Đẩy nhanh thi công các công trình xây dựng cơ bản
Từ đầu năm đến nay, TP Móng Cái đã có nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ bản, đảm bảo kế hoạch giải ngân vốn, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống của nhân dân.
Được biết, trong năm 2021, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển của thành phố là hơn 1.260 tỷ đồng, phân bổ cho 87 công trình, hạng mục, nội dung đầu tư. Bao gồm 100 tỷ đồng vốn vay ODA, gần 87,4 tỷ đồng vốn trung ương, hơn 439 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh, hơn 635 tỷ đồng vốn ngân sách thành phố...
Để thực hiện tốt công tác quản lý các dự án, UBND thành phố đã chỉ đạo các chủ đầu tư, phòng chuyên môn liên quan, nhà thầu tích cực phối hợp, giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, đất đai, GPMB..., tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để triển khai các dự án, thực hiện nghiệm thu, thanh quyết toán theo đúng quy định của Nhà nước.
Trong đó, BQL dự án đầu tư xây dựng thành phố được giao phụ trách tham mưu, xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết về tiến độ, đảm bảo tính đồng bộ khi thực hiện các dự án từ khâu chuẩn bị đầu tư, lập dự án đến triển khai thi công.
BQL dự án đầu tư xây dựng thành phố đã phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, phường, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận bàn giao trước mặt bằng phục vụ thi công các công trình. Cùng với việc áp dụng đầy đủ các cơ chế, chính sách đền bù, GPMB, đẩy nhanh tốc độ kiểm đếm, lập phương án đền bù, thành phố ưu tiên tập trung hoàn thành các khu tái định cư với hạ tầng tốt, giúp các hộ dân yên tâm, đồng thuận khi có chủ trương thu hồi đất.
Trong quá trình này, những vướng mắc từ cơ sở, như liên quan đến kinh phí bồi thường GPMB các dự án đấu giá đất, xác định nguồn gốc đất... được quan tâm giải quyết, hoặc tiếp tục kiến nghị với tỉnh để sớm có phương án tháo gỡ, góp phần nhanh tiến độ GPMB các dự án.
Nhờ đó từ đầu năm đến nay, thành phố đã phê duyệt 396 phương án bồi thường của 15 dự án; điển hình: 7 phương án của dự án đường kết nối từ đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến cảng Vạn Ninh; 32 phương án của dự án hạ tầng Khu dân cư Bắc đại lộ Hòa Bình; 80 phương án của dự án 4 điểm tái định cư tại phường Ninh Dương; 48 phương án của dự án Khu dân cư đô thị đại lộ Hòa Bình kéo dài; 4 phương án của dự án đường liên kết Khu kinh tế Vân Đồn - Móng Cái đoạn từ Cầu Voi đến tỉnh lộ 335...
Hiện thành phố đã thực hiện chi trả bồi thường hơn 783 tỷ đồng cho 857 hộ dân, bao gồm cả các phương án đã được phê duyệt từ năm 2020.
BQL dự án đầu tư xây dựng thành phố thường xuyên đôn đốc các nhà thầu huy động trang thiết bị máy móc, nhân lực, tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình.
Kinh tế phát triển nhờ cơ sở hạ tầng được nâng cấp
Để có được sự vươn mình mạnh mẽ đó của Móng Cái, không thể không nhắc tới sự song hành của việc phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là mạng lưới giao thông trên địa bàn.
Tiêu biểu là việc UBND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua xây dựng dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài 80,23 km với mức đầu tư lên tới 11.195 tỷ đồng. Trong đó, cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên trị giá 3.667 tỷ đồng, có chiều dài 16,08 km được đầu tư bằng nguồn ngân sách của tỉnh và cao tốc Tiên Yên - Móng Cái trị giá 9.032 tỷ đồng, với tổng chiều dài 63,26 km được đầu tư bằng vốn BOT.
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được khởi công tháng 4/2019, trục giao thông huyết mạch này sẽ kết nối tuyến cao tốc kéo dài từ Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đến Móng Cái, trở thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam.
Đây được coi là dự án trọng điểm, được tỉnh Quảng Ninh quan tâm đẩy nhanh tiến độ thi công để đảm bảo hoàn thành vào năm 2022. Tuyến đường sẽ rút ngắn thời gian đi lại giữa Vân Đồn và Móng Cái từ 2 giờ xuống còn 50 phút, đồng thời thuận lợi kết nối tới tỉnh biên giới Lạng Sơn.
Tuyến đường được kỳ vọng sẽ hoàn thiện “mảnh ghép” cuối cùng để thông suốt tuyến cao tốc Hà Nội - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, tạo hành lang đường bộ đầu tiên kết nối các tỉnh phía Bắc Việt Nam với thị trường Trung Quốc, từ đó giúp mở rộng giao thương, phát triển du lịch và nâng cao đời sống xã hội.
Dự án đáng chú ý tiếp theo tại Móng Cái là quy hoạch cảng Vạn Ninh với tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng. Hiện các công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đã được hoàn thành. Cảng nước sâu Vạn Ninh được định hướng sẽ trở thành cửa ngõ giao thương quốc tế của tỉnh Quảng Ninh với các nước ASEAN và Đông Bắc Á.
Tầm nhìn đến năm 2040, quy mô dân số Khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái là khoảng 460.000 - 470.000 người; lượng khách du lịch đạt 8 - 9 triệu lượt/năm; diện tích đất xây dựng khoảng 24.400 - 26.000 ha.
Cùng với đà tăng trưởng của giao thương và hiện đại hóa giao thông, TP Móng Cái được dự báo tiếp tục là mảnh đất tiềm năng cho thương mại – du lịch, góp phần thúc đẩy cho sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Những tín hiệu thông quan tích cực ngay đầu năm 2021 cùng các dự án giao thông lớn đang được triển khai, TP Móng Cái được dự báo sẽ vươn mình mạnh mẽ trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, ngày 16/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 368/QĐ-TTg đồng ý phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040. Theo đó, khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái được xây dựng trở thành khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia, trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của vùng Bắc bộ; vành đai kinh tế ven biển Bắc bộ và hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái - Phòng Thành (Trung Quốc).