| Hotline: 0983.970.780

Sơn Tinh di chuyển nhanh, miền Trung sẵn sàng ứng phó

Thứ Bảy 27/10/2012 , 15:18 (GMT+7)

Cơn bão này rất phức tạp, thay đổi hướng đi liên tục, gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác chuẩn bị ứng phó đối với các địa phương trong khu vực.

Tính đến 7 giờ sáng 27/10, theo dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn Trung ương và một số cơ quan khí tượng nước ngoài, hướng đi của bão Sơn Tinh (bão số 8) sẽ đổ bộ vào các tỉnh Nghệ An đến Quảng Trị, trung tâm bão sẽ vào Hà Tĩnh.

Để chuẩn bị đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra, sáng 27/10, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng BCĐ Phòng chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát cùng đoàn công tác các Bộ ngành Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh, đã tức tốc xuống tận các khu vực xung yếu ven biển như cảng cá, các công trình thuỷ lợi, đề điều, hồ đập…nhằm chỉ đạo công tác phòng chống bão.


Toàn bộ tàu thuyền Hà Tĩnh đã vào bờ neo đậu an toàn.

Tại huyện Lộc Hà, có 183 tàu thuyền, trong đó có 48 chiếc ngoại tỉnh với hơn 1.000 lao động đã di chuyển về neo đậu an toàn tại cảng Cửa Sót và đảo Bạch Long Vĩ. Các tuyến đê, kè đang thi công dở dang đã được gia cố đảm bảo; giằng chống an toàn, hơn 200 nhà dân và 3 chòi canh, lồng bè nuôi trồng thuỷ sản cũng được bảo vệ an toàn.

Ông Phan Văn An, ngư dân xã Quỳnh Lưu, Nghệ An, chủ tàu cá trú bão tại cảng Cửa Sót nói: “Cách đây 3 ngày khi đang đánh cá trên vùng biển giáp ranh tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi nhận được tin báo của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh về diễn biến cơn bão số 8 và được hướng dẫn đưa tàu về cảng Cửa Sót neo đậu kịp thời an toàn”.

Chủ tịch UBND xã Thạch Kim Hà Minh Tân báo cáo với Bộ trưởng và đoàn công tác: “ Để ứng phó với bão số 8, theo chỉ đạo của cấp trên, bên cạnh việc phối hợp kêu gọi tàu thuyền vào bờ, chúng tôi đã đề ra 3 phương án nếu bão đổ bộ trực tiếp ở cấp 8, cấp 9 sẽ sơ tán 200 hộ dân; cấp 9 sơ tán 305 hộ và bão mạnh trên cấp 11 sẽ sơ tán khoảng 1.000 hộ dân sống ven biển đến nơi an toàn”.

Tại huyện Nghi Xuân, địa phương dự báo sẽ là tâm bão hoặc chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, toàn bộ hệ thống chính trị đang tập trung huy động mọi nguồn lực, phương tiện giúp bà con giằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền; đồng thời, thực hiện phương án sơ tán dân.

Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Đặng Văn Tính cho biết: “Theo dự báo Nghi Xuân có thể nằm trong khu vực tâm bão, vì thế Nghi Xuân đang tập trung hướng dẫn 109 tàu thuyền của huyện và các tỉnh lân cận neo đậu tại khu vực quy định. Huy động 5 xe ô tô với hơn 100 cán bộ chiến sỹ Bộ đội, Công an di dời 596 hộ dân với hơn 2.200 nhân khẩu thuộc xã Xuân Hội đến nơi an toàn trước 17 giờ chiều 27/10. Trường hợp có mưa lớn xảy ra sẽ tiếp tục di dời hơn 60 hộ dân của xã Xuân Giang. Đồng thời, hướng dẫn phương án đảm bảo an toàn cho hồ nuôi trồng thuỷ sản và cây trồng vụ đông khi cơn bão đổ bộ vào”.

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, hiện tại việc neo đậu của tàu thuyền lớn xa bờ đang gặp khó khăn bởi chưa có âu tránh trú bão.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn nhấn mạnh: “Hà Tĩnh đã chuẩn bị mọi phương án có thể xảy ra để ứng phó với bão số 8. Thế nhưng để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản của nhân dân khi bão đổ bộ vào, tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các sở ban ngành, địa phương cần nâng cao cảnh giác, không chủ quan lơ là; chuẩn bị tốt phương châm “4 tại chỗ”; dự trữ lương thực, nước uống đề phòng khi có trường hợp xấu nhất xảy ra, kịp thời ứng cứu”.

