| Hotline: 0983.970.780

Sớm giải quyết các vướng mắc để ứng dụng, phát triển silic trong phân bón

Thứ Ba 07/05/2024 , 13:22 (GMT+7)

Hiện phương pháp xác định hàm lượng silic dễ tiêu cho cây trồng trong mẫu đất, phân bón và thực vật chưa nhất quán, gây khó khăn trong khâu công bố, kiểm tra.

Hội thảo 'Vai trò của silic đối với cây trồng: Nguyên liệu và phương pháp phân tích silic trong phân bón' sáng 7/5. Ảnh: PT.

Hội thảo “Vai trò của silic đối với cây trồng: Nguyên liệu và phương pháp phân tích silic trong phân bón” sáng 7/5. Ảnh: PT.

Sáng 7/5, Hội thảo “Vai trò của silic đối với cây trồng: Nguyên liệu và phương pháp phân tích silic trong phân bón” đã làm rõ vai trò và tầm quan trọng của nghiên cứu, thương mại các sản phẩm phân bón silic.

Chưa nhất quán phương pháp xác định hàm lượng silic dễ tiêu cho cây trồng

TS Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, năm 2006, Bộ NN-PTNT đưa silic vào danh mục bổ sung phân bón được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, tạo cơ sở và hành lang pháp lý cho việc nghiên cứu, ứng dụng silic vào phân bón.

Tuy nhiên, hiện còn một số vấn đề hạn chế sự phát triển của các nghiên cứu, ứng dụng silic rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, gồm: phương pháp xác định hàm lượng silic dễ tiêu cho cây trồng trong mẫu đất, mẫu phân bón và mẫu thực vật còn chưa nhất quán.

Vấn đề đồng bộ với phương pháp phân tích của thế giới, tính ổn định của các phương pháp phân tích đang áp dụng trong nước là chưa cao.

Điều này gây khó khăn cho hợp tác quốc tế về nghiên cứu và thương mại các sản phẩm phân bón silic, trong công bố, kiểm tra chất lượng các sản phẩm phân bón silic.

Hiện nay, Việt Nam quy định có 2 phương pháp thử để xác định hàm lượng silic dễ tiêu trong phân bón là TCVN 11407:2019 và TCCS 772:2020/BVTV. Phương pháp TCVN 11407:2019 có đối tượng là tất cả các loại phân bón, còn TCCS 772:2020/BVTV chỉ áp dụng cho phân silicat kiềm.

TS Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam nêu tính cấp thiết của hội thảo. Ảnh: PT.

TS Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam nêu tính cấp thiết của hội thảo. Ảnh: PT.

Như vậy, có sự chồng lấn về phương pháp thử trong khi hai phương pháp này có sự khác biệt lớn về kết quả trên cùng một mẫu phân bón.

Ngoài ra, quy định về phân loại phân bón tại Việt Nam hiện nay không có loại phân silicat kiềm để có thể được đăng ký lưu hành.

Thông tin về 4 phương pháp phân tích silic hữu hiệu trong phân bón, TS. Đỗ Duy Phái, Phòng Phân tích Trung tâm, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa cho biết, trong thiên nhiên silic không tồn tại ở dạng đơn chất, thông thường nó nằm trong dạng silic dioxit (SiO2) gọi là silica.

Các hợp chất chứa silic, oxy và kim loại (R-SiO3) gọi là silicat. Các hợp chất chứa silic, oxy và kim loại kiềm gọi là silicat kiềm. Các hợp chất của silic tồn tại nhiều là cát trắng, đất sét (cao lanh).

Hiện có 4 phương pháp phân tích, gồm: Thứ nhất, phương pháp khối lượng, tách silic dưới dạng SiO2 và xác định bằng phép cân chính xác. Thứ hai, phương pháp đo mầu, tạo màu với molipdat và đo bằng máy quang phổ hấp thụ phân tử (UV - VIS) ở bước sóng 660 nm.

Thứ ba, phương pháp đo trên máy quang phổ hấp thụ nguyên tử (AAS), sử dụng kỹ thuật đo ngọn lửa N2O/C2H2 tại bước sóng 251,6 nm. Thứ tư, phương pháp đo trên máy quang phổ phát xạ Plasma (ICP).

Cũng theo ông Phái, vật liệu có chứa silic dễ tiêu cho cây trồng để đáp ứng yêu cầu làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón silic tại Việt Nam còn thiếu về lượng và hành lang pháp lý cho việc thu mua, chế biến, sử dụng như là phân bón hoặc nguyên liệu phân bón.

Các công nghệ mới như nano silic hiện phát triển mạnh giúp tạo ra nguồn silic dễ tiêu chất lượng tốt và có thể ứng dụng rộng rãi với chi phí hợp lý, nhưng số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam tiếp cận và đầu tư công nghệ này còn hạn chế.

Còn hạn chế trong phát triển của các nghiên cứu, ứng dụng silic rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp. 

Còn hạn chế trong phát triển của các nghiên cứu, ứng dụng silic rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp. 

Thống nhất phương pháp phân tích đồng bộ với các tiêu chuẩn quốc tế

Chia sẻ tại hội thảo từ thực tế sản xuất doanh nghiệp, ông Hà Huy San, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Ninh Bình nhìn nhận, cây hút nhiều silic giúp tạo chất diệp lục thuận lợi, tăng khả năng quang hợp. Các loại cây khi được cung cấp silic cũng đều tăng năng suất.

Đặc biệt, hàm lượng SiO2 trong phân bón đặc biệt trong phân lân nung chảy rất có ích cho cây trồng. Do đó, ông San cho rằng, việc phân tích thành phần SiO2 hữu hiệu trong phân bón phải căn cứ nguồn gốc chủng loại phân bón.

Đối với các loại phân bón silicat kiềm, phân lân nung chảy, NPK có thành phân  lân nung chảy khi phân tích SiO2 cần lựa chọn tiêu chuẩn TCCS 772: 2020/BVTV.

Trước khi Nghị định 108/2017/ NĐ-CP ngày 20/9/2017 ra đời trên bao bì phân lân nung chảy Ninh Bình có ghi rõ thành phần SiO2: 25%-30%. Khi Nghị định 108/2017/NĐ-CP ra đời và sau đó QCVN 01-189:2019/BNNPTNT không có thành phần SiO2 trong phân lân nung chảy và quy định việc phương pháp thử Silic hữu hiệu theo TCVN 1407:2016 nên trên bao bì phân lân nung chảy Ninh Bình không được ghi thành phần SiO2.

Ông Hà Huy San, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Ninh Bình. Ảnh: PT.

Ông Hà Huy San, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Ninh Bình. Ảnh: PT.

“Vì quyền lợi nhà sản xuất và bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, Phân lân Ninh Bình kiến nghị Hiệp hội phân bón, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) xem xét, bổ sung thành phần SiO2 trong phân lân nung chảy, bổ sung phương pháp thử SiO2 theo TCCS 772:2020/BVTV vào quy chuẩn quốc gia về phân bón”, ông Hà Huy San nêu đề xuất.

Cùng kiến nghị quy chuẩn phân tích, ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Khoa học và Công nghệ, Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông cũng cho rằng, cần sớm có quy chuẩn phương pháp phân tích xác định hàm lượng silic trong đất, phân bón và cây trồng để đồng bộ với các tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện cho hợp tác quốc tế về nghiên cứu và thương mại phân bón silic.

Đồng thời, ông Huấn kiến nghị thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng silic dạng nano (SiNPs) trong phân bón nhằm khai thác tác dụng của silic đối với cây và đất đồng thời hạn chế tồn tại của các nguồn cung nguyên liệu silic trong sản xuất phân bón quy mô công nghiệp.

Tiếp nhận các kiến nghị, TS Phùng Hà cho biết, ngay sau Hội thảo, Hiệp hội Phân bón Việt Nam sẽ tổng hợp các ý kiến của doanh nghiệp trình lên Bộ NN-PTNT và Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng để sớm giải quyết các vướng mắc trong ứng dụng và phát triển silic trong phân bón.

Xem thêm
Sâu hại chính trên dưa hấu và cách phòng trị

Dưa hấu là loại cây trồng cho thu hoạch quanh năm và có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên hay bị các loại sâu hại làm giảm năng suất, chất lượng và mẫu mã...

Mavin được vinh danh tại giải thưởng Saigon Times CSR 2024

Ngày 14/11/2024, tại GEM Center, TP.HCM, Tập đoàn Mavin đã vinh dự nhận giải thưởng Saigon Times CSR 2024 do The Saigon Times, thuộc Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?