến từ hơn 20 tỉnh, thành phía Bắc. Trung bình mỗi ngày, BV tiếp nhận 200 bệnh nhân mắc sởi nhập viện, trong đó 10 ca phải hỗ trợ cấp cứu thở máy, 50 ca phải thở oxy.

Lần đầu tiên BV đã phải phân loại và dành riêng khoa Truyền nhiễm chỉ để tiếp nhận điều trị cho bệnh nhi mắc sởi và thường phải nằm ghép 3 - 4 bệnh nhân một giường; Khoa Nhi, BV Bạch Mai có 58 giường nhưng có đến 137 bệnh nhi mắc sởi, nhiều trẻ phải nằm tràn ra hành lang để điều trị, 7 máy thở của khoa lúc nào cũng hết công suất…

Với những thông tin trên, vì sao đến thời điểm này Bộ Y tế vẫn chưa công bố dịch, thưa ông?

Từ tháng 2/2014, ngay khi xuất hiện các ca bệnh sởi đầu tiên tại một số địa phương, Bộ Y tế đã có nhận định tình hình bệnh sởi có khả năng lan rộng đối với những trẻ chưa được tiêm phòng sởi nên đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tới 63/63 tỉnh, thành phố để thông báo tình hình dịch và triển khai kế hoạch tiêm vacxin sởi.

Hội nghị có sự tham gia và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Tại đây, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vét vacxin sởi cho toàn bộ trẻ em từ 9 đến 24 tháng tuổi (riêng TP.HCM đối với trẻ từ 9 tháng - 3 tuổi).

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, Trung Quốc có 6.104 bệnh nhân mắc bệnh sởi, trong đó 2 bệnh nhân đã tử vong; Philippines có 3.706 người mắc, 69 tử vong; Nhật Bản có 119 người mắc; Singapore có 55 người mắc. Riêng Việt Nam, có 6.611 trường hợp sốt phát ban dạng sởi, trong đó ghi nhận 2.492 trường hợp được xác định mắc bệnh sởi (bao gồm các trường hợp xét nghiệm dương tính và xác định dịch tễ học) tại 59 tỉnh/thành phố. Dịch sởi tập trung với quy mô nhỏ và vừa như Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Tuyên Quang, Hà Giang.

Tuy vậy, việc khi nào công bố dịch sởi cần phải căn cứ vào tình hình dịch bệnh và thực hiện theo Quyết định 64/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25/10/2010.

Theo đó, việc công bố bệnh truyền nhiễm trong đó có sởi chỉ được thực hiện khi có đủ hai điều kiện: Có số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số người mắc theo dự tính của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

Có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ như quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; bệnh dịch có tỷ lệ tử vong cao mà chưa rõ tác nhân gây bệnh, chưa có biện pháp khống chế hiệu quả và bệnh dịch xảy ra khi có thiên tai, thảm họa.

Căn cứ vào nội dung của Quyết định, sau khi họp các chuyên gia, Bộ Y tế không thấy có sự biến đổi của virus sởi nên không công bố dịch.

Nghĩa là còn phải đợi?

Việc không công bố dịch sởi không có nghĩa là không cung cấp tình hình bệnh sởi đến người dân để áp dụng các biện pháp phòng chống.

Thực tế Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố cũng đã thường xuyên thông báo tình hình bệnh sởi trên các website và trên các đài báo, đồng thời đã triển khai rất nhiều hành động nhằm kiểm soát tốt bệnh sởi trong thời gian sớm nhất trên phạm vi toàn quốc.

Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh để cung cấp thông tin cho người dân và triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Vậy, với những bệnh nhi mắc sởi có diễn biến bất thường như hiện nay, ông có ý kiến gì?

