UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch 77 nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP và thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Sơn La năm 2023.
Mục tiêu của Kế hoạch này là đẩy mạnh Chương trình OCOP, phát triển mới từ 40 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Đồng thời tiếp tục duy trì, nâng cao các sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể tham gia OCOP là Hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh; 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 10%.
Kế hoạch cũng nêu rõ, đối với các địa phương phấn đấu “Xã nông thôn mới nâng cao” phải có chủ thể tham gia Chương trình OCOP và có sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng cấp tỉnh đạt từ 3 sao trở lên. Nâng cấp và chuẩn hóa từ 02 sản phẩm hạng 4 sao lên hạng 5 sao.
Tham gia Hội chợ OCOP tại địa phương và các tỉnh bạn gắn với tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm; đưa từ 80% sản phẩm OCOP được giới thiệu và bán trên các sàn thương mại điện tử và được tiêu thụ tại chuỗi các Trung tâm thương mại, siêu thị trong và ngoài tỉnh; 100% sản phẩm thuộc Chương trình OCOP có nhãn hiệu được bảo hộ, dán tem truy xuất nguồn gốc, đăng ký mã số, mã vạch.
Theo bà Hoàng Thị Thu Hiền, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối XD NTM tỉnh Sơn La, nhờ có chính sách đồng bộ, đến nay, các sản phẩm OCOP của Sơn La đã phong phú, đa dạng, thuộc nhiều nhóm: Thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, gia vị, chè... và đều được cấp giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc. Nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận chỉ dẫn địa lý, khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn. Thông qua thực hiện chương trình, đã góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường.
Song hành với kế hoạch đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP và thực hiện Chương trình OCOP, tỉnh Sơn La cũng đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ nâng cấp, tiêu chuẩn hóa sản phẩm, trong đó, tập trung hỗ trợ mua nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, tập huấn, thuê cán bộ kỹ thuật cho các tổ chức kinh tế, chủ thể tham gia thực hiện Chương trình OCOP. Cùng với đó hỗ trợ chi phí thiết kế nhãn hiệu, đăng ký nhãn hiệu, in tem, giấy chứng nhận, xác lập quyền sở hữu công nghiệp, xây dựng logo, bao bì, đăng ký mã số mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP. Chủ trương hỗ trợ các chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP quảng bá sản phẩm trên các trang thương mại điện tử; tổ chức giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh.
Cùng với chính sách hỗ trợ của tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể… các địa phương cũng nhanh chóng bắt tay vào xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa lớn, có giá trị kinh tế cao; từ kinh tế hộ đơn lẻ sang mô hình HTX, liên kết, liên doanh theo chuỗi giá trị ngành hàng.
Đặc biệt là sự thay đổi từ sản xuất theo kinh nghiệm mang nặng tính truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; từ năng suất lao động thấp sang áp dụng hàm lượng khoa học - công nghệ cao; từ coi trọng về số lượng sang coi trọng chất lượng, giá trị, lợi nhuận, gắn với an toàn thực phẩm của sản phẩm nông sản.
Nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, tỉnh Sơn La đã xây dựng 10 điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP, nông sản, đặc sản vùng miền tại các huyện: Mộc Châu, Thuận Châu, Quỳnh Nhai và thành phố Sơn La. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, Hợp tác xã kết nối, đưa sản phẩm lên tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử như: Voso.vn, Posmart.vn…
Sau 3 năm tập trung triển khai chương trình OCOP, đến nay, tỉnh Sơn La có 110 sản phẩm OCOP; trong đó, có 68 sản phẩm 3 sao, 41 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia.