Các đảng viên cao cấp và kỳ cựu của GOP như ngồi trên lửa trước viễn cảnh tỉ phú Donald Trump đại diện đảng này trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Dĩ nhiên, họ buồn nếu ông Trump thua đối thủ Dân chủ, nhiều khả năng là bà Hillary Clinton, trong trận chiến cuối cùng. Nhưng một kết quả ngược lại cũng chẳng khiến họ vui hơn bởi không nhiều người dám tưởng tượng vận mệnh nước Mỹ sẽ ra sao nếu được đặt vào tay một nhân vật thạo kinh doanh hơn làm chính trị và thường xuyên có những phát ngôn, lập trường gây sốc.
Hai ứng viên tổng thống gần đây nhất của GOP - ông Mitt Romney và thượng nghị sĩ John McCain - đều chê ông Trump không đủ năng lực ngồi vào chiếc ghế trong Nhà Trắng, thậm chí là mối đe dọa quốc gia nói chung và GOP nói riêng. Chỉ trích rất nặng lời, ông Romney cảnh báo dưới sự lãnh đạo của tỉ phú Trump, nước Mỹ sẽ rơi vào một cuộc suy thoái kéo dài.
Tuy nhiên, đằng sau những lời lẽ nặng nề trên là một hiện thực u ám mà giới lãnh đạo GOP phải đối mặt: Mọi nỗ lực ngăn chặn đà tiến của ông Trump có thể đã quá muộn hoặc có khi còn chọc giận khối cử tri ủng hộ Trump đang mở rộng trong lòng GOP.
Đây được xem là tập hợp của những người đang tìm kiếm một “cuộc cách mạng” do thất vọng với thực trạng hiện nay của GOP lẫn chính trường Mỹ. Họ muốn một ứng viên đi ngược lại thiết chế của đảng và không cần để mắt đến cái gọi là chính trị truyền thống.
Còn theo thượng nghị sĩ Jim Webb, cựu ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ, những người bỏ phiếu cho ông Trump vì xem ông này là hiện thân của sự thay đổi, bất kể theo chiều hướng tốt hơn hoặc tệ hơn.
Tỉ phú Donald Trump (giữa) cùng 2 đối thủ Marco Rubio (trái) và Ted Cruz (phải) tại cuộc tranh luận ở TP Detroit hôm 3-3 Ảnh: Reuters
Vì thế, theo tờ The Wall Street Journal, lựa chọn dành cho phe “chống Trump” hiện không nhiều. Họ có thể trông chờ kết quả các cuộc bầu cử sơ bộ sắp tới hoặc các lãnh đạo GOP thuyết phục những ứng viên khác, trừ thượng nghị sĩ Ted Cruz, rời cuộc đua để những cử tri không ưa ông Trump dồn phiếu cho người còn lại. Một lựa chọn khác là họ công khai tuyên bố không ủng hộ ông Trump làm ứng viên với hy vọng lật ngược tình thế. Nếu mọi động thái trên đều thất bại, xem ra họ chỉ còn cách liều mình “sống chung với lũ”.
Có thể hiểu được lý do ông Trump bị chính “người nhà” ghẻ lạnh. Dựa vào những phát biểu trong quá trình tranh cử, nhiều người lo ngại ứng viên này sẽ phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc, tăng thuế đối với người giàu, can thiệp vào chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (FED)… nếu lên nắm quyền.
Khi đó, quan hệ giữa Nhà Trắng và quốc hội, vốn đã xấu lúc này, có thể đổ vỡ hoàn toàn. Không đâu ngán kịch bản này như Phố Wall, ngay cả khi ông Trump xuất thân là một doanh nhân. “Xét theo quan điểm kinh tế vào thị trường, một nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump sẽ là thảm họa...” - ông Barry Randall, nhà quản lý tại Công ty Quản lý đầu tư Covestor, nhận định.
Có thể thấy sự “tiền hậu bất nhất” của ông Trump qua lập trường về tra tấn. Chỉ mới tại cuộc tranh luận đêm 3-3 (giờ địa phương), ông tiếp tục gây bão dư luận với tuyên bố có thể ra lệnh quân đội Mỹ “xé rào” luật pháp quốc tế để sử dụng những biện pháp thẩm vấn hà khắc đối với nghi can khủng bố nếu đắc cử. Thế mà ngay hôm sau, tỉ phú truyền thông đã gửi tuyên bố đến tờ The Wall Street Journal, theo đó hứa hẹn sẽ không ra lệnh quân đội làm vậy.
Với một nhân tố khó lường như thế, bất kể chuyện gì cũng có thể xảy ra từ giờ cho đến khi cuộc đua Nhà Trắng khép lại vào tháng 11 tới, cũng như tương lai nước Mỹ sau đó. Và đây chính là điều khiến dư luận trong và ngoài nền kinh tế lớn nhất thế giới này ngày càng cảm thấy bất an.