Để xem xét dịch có những diễn biến bất thường hay không, dựa vào các yếu tố chính: Thứ nhất là xem các tác nhân gây bệnh có những sự biến đổi về chủng gây bệnh như biến đổi về gen, thay đổi về độc lực cũng như xem xét về sự lan truyền và bùng phát, mức độ nặng, nhẹ của dịch bệnh xảy ra tại cộng đồng như thế nào.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia về virus, các chủng virus sởi ở Việt Nam chưa có biến đổi gen một cách khác biệt so với sự lưu hành của các chủng virus trong khu vực và không có sự gia tăng về độc lực. Việc gia tăng bệnh sởi và một số ổ dịch thời gian qua với quy mô nhỏ, tập trung hoặc rải rác.

Và cũng theo nhận định của những chuyên gia này, dịch bệnh xuất hiện năm nay là do tính chất chu kỳ, xuất hiện sau 4 - 5 năm kể từ vụ dịch 2009 - 2010. Nguyên nhân do quá trình tích lũy những trường hợp trẻ em không được tiêm chủng hoặc có được tiêm chủng nhưng không tạo được miễn dịch qua các năm và mắc bệnh.

Điều này phù hợp với diễn biến dịch sởi trên thế giới và khu vực của các nước triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng vắc xin sởi cho trẻ em. Qua thống kê báo cáo, chúng tôi cũng nhận thấy các trường hợp mắc sởi năm nay vẫn thấp hơn so với số người mắc sởi năm 2009 - 2010.


Nhiều trẻ mắc sởi phải ngồi thở máy vì hết giường bệnh

Bộ Y tế khuyến cáo tiêm vacxin sởi vẫn được coi là hiệu quả nhất trong phòng bệnh sởi, trong khi có nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi bị mắc bệnh. Theo ông có nên thay đổi lịch tiêm sớm hơn để phòng bệnh sởi không?

Có thể khẳng định, dù dịch bệnh có nhiều thay đổi nhưng chúng ta vẫn phải áp dụng theo lịch tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tiêm vacxin sởi vẫn là biện pháp hiệu quả nhất phòng bệnh dành cho trẻ em 9 tháng tuổi.

Cũng theo báo cáo mới nhất của WHO, từ năm 2000 - 2012, nhờ có vacxin đã cứu sống cho 13,8 triệu trẻ em trên thế giới, hầu hết các nước áp dụng tiêm mũi vắc xin sởi đầu tiên trong khoảng 9 - 12 tháng tuổi.

Riêng các trường hợp mắc sởi tại nước ta thời gian vừa qua cho thấy đa số bệnh nhân mắc sởi đều không được tiêm chủng hoặc không rõ về tình trạng tiêm chủng (87,6%), chỉ có rất ít trẻ đã tiêm vacxin đủ mũi bị mắc bệnh (4,2%).

Trao đổi với các chuyên gia, thấy iệc tiêm vacxin cho trẻ ở độ tuổi thấp hơn, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi thì hiệu lực bảo vệ thấp và không chắc chắn về tính an toàn của vacxin đối với trẻ. Đây cũng chính là khuyến cáo của Bộ Y tế đối với các bà mẹ: Hãy đưa con đi tiêm phòng bệnh sởi theo đúng quy định.

Đặc biệt, hiện nay thời tiết thay đổi, nóng lạnh thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển và gây bệnh cho trẻ. Ngoài ra, do sức đề kháng của trẻ non yếu nên các loại vi khuẩn, virus dễ dàng tấn công trẻ.

Vì vậy, khi phát hiện trẻ có sốt phát ban, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị và cách ly kịp thời, tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Ngoài ra, nên cung cấp cho trẻ đủ dinh dưỡng, rửa tay thường xuyên là cách giúp trẻ phòng bệnh trong thời tiết thất thường.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Phẫu thuật robot điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ

TP.HCM Bệnh viện Bình Dân vừa thực hiện phẫu thuật robot cắt khối tá tụy điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ cho nam bệnh nhân 43 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Nấm linh chi có giúp ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ không?

Nấm linh chi có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, nên nhiều người cho rằng có thể dùng nấm linh chi để chống lại sự tấn công của những virus có hại.