| Hotline: 0983.970.780

Sơn La chú trọng phát triển sản phẩm OCOP

Thứ Năm 22/09/2022 , 14:53 (GMT+7)

Tập trung khai thác lợi thế và tiềm năng, tỉnh Sơn La chú trọng phát triển sản phẩm OCOP giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.

Gạo nếp tan Mường Và, sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La.

Gạo nếp tan Mường Và, sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La.

Sau hơn 4 năm triển khai, đến nay Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm của tỉnh Sơn La" đã xây dựng được 83 sản phẩm, trong đó, 1 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; 30 sản phẩm OCOP đạt 4 sao; 52 sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Các sản phẩm tiêu biểu như cà phê bột nguyên chất, trà vỏ cà phê; cá Tép dầu; chè Trọng Nguyên; mận sấy gừng, mận sấy mật ong, mận sấy thảo dược; trà Xanh mây; hồng giòn sấy dẻo; ống hút tre Bình Mình; gạo nếp tan Ngọc Chiến; ống hút, cốc, dao, thìa dĩa tre Gia Phát; trà Sencha; ngọc trai Queenpearl; điểm du lịch Pha Đin top; điểm du lịch cộng đồng Ngọc Chiến… Có thể nói, Chương trình đã mang đến “làn gió” mới cho sản xuất nông nghiệp của Sơn La

Các sản phẩm OCOP đã và đang dần trở thành động lực để người dân thi đua phát triển sản xuất, liên kết tạo ra những sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập, phục vụ hiệu quả cho Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở Sơn La.

Theo lãnh đạo tỉnh Sơn La, Chương trình OCOP đã tạo cơ sở để phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong bảo tồn, phát triển sản phẩm của địa phương, tạo phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, hình thành nhiều vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm.

Để phát triển sản phẩm OCOP, bên cạnh hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đã cũng được xác định là giải pháp quan trọng để mở rộng thị trường, kích cầu tiêu dùng. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 6 điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP, nông sản, đặc sản vùng miền tại các huyện Mộc Châu, Thuận Châu, Quỳnh Nhai và thành phố Sơn La.

Các ngành chức năng đã chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông thực hiện các chuyên trang, chuyên mục để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản của tỉnh đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước biết kết nối tiêu thụ.

Gian hàng trái cây Mường La tại Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022.

Gian hàng trái cây Mường La tại Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục tổ chức, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham dự, trưng bày, giới thiệu sản phẩm cũng như ký kết các hợp đồng chế biến, tiêu thụ tại các hội nghị kết nối giao thương (trực tiếp và trực tuyến), tuần hàng nông sản an toàn, hội chợ, triển lãm các sản phẩm nông nghiệp…; Phối hợp với các các tỉnh, thành phố có tiềm năng tiêu thụ sản phẩm nông sản lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An... để kết nối đưa các sản phẩm nông sản vào tiêu thụ tại các khu công nghiệp, các hệ thống phân phối lớn, các chợ, các siêu thị, các bếp ăn tập thể, nhà hàng...

Mục tiêu của tỉnh Sơn La là phấn đấu có trên 200 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, từng bước xây dựng sản phẩm OCOP Sơn La thành thương hiệu có khả năng cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng nội tiêu và từng bước hướng tới xuất khẩu.

Để hiện thực hóa mục tiêu đó, thời gian tới, các cấp, các ngành trong tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về Chương trình OCOP gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới. Từ đó, khuyến khích các chủ thể mạnh dạn đầu tư sản xuất, phát triển các sản phẩm lợi thế của địa phương.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã. Xây dựng và phát triển các mô hình tổ chức sản xuất, hệ thống hỗ trợ chương trình OCOP; chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể thực hiện tốt nội dung, hoạt động của chương trình; phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo trong xây dựng sản phẩm OCOP; tập trung hoàn thiện, nâng cấp các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương và phát triển các sản phẩm đăng ký mới. Tập trung quảng bá, tiếp thị sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức; triển khai xây dựng điểm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP...

Đồng thời, nghiên cứu, hoàn chỉnh cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành vùng sản xuất hàng hóa chủ lực, tạo vùng nguyên liệu bền vững cho chế biến sản phẩm, tạo điều kiện để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Nhân rộng các mô hình phát triển sản phẩm OCOP, mang lại hiệu quả kinh tế cao; đồng thời, đẩy mạnh triển khai chương trình ký kết các hợp đồng chế biến, tiêu thụ tại các Hội nghị Kết nối giao thương, tuần hàng nông sản an toàn, Hội chợ, triển lãm các sản phẩm nông nghiệp… nhằm nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP trong nước và xuất khẩu.

Việc phát triển sản phẩm OCOP còn được thực hiện theo hướng liên kết với các hoạt động tour, tuyến du lịch, lễ hội… tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm cơ hội liên kết vùng, hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

Bình luận mới nhất