Được biết, đến nay tất cả tàu thuyền của Hà Tĩnh (3.820 chiếc) với hơn 13.800 lao động đã vào bờ trú ẩn; các hồ đập xung yếu đang được phân công lực lượng trực vận hành 24/24h đảm bảo an toàn; tỉnh, huyện sẵn sàng huy động hơn 2.500 chiến sỹ ứng cứu ngay khi có lệnh điều động. Đặc biệt, Hà Tĩnh cũng đã xây dựng các phương án sơ tán dân ven biển, trường hợp bão cấp 9-10 đổ bộ trực tiếp di dời 6.645 hộ dân ở các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà, Nghi Xuân và TP Hà Tĩnh; bão cấp 11 trở lên di dời 15.096 hộ với trên 53 nghìn người thuộc 6 huyện, TP nói trên.

Sau khi kiểm tra tại một số khu vực xung yếu như âu tránh trú bão ở huyện Lộc Hà, Nghi Xuân, công trình thuỷ lợi Bara Đò Điệm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo tỉnh Hà Tĩnh, đặc biệt là huyện Nghi Xuân tiếp tục thực hiện nghiêm túc các giải pháp ứng phó với bão số 8 nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản.


Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát (thứ hai từ trái sang) cùng đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo công tác phòng chống bão tại cảng Cửa Sót (Lộc Hà) và Xuân Hội (Nghi Xuân).

Đến 15 giờ chiều 27/10 bão số 8 đã thay đổi theo hướng Tây Tây Bắc và sẽ không đổ bộ vào khu vực nam Hà Tĩnh - bắc Quảng Bình như đã dự báo tối 26/10. Theo dự báo, cơn bão này rất phức tạp, thay đổi hướng đi liên tục và dự kiến sẽ quét qua vùng biển khu vực Thanh Hoá - Bắc Hà Tĩnh vào rạng sáng ngày 28/10. Những thay đổi bất thường của bão đang gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác chuẩn bị ứng phó đối với các địa phương trong khu vực.

Tại Nghệ An, cũng trong sáng 27/10 đoàn công tác đã về các địa bàn xung yếu dọc bờ biển tỉnh Nghệ An để kiểm tra tình hình phòng chống bão số 8 của các địa phương. Công tác chuẩn bị đối phó với bão số 8 tại các địa phương như TX Cửa Lò,Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu đang được tiến hành rất khẩn trương.

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Bắc Trung bộ, lượng mưa từ ngày 27/10 đến 30/10 ở Nghệ An sẽ khoảng 200 mm. Do đó mực nước sông Lam, sông Hiếu, sông Bùng... có thể sẽ lên mức trên báo động I. Bởi thế có thể sẽ hình thành một trận lũ mới tại các huyện đồng bằng vùng trũng. Các huyện miền núi có thể sẽ xẩy ra lũ quét và sạt lở đất.

Báo cáo với Bộ trưởng Cao Đức Phát, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và PCLB tỉnh cho biết: Cho đến thời điểm chiều 27/10, hệ thống đê điều trong toàn tỉnh vẫn đảm bảo an toàn cao. Chỉ có một số công trình đê điều đang thi công như cống Nam Đàn tại Km 58+800 đến Km 59 + 80 đã hoành triệt 3 cửa lấy nước và âu thuyền bằng cửa phai; đê 2 đầu đã đắp đủ cao trình thiết kế nhưng vẫn giữ nguyên đê quai phía thượng lưu cống nên vẫn đảm bảo chống lũ. Đê tả Lam đoạn Tràng Sơn, Đô Lương đã thi công đảm bảo cao trình thiết kế. Các tuyến đê biển cũng đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn 2 tuyến đang thi công là đê Bãi Ngang (Quỳnh Lưu) hoàn thành 80% thiết kế; đê biển Nghi Yên (Nghi Lộc) cũng hoàn thành 70% thiết kế. Trong đó các điểm xung yếu đã thi công xong đảm bảo chống bão cấp 10, tần suất triều cường 5%. Các tuyến đê sông như đê Lương – Yên – Khai từ Km 0 đến Km3 + 262 các điểm GPMB xong cũng đã thi công ngang cao trình thiết kế. Tuyến đê Cát Văn (Thanh Chương) từ Km 0 +300 đến Km1+ 900, dài 1,6 km đã thi công đảm bảo cao trình chống lũ...

