UBND huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh về kết quả xử lý các tập thể, cá nhân trong vụ sập mái hội trường 250 chỗ, trị giá 15 tỷ đồng của UBND thị trấn Ngã Sáu.
Vụ việc nói trên đã gây xôn xao dư luận ở địa phương về sự thiếu kiểm tra, giám sát của chủ đầu tư, dẫn đếnviệc nhà thầu thi công làm ẩu, có dấu hiệu rút ruột công trình, khiến cả mái tòa hội trường vừa đưa vào sử dụng đã đổ sập hoàn toàn. Rất may là lúc mái hội trường bị đổ sập, không có ai ở trong tòa nhà đó.
Theo báo cáo trên, thì UBND huyện Châu Thành đã chỉ đạo kiểm điểm, rút kinh nghiệm với tập thể và các cá nhân có liên quan đến sự cố trên.
Trong biên bản của cuộc họp tập thể, phòng Hạ tầng - Kinh tế huyện đã thừa nhận, để xảy ra sự cố trên là do năng lực lãnh đạo, chỉ đạo trong việc thẩm định các dự án đầu tư trên địa bàn chưa sâu sát, năng lực chuyên môn còn yếu, chưa đáp ứng nhu cầu công việc.
Thật là một bản kiểm điểm “mẫu mực”, thường được thể hiện ở rất nhiều sự cố xây dựng hay thi công hạ tầng giao thông. Dư luận rất lấy làm lạ trong cách xử lý của UBND huyện Châu Thành.
Mái hội trường sập, thì việc đầu tiên phải làm là trả lời được câu hỏi: Vì sao lại sập? Do thi công ẩu? Hay do rút ruột công trình? Trả lời được câu hỏi đó rồi thì mới có phương án xử lý tiếp theo.
Do thi công ẩu thì ai là người phải chịu trách nhiệm? Ai phải bỏ tiền ra khắc phục? Nếu là rút ruột công trình thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan CSĐT để xử lý hình sự, chứ sao lại chỉ “kiểm điểm rút kinh nghiệm”?
Do “năng lực lãnh đạo, chỉ đạo trong việc thẩm định các dự án đầu tư trên địa bàn chưa sâu sát” ư? Đã là người lãnh đạo, chỉ đạo thì phẩm chất đầu tiên là phải sâu sát.
Nếu không sâu sát, tức là tạo điều kiện cho cấp dưới làm bừa, làm ẩu, sinh ra những công trình kém chất lượng. Vậy tại sao không cách chức hoặc cho ra khỏi biên chế những người “chưa sâu sát” ấy đi?
Do “năng lực chuyên môn còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu công việc ” ư? Chưa đáp ứng được nhu cầu công việc, tức là không làm nổi việc. Nếu “chưa đáp ứng được nhu cầu công việc”, thì làm sao đủ tư cách ngồi trên ghế của cơ quan nhà nước?
Ai tuyển những người “chưa đáp ứng được nhu cầu công việc” đó vào cơ quan nhà nước rồi lấy tiền thuế của dân trả lương cho họ, để họ ăn tàn phá hại? Hội trường được đầu tư xây dựng bằng tiền ngân sách.
Lẽ ra khi hội trường bị sập, toàn bộ những người liên quan đều phải bị truy cứu. Nhẹ thì cách chức hoặc đưa ra khỏi biên chế vì “chưa đáp ứng được nhu cầu công việc”, nặng thì xử lý hình sự. Và tất cả phải móc tiền túi ra mà đền, chứ sao lại vẫn chỉ bị “rút kinh nghiệm”?
Xem ra, “sợi dây kinh nghiệm” vẫn còn rất dài, rút mãi, rút hoài không hết. Chỉ khổ nhân dân là phải còng lưng đóng thuế.