Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đi bộ trong khách sạn tại Hà Nội (Ảnh: AFP) |
Việc các cuộc đàm phán Mỹ - Triều đổ vỡ khiến Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un không thể đạt được thỏa thuận cuối cùng tại hội nghị thượng đỉnh vừa qua là điều gây bất ngờ cho phần lớn giới quan sát. Tuy vậy, theo Asia Times, ngay từ trước khi thượng đỉnh diễn ra, đã có những dấu hiệu cho thấy sự kiện này có thể sẽ không đạt được thành công như kỳ vọng của các bên.
Lỗi của ai?
Một số chuyên gia đã nhanh chóng chỉ ra rằng hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai không đạt được thỏa thuận phần lớn, nếu không muốn nói là tất cả, do lỗi của Tổng thống Trump. Các chuyên gia nhận định Tổng thống Trump, người luôn tự nhận là “bậc thầy” trong nghệ thuật đàm phán, đã gặp phải “đối thủ ngang tầm” là Triều Tiên.
Phái đoàn của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã có nhiều năm kinh nghiệm trong các cuộc đàm phán quốc tế. Trong khi đó, Tổng thống Trump và phần lớn phái đoàn đàm phán của ông gần như chưa được thử thách nhiều trong các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân.
Tổng thống Trump có lẽ chưa chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc đàm phán “cân não” với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Thậm chí, ông chủ Nhà Trắng được cho là quá tự tin về khả năng của mình trong việc đạt được thỏa thuận lớn với Triều Tiên.
Ngay cả việc Tổng thống Trump tin rằng ông Kim Jong-un sẵn sàng đạt thỏa thuận với Washington cũng là một tính toán “ngây thơ” của nhà lãnh đạo Mỹ, theo Asia Times.
Ngoài những yếu tố trên, một số thiếu sót khác đã dẫn tới kết quả không được như kỳ vọng của thượng đỉnh Mỹ - Triều, trong đó có những vấn đề xảy ra trước cuộc gặp quan trọng này.
Theo tuyên bố của Tổng thống Trump tại cuộc họp báo sau thượng đỉnh, phía Triều Tiên muốn Mỹ xóa bỏ toàn bộ lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng. Đổi lại, Triều Tiên sẽ đóng cửa bãi thử hạt nhân duy nhất Yongbyon của nước này.
Mặc dù Yongbyon được xem là trọng tâm trong chương trình hạt nhân của Triều Tiên, song đây không phải cơ sở duy nhất của Bình Nhưỡng có khả năng chế tạo nhiên liệu phân hạch. Tổng thống Trump cho biết khi phía Mỹ công bố thông tin này tại cuộc gặp thượng đỉnh, phái đoàn Triều Tiên dường như bị ngạc nhiên. Họ không ngờ rằng Washington biết quá nhiều về các cơ sở hạt nhân ngầm của Bình Nhưỡng.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un dường như chơi “mạnh tay” với Tổng thống Trump để tránh phải ký kết bất kỳ thỏa thuận nào, dù chỉ là phi hạt nhân hóa một phần. Trong khi đó, ông chủ Nhà Trắng tỏ ra phi thực tế khi đòi hỏi nhà lãnh đạo Triều Tiên phải từ bỏ toàn bộ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Trong khi ông Kim Jong-un đòi hỏi Mỹ dỡ bỏ gần như toàn bộ lệnh trừng phạt, ông Trump muốn một cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược từ Triều Tiên. Sự “lệch pha” này đẩy cuộc cuộc gặp thượng đỉnh vào thế bế tắc.
Sự chuẩn bị lỏng lẻo
Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngồi cùng các quan chức cấp cao trong cuộc gặp tại Hà Nội. (Ảnh: KCNA) |
Theo Asia Times, từ trước khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai diễn ra, đã có những vấn đề bị các bên bỏ qua một cách cố ý.
Từ cuối năm 2017 khi Triều Tiên bắt đầu đẩy mạnh nỗ lực ngoại giao, Hàn Quốc đã diễn giải sai lệch phát biểu của nhà lãnh đạo Kim Jong-un về việc Bình Nhưỡng sẵn sàng phi hạt nhân hóa.
Năm ngoái, Seoul thông báo rằng ông Kim Jong-un “sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu Mỹ đồng ý chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên và cam kết không xâm chiếm Triều Tiên”. Tuy nhiên trên thực tế, mục tiêu mà Triều Tiên thực sự hướng đến là dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Cách diễn giải của Hàn Quốc cũng dễ hiểu vì lợi ích lớn nhất của Seoul là Triều Tiên và Mỹ rời xa con đường chiến tranh. Nếu xung đột xảy ra trên bán đảo Triều Tiên, Hàn Quốc chắc chắn sẽ chịu thiệt hại đáng kể. Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in luôn coi hợp tác Hàn - Triều là vấn đề trọng tâm trong nhiệm kỳ lãnh đạo của ông.
Tuy vậy, việc Hàn Quốc vẽ ra cho Tổng thống Trump một viễn cảnh màu hồng, song không có cơ sở, trong mối quan hệ với Triều Tiên rốt cuộc đã không mang lại kết quả như mong muốn.
Giới phân tích cho rằng chính các cuộc đàm phán trước thềm hội nghị thượng đỉnh đã làm suy yếu những nỗ lực của Tổng thống Trump trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Nhiều tháng trước khi cuộc gặp diễn ra, đã có những dấu hiệu cho thấy Mỹ và Triều Tiên không đồng nhất quan điểm với nhau. Một phát ngôn viên cấp cao của Tổng thống Trump gần đây thừa nhận, hai bên đã “thiếu rõ ràng” trong việc định nghĩa những vấn đề sẽ đưa ra thảo luận trên bàn đàm phán tại hội nghị thượng đỉnh.
Chỉ riêng việc Mỹ - Triều chưa tìm thấy tiếng nói chung đã đủ để hai bên nên tạm hoãn tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh. Tuy vậy, Tổng thống Trump vẫn quyết định xúc tiến cuộc gặp với ông Kim Jong-un với hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận lớn.
Đàm phán trong tương lai
[clip] Tóm tắt thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội trong 3 phút
Mặc dù hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai không đạt được thỏa thuận cuối cùng, song may mắn là cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo không để lại thiệt hại kéo dài.
Tổng thống Trump dường như vẫn trân trọng mối quan hệ tốt đẹp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, trong khi Triều Tiên cũng không quá đặt nặng việc vì sao hai bên không đạt được thỏa thuận.
Cả Mỹ và Triều Tiên được cho là vẫn mở ra cơ hội để tiếp tục đối thoại. Hai bên có thể gạt bỏ những kỳ vọng phi thực tế và nối lại các cuộc đàm phán dựa trên những điều kiện phù hợp.
Điều kiện đầu tiên là Mỹ - Triều cần xây dựng định nghĩa chung về các vấn đề then chốt và thống nhất ngôn từ chung. Cần làm rõ ý định thực sự của mỗi bên khi sử dụng một từ hoặc cụm từ cụ thể trước khi nối lại các cuộc đàm phán.
Điều kiện thứ hai là Mỹ - Triều cần nhận ra rằng, khi giải quyết các vấn đề quan trọng như phi hạt nhân hóa và khi hai bên chưa thực sự tin tưởng lẫn nhau, những bước đi nhỏ hơn sẽ giúp cả hai dễ dàng hơn trong việc tìm được tiếng nói chung. Điều này sẽ giúp các bên xây dựng lòng tin cần thiết trước khi đạt được mục tiêu cuối cùng.