Điều đáng quan tâm nhất hiện nay là hệ thống các hồ đập. Đến thời điểm này, trong số 50 hồ đập do các doanh nghiệp quản lý, đã có 31 hồ đầy nước, 10 hồ có dung tích trên 70% và 9 hồ có dung tích từ 50 đến 70%. Hệ thống hồ đập do địa phương quản lý  (630 cái) hiện đều chứa 80% dung tích thiết kế.

Cơ quan chức năng cho biết hệ thống đê điều và hồ đập trên địa bàn tỉnh Nghệ An cơ bản có thể ứng phó được với trận bão. Tuy nhiên, các đơn vị và địa phương phải đặc biệt lưu ý và bố trí lực lượng trực 24/24h để xả nước khi có dấu hiệu lượng mưa sẽ lớn nhằm tránh vỡ đập. Các phương án di dời dân khỏi nơi nguy hiểm khi cần thiết tại các địa phương đã sẵn sàng.

Đại tá Đinh Ngọc Văn, Chỉ huy trường bộ đội biên phòng Nghệ An cho biết: Đến thời điểm 12h30 ngày 27/10/2012, đã có 4.501 phương tiện tàu thuyền với 9.006 lao động vào bờ an toàn. Hiện có 34 tàu thuyền khác đang trên đường vào bờ neo đậu an toàn để tránh và trú bão. Bộ đội biên phòng đã phát lệnh cấm biển không cho tàu thuyền nào được phép ra khơi.

Bộ trưởng Cao Đức Phát lưu ý, có thể bão sẽ không đổ bộ thẳng vào Nghệ An, nhưng hoàn lưu của bão sẽ gây mưa to trên diện rộng vì vậy Nghệ An phải chủ động phòng chống sạt lở đất, lũ quét tại địa bàn các huyện vùng núi đồng thời tổ chức lực lượng để tiêu thoát nước trên đồng ruộng, chống ngập úng để bảo vệ cây trồng vụ đông và diện tích lúa mùa chưa thu hoạch cho bà con nông dân.

Tỉnh Thanh Hóa được dự báo có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 8 và mức độ nguy cấp có thể tái diễn như hoàn lưu cơn bão tháng 5/2007. Trong ngày 27/10, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Thanh Hóa đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống bão lụt xuống các huyện, xã để chủ động đối phó.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, tính đến 10h ngày 27/10, toàn tỉnh đã có 8.558/8.566 phương tiện với 28.506/28.553 lao động được kêu gọi vào nơi tránh trú bão an toàn. Hiện còn 8 phương tiện và 47 lao động của các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia đang trên đường vào nơi tránh trú bão ở các khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh và đảo Bạch Long Vĩ. Số lao động trên vẫn thường xuyên liên lạc với gia đình và chính quyền địa phương.

Đến thời điểm này, hầu hết hồ đập trên địa bàn tỉnh đã đầy nước và gần đạt cao trình tích nước, trong đó có hơn 100 hồ thủy lợi nhỏ đã xuống cấp cần đặc biệt quan tâm.

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa cho biết, các điểm đê sông Chu bị sạt, trượt đã được gia cố, đạt khối lượng thực hiện 90%; các điểm đê bao, đập bị vỡ ở các xã Quảng Phú, Thọ Lập (Thọ Xuân) trong đợt mưa lũ đầu tháng 9 vừa qua đã được khắc phục.

Riêng đê tả sông Bưởi, đoạn qua huyện Vĩnh Lộc đang nâng cấp, gia cố mới đạt cao trình 12 đến 13 mét, thấp hơn cao trình thiết kết hơn 2 mét trên chiều dài 2,7 km nên cần đẩy nhanh tiến độ thi công, có biện pháp bồi trúc kịp thời.

Đối với vùng thượng du, kiểm tra, rà soát phương án sơ tán dân sinh sống ven sông suối, hạ lưu các hồ đập, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; căn cứ tình hình cụ thể chủ động phát lệnh sơ tán dân đến nơi an toàn; chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm, phương án trợ giúp các xã, đề phòng mưa lũ chia cắt, cô lập.

