| Hotline: 0983.970.780

Sốt giống lúa chịu mặn

Thứ Ba 28/08/2012 , 13:29 (GMT+7)

Do nền đất bị nhiễm mặn nên các giống có khả năng chịu mặn cao được nhiều nông dân lựa chọn để SX dẫn đến sốt giống...

Sau vụ nuôi tôm, nông dân các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL đang tất bật gieo cấy lại vụ lúa trên đất nuôi tôm. Do nền đất bị nhiễm mặn nên các giống có khả năng chịu mặn cao được nhiều nông dân lựa chọn để SX dẫn đến sốt giống...

Cung không đủ cầu

Tìm về những vùng SX theo mô hình tôm - lúa ở các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu… vào thời điểm này, nhiều vuông tôm đã được xả hết nước mặn để chờ mưa xuống lấy nước rửa mặn. Những hộ còn nuôi thì đang đặt lú bắt những con tôm cuối cùng để sẵn sàng chuyển sang vụ lúa. Cỏ năn, cây đưng… là nơi trú ngụ của con tôm đã được nông dân dọn sạch chuẩn bị chỗ cho cây lúa.

Ông Trần Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình, Cà Mau cho biết, đến thời điểm này nông dân đã gieo được hơn 800 ha mạ, để chuẩn bị đưa xuống cấy cho 25.000 ha đất nuôi tôm toàn huyện. Ngoài các giống lúa mùa đã được phục tráng như: Tép Hành, Một Bụi Đỏ… năm nay nông dân còn chọn các giống ngắn ngày có khả chịu mặn từ 4-6%o để đưa vào SX.

Lão nông Nguyễn Huy Thông ở xã Biển Bạch Đông, Thới Bình tâm sự: “Vùng đất này đã được chuyển dịch theo mô hình tôm - lúa cả chục năm nay, nên nền đất đã bị nhiễm mặn. Do đó, nông dân phải tìm các giống có khả năng chịu mặn để đưa vào SX, tránh bị thiệt hại. Tuy nhiên, do các giống có khả năng chịu mặn cao hiện còn rất hạn chế nên thường bị sốt giống, có khi phải đặt cọc trước đại lý mới cung cấp".


Nông dân chuẩn bị mạ để cấy trên nền đất nuôi tôm

Vụ lúa trên nền đất nuôi tôm có ý đặc biệt, vừa làm tăng thêm thu nhập cho nông dân vừa có tính cải tạo môi trường cho vụ tôm năm sau nên khó khăn mấy cũng phải kiếm cho được giống lúa chịu mặn để làm.

Tại các huyện vùng U Minh Thượng, nơi có diện tích SX theo mô hình tôm - lúa lớn nhất tỉnh Kiên Giang, nhiều hộ nông dân đã gieo mạ sẵn trên bờ, chờ khi mưa nhiều, ruộng được rửa mặn xong là đưa xuống cấy. Tuy nhiên, cũng có nhiều hộ chọn phương pháp gieo sạ trực tiếp với các giống lúa cao sản ngắn ngày.

Ông Lê Văn Hiển, ở xã Đông Hòa, An Minh cho biết: “Trước đây tui thường cấy lúa mùa trên 3 ha đất nuôi tôm của gia đình nhưng 2 năm nay đã chuyển sang làm giống ST5 (giống lúa do ngành nông nghiệp Sóc Trăng lai tạo). Làm lúa ngắn ngày có lợi thế là đỡ tốn công, chỉ cần rửa mặn, dọn sạch đất sau đó ngâm lúa rồi sạ là xong, không phải tốn 2-3 công đoạn như cấy lúa mùa. Ngoài khả năng chịu mặn tương đối, giống lúa này cho năng suất cao, gạo thơm ngon nên rất dễ bán. Tuy nhiên, không hiểu sao vụ này khó tìm mua lúa giống khó quá”.

Tuân thủ lịch thời vụ

Ngoài các giống lúa thuần, một số nông dân còn chọn giống lúa lai để gieo sạ như B-TE1, PAC 807, HR 182… Đây là những giống có khả năng chịu mặn khá, sinh trưởng mạnh, thích nghi tốt trên nền đất nuôi tôm. Anh Trọng, chủ đại lý chuyên cung cấp lúa giống ở huyện U Minh Thượng, Kiên Giang cho biết, ngày càng có nhiều nông dân chọn các giống lúa thuần ngắn ngày hoặc giống lúa lai có khả năng chịu mặn để SX trên nền đất nuôi tôm thay cho các giống lúa mùa địa phương.

Do đó, đã có hiện tượng sốt giống do nguồn cung không đủ. Chẳng hạn, giống ST5 đại lý của anh Trọng cả tháng nay không có hàng để bán, do nguồn giống dự trữ đã hết. Liên hệ bên Sóc Trăng thì họ cho biết phải chờ vì lúc này mới vào thời điểm thu hoạch.

Các giống đang được khuyến cáo nông dân sử dụng như: Rẻ Hành, Một Bụi Đỏ, Tài Nguyên, Lùn Minh Hải… hoặc các giống ngắn ngày, chất lượng cao, kháng rầy, chịu mặn như: GKG 1, OM 2517, OM 2717, AS 996, OMCS 2000, OM 1940, ST5, các giống lúa lai…

Dự kiến vụ mùa năm nay toàn tỉnh Kiên Giang sẽ gieo cấy 65.850 ha lúa, trong đó nhiều nhất là huyện An Minh với 31.000 ha, Vĩnh Thuận 14.500 ha…

Ông Nguyễn Trung Tiền, GĐ Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang cho biết, từ nhiều năm qua trung tâm đã tập trung nghiên cứu, lai tạo các giống có khả năng chịu mặn cao để phục vụ nhu cầu SX trên nền đất nuôi tôm của bà con nông dân. Hiện giống GKG 1 do trung tâm chọn tạo có khả năng chịu mặn trên 4 phần nghìn đang được nhiều nông dân lựa chọn đưa vào SX, mang lại hiệu quả cao. Trung tâm đang tiếp tục nghiên cứu để đưa ra những giống lúa có khả năng chịu mặn cao hơn, chất lượng gạo thơm ngon nhằm đáp ứng nhu cầu của nông dân trong những năm tới.

Để SX thắng lợi vùa mùa 2012-2013 trên nền đất nuôi tôm, Sở NN-PTNT Kiên Giang khuyến cáo nông dân nên tuân thủ lịch thời vụ, sau khi thu hoạch tôm cần thực hiện triệt để các biện pháp ngâm rửa mặn tối thiểu khoảng 1 tháng. Tận dụng nước mưa, nước ngọt trên kênh rạch để bơm tháo nước 2-3 lần trước khi xuống giống. Nên chuyển đổi cơ cấu giống từ lúa mùa địa phương có thời gian sinh trưởng dài ngày, năng suất, chất lượng thấp, nhiễm sâu bệnh nặng sang các giống trung mùa đặc sản hoặc các giống cao sản ngắn ngày, có tính thích nghi rộng, cho năng suất cao, chất lượng gạo tốt…

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Mùa vàng trên cánh đồng sạ cụm

QUẢNG BÌNH Mô hình gieo sạ lúa bằng máy tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hàm Hòa trong vụ đông xuân 2023 - 2024 với diện tích trên 10ha cho hiệu quả lớn…

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm