| Hotline: 0983.970.780

Sử dụng kháng sinh như phần tất yếu trong chăn nuôi

Thứ Hai 11/04/2016 , 13:10 (GMT+7)

Cuộc chiến với chất cấm bắt đầu vào giai đoạn quyết liệt. NNVN xin giới thiệu loạt bài "Tuyên chiến với chất cấm để bảo vệ giống nòi"...

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa phối hợp với Sở NN-PTNT Hà Nội tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp quản lý chất cấm và lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm các tỉnh phía Bắc”. 

Trên thế giới, việc sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi (TĂCN) với mục đích kích thích sinh trưởng, cải thiện hiệu quả chuyển hóa thức ăn có lịch sử gần một thế kỷ, được khởi đầu từ những năm 1940 tại Mỹ. Sau đó tình hình sử dụng kháng sinh đã phát triển, lan rộng và trở nên phổ biến ở trên nhiều nước trên thế giới.

Không thể an lòng

Trên thực tế việc sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi dưới hai dạng phổ biến: Thuốc phòng bệnh, trị bệnh và phụ gia kích thích sinh trưởng. Liều sử dụng khi làm phụ gia thức ăn kích thích sinh trưởng thường thấp hơn so với liều phòng và trị bệnh.

Ở Việt Nam, chuyện dùng chất cấm trong chăn nuôi cũng có từ hàng chục năm trước. Tổng hợp năm 2015 và 2 tháng năm 2016 kết quả kiểm tra từ các địa phương và Cục Chăn nuôi cho thấy khi kiểm tra 1.893 cơ sở, trong đó có 58 cơ sở có vi phạm chất cấm (chiếm 3,1%), trong đó: Tổng số mẫu thức ăn chăn nuôi đã lấy: 1.239 mẫu, 17 mẫu vi phạm chất cấm (chiếm 1,37%). Tổng số mẫu nước tiểu lợn đã lấy: 3.972 mẫu, 257 mẫu vi phạm chất cấm (chiếm 6,47%). Tổng số mẫu thịt, phủ tạng đã lấy: 451 mẫu, 12 mẫu vi phạm chất cấm (chiếm 2,66%).

Như vậy, việc triển khai các đợt cao điểm về kiểm soát chất lượng vật tư và an toàn nông sản đã có tác dụng rất tích cực: vừa huy động lực lượng lớn các bộ ngành và các địa phương vào cuộc vừa góp phần giảm thiểu rõ rệt tỷ lệ các mẫu dương tính với chất cấm trong chăn nuôi, trong đó TĂCN chỉ còn 1,3% so với 5 - 6% các tháng đầu năm; nước tiểu còn 3,9% so với thời gian cao điểm lên tới 16 - 25% mẫu kiểm tra dương tính... Các chất cấm trong chăn nuôi chủ yếu là Salbutamol và một số rất ít là chất Vàng O (Auramine).

Tuy nhiên những con số đó không thể khiến cho chúng ta an lòng dừng cuộc chiến bởi chỉ một vài phần trăm sử dụng chất cấm thôi đồng nghĩa với là trăm ngàn, hàng triệu người dân Việt Nam bị ảnh hưởng, giống nòi Việt Nam bị uy hiếp về lâu về dài.

27 chất cấm

Không phải tất các hóa chất đều bị cấm sử dụng trong chăn nuôi. Ngược lại, các loại thuốc thú y đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng trừ dịch bệnh cho vật nuôi.

Theo Thông tư số 28/2014/TT-BNNPTNT ngày 04/9/2014 của Bộ NN-PTNT, có 22 loại hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi. Thông tư số 42/2015/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2015 đã bổ sung 5 hóa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi.

Như vậy, cho đến nay có 27 hóa chất, kháng sinh đã bị cấm. Trong số các hóa chất, kháng sinh này, các chất kích thích tăng trọng chiếm tỷ lệ lớn gồm 2 nhóm chính: nhóm β2-agonist và nhóm các steroid; nguy hiểm nhất là các chất tăng trọng nhóm β2-agonist.

Các chất β2-agonist là các dẫn xuất tổng hợp của catecholamine (adrenaline). Trong dược học, đây là một nhóm thuốc dùng để điều trị bệnh hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Các β2-agonist có tác dụng làm giãn cơ trơn của đường khí phế quản dẫn đến mở rộng đường khí phế quản, giúp các bệnh nhân hen suyễn, bệnh đường phổi hô hấp bình thường trở lại.

Các chất β2-agonist khi sử dụng trên động vật, đóng vai trò là chất kích thích tăng trưởng. Các chất này điều tiết sinh trưởng động vật: thúc đẩy phát triển cơ bắp và tác dụng phân giải lipid, điều khiển các chất dinh dưỡng hướng tới mô cơ, tăng sinh quá trình tổng hợp protein để tích luỹ nạc và giảm sinh tổng hợp mỡ, giảm tích luỹ mỡ trong cơ thể; có tác dụng, nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn.

Ảnh hưởng đồng hoá của β2-agonist trên cơ và chất béo bị lợi dụng trái phép trong các sản phẩm thịt. Điều này gây nên sự thoái hoá trong lipit, sự phát triển cơ và làm tăng cân nặng, trong quá khứ được sử dụng bất hợp pháp như một chất hoạt hoá tăng trọng ở gia súc non. Đây là một chất cực mạnh, tác dụng nhanh. Chỉ cần một lượng nhỏ chất này trộn vào thức ăn hàng ngày thì lợn lớn như thổi: xương vai xương đùi rút nhỏ lại, bắp thịt tứ chi nổi to lên và trở thành lợn siêu nạc nhanh chóng...

Trong Danh mục các hóa chất cấm của Bộ NN-PTNT, có 7 hợp chất thuộc nhóm chất β2-agonist bao gồm: Carbuterol, Cimaterol, Clenbuterol, Fenoterol, Ractopamine, Salbutamol và Terbutaline.

Trong số này, các chất Clenbuterol, Salbutamol và Ractopamine được sử dụng phổ biến nhất; Clenbuterol là chất nguy hiểm nhất. Các chất β2-agonist là một trong những hợp chất dùng trong chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn để kích thích tăng trưởng và cho thịt siêu nạc. Khi lợn được cho ăn các chất trên thì sẽ tăng tỷ lệ nạc, giảm tỷ lệ mỡ và nếu không bán nhanh thì lợn sẽ chết. Do vậy, thường người ta chỉ cho dùng các chất trên khi lợn gần đến ngày xuất chuồng.

Xem thêm
Heo hơi tăng giá, người nuôi lãi 2 triệu đồng/tạ

BẾN TRE Heo hơi xuất bán tại chuồng ở huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre đang có giá từ 64 - 67 nghìn đồng/kg, tăng 4 - 7 nghìn đồng/kg so với cách đây 1 tháng.

Xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật rộng đường

TÂY NINH Ngày 18/5, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.

Tiền Giang tôn vinh nhiều trí thức tiêu biểu lĩnh vực khoa học và công nghệ

Năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã nghiệm thu, kết thúc và trình ban hành quyết định công nhận 20 nhiệm vụ, trong đó lĩnh vực nông nghiệp có 10 nhiệm vụ.