Theo ghi nhận của NNVN đến cuối buổi chiều ngày 27/10, tại các huyện ven biển như Hậu Lộc, Sầm Sơn, Tĩnh Gia công tác phòng chống bão lụt đã được triển khai. 100% tàu thuyền của ngư dân đã vào bờ trú ngụ an toàn. Bên cạnh đó, chiều cùng ngày các tiểu ban đã được phân công xuống các cơ sở theo dõi diễn biến tình hình bão lũ 24/24h báo cáo kịp thời để có phương án giải quyết khắc phục.

Chiều ngày 27/10, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã trực tiếp có mặt và chỉ đạo tỉnh Thanh Hóa tổ chức triển khai đối phó với cơn bão. Bộ trưởng yêu cầu tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là các huyện ven biển, huyện miền núi tiếp tục thực hiện nghiêm túc các giải pháp ứng phó với bão số 8 nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản.

* Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 8, sáng 27/7, UBND Quảng Bình đã họp khẩn cấp chỉ đạo Ban Chỉ huy PCLB - TKCN tỉnh các phòng ban liên quan khẩn trương triển khai các phương án nhằm chủ động đối phó với bão.


Bộ đội biên phòng Quảng Bình giúp dân neo buộc tài thuyền trước bão số 8 (ảnh Minh Lợi).

Đại tá Nguyễn Văn Phúc- Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết: “Đến 14h chiều 27/7, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình kêu gọi được 3.971 tàu và 14.073 ngư dân vào tránh trú bão an toàn. Chỉ còn 10 tàu với 69 lao động đang trên đường vào nơi trú ấn”. Ngoài ra, BCH Bộ đội biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ”, huy động phương tiện, lực lượng để ứng cứu kịp thời khi có sự cố do mưa, lũ, bão gây ra; thông báo cho nhân dân sống ở khu vực ven sông, ven biển, chằng chống nhà cửa, sẵn sàng ứng phó với mưa bão.

Ông Trần Văn Tuân-Phó chủ tịch UBND tỉnh- Trưởng ban PCLB-TKCN tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu các ngành, địa phương không được chủ quan, tích cực thực hiện các nhiệm vụ cần thiết để phòng chống bão và mưa lụt.

Cũng trong sáng 27/10, Ban chỉ huy PCLB-TKCN bão tỉnh đã tổ chức 3 đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống bão và mưa lũ tại 3 khu vực của tỉnh như vùng biển, vùng miền núi, vùng ven sông và các khu công nghiệp Hòn La, khu neo đầu sông Gianh.

Các địa phương trong tỉnh Quảng Bình đã khá chủ động với các phương án phòng chống lục bão. Người dân cũng có những phương án an toàn của mình để bảo vệ người và tài sản cá nhân.

Từ từ 10 giờ sáng 27/7, Quảng Bình bắt đầu mưa lớn trên diện rộng. Những đợt mưa như trút nước khoảng chừng dăm chục phút lại ngưng hẳn vài chục phút lại xối tiếp, liên tục như vậy. Cụ Trần Văn Thức (78 tuổi, ở Quảng Tân) cho hay: “Mưa lớn và cứ từng đợt như thế này, theo kinh nghiệm của bà con là dự báo có lũ lớn đó”.

* Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, bão số 8 đang hướng vào miền Trung và di chuyển với tốc độ khá nhanh, từ 20-25 km/giờ. Hồi 4 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,4 độ Vĩ Bắc; 111,7 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (từ 113-117 km/giờ), giật cấp 12, cấp 13.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển quần đảo Hoàng Sa ngày hôm nay (27/10) có gió mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huếcó gió mạnh cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội; khu vực Vịnh Bắc Bộ từchiều và đêm nay gió sẽ mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội.

Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An từ sáng mai (28/10) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Ởcác tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ từ trưa và chiều mai (28/10) có gió giật cấp 6, cấp 7. Khu vực phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to. Phía Tây Bắc Bộvà các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế, có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20-25km và có khả năng mạnh thêm. Đến 4 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ởvào khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Thanh Hóa-Quảng Bình khoảng 140km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (từ 118-133 km/giờ), giật cấp 13, cấp 14.

Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km. Đến 16 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,6 độ Vĩ Bắc; 105,7 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Thanh Hóa và Nam Đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (từ62-88 km/giờ), giật cấp 10, cấp 11.

Trong khoảng 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Bắc Tây Bắc và Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 4 giờ ngày 29/10 tới, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 21,5 độ Vĩ Bắc; 105,3 độ Kinh Đông, trên khu vực trung du Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở gần trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Bắc Đông Bắc, suy yếu và tan dần.

Xem thêm
Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm