| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 07/03/2022 , 13:38 (GMT+7)
Thái Hạo

Thái Hạo

13:38 - 07/03/2022

Sốt đất và những hậu quả của nó

Một lô đất có giá 200 triệu, chỉ sau một năm đã lên 500 - 700 triệu đồng, thậm chí nhiều hơn. Sốt đất đang diễn ra ở nhiều vùng nông thôn, quy mô lớn.

Vì giá đất đột ngột tăng vọt, những người nông dân suốt đời nghèo khổ bỗng thấy mình có tiền tỉ trong tay. Họ bán đất đang sản xuất cho các công ty bất động sản hoặc cò lái; và thường sau một thời gian đất bị phân lô bán nền thì cả một vùng chuyên canh có thể trở thành bãi đất hoang, mà cũng chẳng ai tới đó để xây nhà. Những lô đất cứ được bán chuyền tay, từ 200 triệu, có thể lên đến tiền tỉ sau vài năm mà không thấy cơ sở nào cho sự tăng giá này.

Hậu quả của nó là vô cùng tai hại. Ngoài việc lãng phí nguồn tài nguyên đất quý giá là sự khốn cùng của những người có thu nhập thấp. Giáo viên, với thu nhập cả 2 vợ chồng khoảng 10 triệu một tháng, để mua được một lô đất 500 triệu và cất nhà thì phải mất khoảng 20 năm ròng, không được phép đau ốm bệnh tật và phải bóp mồm bóp miệng tối đa. Sốt đất tác động một cách dữ dội vào đời sống của phần lớn dân chúng vì mức sống của xã hội đột ngột tăng lên trong khi thu nhập của đa số là “ổn định”.

Sốt đất, một khoản tiền như từ trên trời rơi xuống, lại không có sinh kế mới đã biến nhiều thanh niên và nông dân thành những người thất nghiệp, vô công rỗi nghề, sa vào tệ nạn. Sau một thời gian bán đất thì tiền bạc tan thành mây khói và cái nghèo thê thảm sẽ trở lại.

Bong bóng bất động sản ở Việt Nam rất khó vỡ như nhiều nhà khoa học đã phân tích và thực tế cũng đã chứng minh. Nghĩa là giá đất một khi đã lên thì rất khó xuống trở lại. Nền kinh tế Việt Nam chưa có nền tảng cơ bản từ sản xuất, nghĩa là chưa tạo được sức sống nội tại, là một nền kinh tế chân không, thì những cơn sốt đất không hạ nhiệt liên tiếp đang diễn ra này chỉ càng đẩy người dân vào cảnh khốn đốn.

“Nông thôn giàu lên” vì sốt đất, cái giàu ấy không khác bao nhiêu người trúng vé số. Tất cả tiền đề cho việc dùng tiền đều không đổi. Con người cũ, cách nghĩ cũ, cách sống cũ, lại thất nghiệp nữa… đang tạo ra một bức tranh lòe loẹt mà rỗng tuếch. Đời sống tinh thần và cơ tầng văn hóa xã hội không đổi thì việc đột ngột có tiền sẽ đáng lo hơn đáng mừng.

Khi nền kinh tế còn lạc hậu và yếu kém, sản xuất xã hội cơ bản chưa đáng kể, thu nhập người dân thấp mà hàng hóa, trong đó có đất đai, bỗng tăng vọt và tạo ra một khoảng cách quá lớn thì sẽ đẩy cả xã hội vào tình trạng như ngồi trên khối thuốc nổ.

Đất đai đang bị băm nát, nền nông nghiệp bị phá hủy thêm nhiều lần nữa; nguy cơ hình thành các khu ổ chuột và loạn quy hoạch. Người giàu càng giàu, kẻ nghèo càng nghèo, hố ngăn cách ngày càng lớn. Bức tranh xã hội nhếch nhác, rối rắm đang dần hiện ra rõ nét. Nếu không có các giải pháp kinh tế và quản lý đất đai khoa học, hiệu quả và bền vững thì không những những lời hứa vẫn là lời hứa, mà nay mai người dân sẽ càng phải gánh chịu thêm nhiều hậu quả tai hại nữa.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm