“Con đường chính trực” được xem như tác phẩm tiêu biểu của tiến sĩ Martha Beck, một nhà xã hội học nổi tiếng nước Mỹ. “Con đường chính trực” được tiến sĩ Martha Beck khẳng định, viết ra trước hết để cứu mình, để đối diện và hóa giải đau khổ của bản thân.
Có bao giờ bạn cảm thấy mình đang sống không phải là chính mình? Khi mỉm cười mà trong lòng trống rỗng, khi tiếp tục một công việc mà mình không thích, hay khi cố chạy theo chuẩn mực mà lạc mất chính mình? Tiến sĩ Martha Beck gọi đó là tình trạng đánh mất sự chính trực - một trạng thái đẩy ta vào vòng xoáy bất an, mệt mỏi, và xa rời hạnh phúc thực sự.
Có thể hình dung mỗi người giống như một chiếc máy bay, nếu ở trạng thái toàn vẹn, mọi thành phần của máy bay sẽ hoạt động trơn tru và nhịp nhàng, giúp máy bay cất cánh bay cao. Nếu các thành phần bên trong không thống nhất hoặc hư hỏng, máy bay có thể bị chết máy, chao đảo, hoặc tệ hơn là gặp tai nạn.
Con người cũng vậy. Khi mất đi sự toàn vẹn, mọi thứ bên trong và bên ngoài của chúng ta đều bị ảnh hưởng tiêu cực. Công việc có thể trở nên trì trệ, các mối quan hệ dần rạn nứt, và cuộc sống trở thành một vòng luẩn quẩn của những nỗi bất an.
Nếu bạn từng thấy mình bỗng dưng phát cáu với một người mà bạn vô cùng yêu quý, hay bạn dự định ngồi xuống để hoàn thành một dự án nhưng rốt cuộc lại dành ra năm tiếng đồng hồ để tìm mua một bộ dụng cụ xăm mình tại nhà qua mạng, thì có lẽ bên trong bạn đang bị chia tách. Bạn đang cố gắng hành động theo những cách mà sâu trong tiềm thức, bạn không thật sự cảm thấy là đúng đắn. Bất cứ khi nào chúng ta làm điều này, cuộc đời chúng ta bắt đầu tuột dốc”.
Trong cuốn sách “Con đường chính trực”, tác giả Martha Beck đã đưa ra nhiều trường hợp ví dụ về những người đánh mất sự chính trực, khiến cuộc đời họ trở thành chuỗi thất bại và ước mơ tan vỡ, từ một bạn học liên tục phải vào tù, một người em họ kết hôn với kẻ tồi tệ, đến một đồng nghiệp liên tục làm hỏng công việc…
Lấy cảm hứng từ “Thần khúc” của Dante, tiến sĩ Martha Beck chia hành trình tìm kiếm sự chính trực thành bốn giai đoạn: Khu rừng tối lầm lạc, Địa ngục, Luyện ngục và Thiên đường. Bằng cách sử dụng phép ẩn dụ này, mỗi người liên hệ với những khía cạnh sâu thẳm trong chính mình để chuyển hóa bản thân, từ đó nhận ra điều thực sự khao khát thay vì chạy theo những gì xã hội áp đặt.
Thông qua sự kết hợp giữa tâm lý học và văn học, những khái niệm phức tạp trở nên gần gũi hơn với người đọc. Không chỉ vậy, những ẩn dụ trong “Thần khúc” của Dante cũng được Martha Beck “hiện đại hóa” đế kết nối với các vấn đề mà con người hiện đại đang đối mặt, chẳng hạn như trầm cảm, lo âu, mất phương hướng.
Sống với sự chính trực không phải là làm vừa lòng tất cả mọi người, mà là sống sao để tâm hồn mình được bình an. Đây là một thông điệp mạnh mẽ và cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh ngày nay khi nhiều người cảm thấy áp lực trước việc phải đáp ứng các chuẩn mực xã hội.
Khác với nhiều cuốn sách về đạo đức hay phát triển bản thân, “Con đường chính trực” không đưa ra những lý thuyết suông mà thay vào đó là những bài tập thực hành và câu hỏi tự vấn, giúp bạn từng bước nhận ra điều gì cần thay đổi và làm thế nào để thay đổi. Bất kể bạn đang ở giai đoạn nào của cuộc đời – cảm thấy mắc kẹt trong công việc, bế tắc trong các mối quan hệ, hay đơn giản là không tìm thấy niềm vui – cuốn sách này đều có thể mang lại nguồn cảm hứng và định hướng cho bạn.
Vì lẽ đó, ngay khi ra mắt lần đầu vào năm 2021, “Con đường chính trực” đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của độc giả. Bởi lẽ, đó không chỉ là một cuốn sách phát triển bản thân, mà còn là kim chỉ nam, dẫn dắt bạn trở về với con người chân thật của mình.
Một trong những ví dụ ấn tượng nhất có lẽ là câu chuyện của Rayya. Cô là một người nghiện ma túy nặng, đã trượt dài trong những cơn phê thuốc trên đường phố New York suốt 20 năm. Nhưng nhờ tìm thấy con đường chính trực của mình, cô đã cai nghiện và sống một cuộc đời thành thật, thẳng thắn. Và khi được chẩn đoán ung thư giai đoạn cuối, chính sự chính trực đã giúp cô quyết định dành thời gian còn lại để sống trọn vẹn với âm nhạc, tình yêu và ra đi một cách thanh thản.
Có thể độc giả nghĩ những câu chuyện trong “Con đường chính trực” đều mang lăng kính màu hồng, nhưng đó hoàn toàn là những ví dụ thực tế từ những thân chủ mà tiến sĩ Martha Beck đã hướng dẫn. Thậm chí, bản thân Martha Beck cũng là một ví dụ thành công điển hình khi tìm được con đường chính trực của mình.
Trên truyền thông, nhiều người biết đến tiến sĩ Martha Beck với vai trò là một nhà xã hội học, một tác giả sách bán chạy, hay một nhà khai vấn uy tín, nhưng ít ai biết bà cũng từng trải qua một hành trình đầy biến động: từ việc cảm thấy bế tắc trong công việc, suy sụp khi con trai được chẩn đoán mắc hội chứng Down, cho đến quyết định rời khỏi giáo hội Mặc Môn khiến bà trở thành kẻ thù của chính cộng đồng mình, hay nhận ra xu hướng tính dục của mình sau hàng chục năm.
Tất cả những trải nghiệm đó giúp tiến sĩ Martha Beck hiểu rõ hơn về hành trình tìm lại chính trực, và đưa những bài học ấy vào từng trang sách.