Chỉ nói riêng về Luật Đất đai, từ năm1987, khi Luật Đất đai đầu tiên được quốc ban hành, đến nay, đã có 3 lần thay đổi vào các năm 1993; 2003; 2013. Và hiện tại Luật Đất đai năm 2013 lại đang bộc lộ nhiều bất cập, và lại xuất hiện nhu cầu phải sửa đổi.
Quốc hội khóa XIV đã đưa việc sửa đổi Luật Đất đai vào dự kiến chương trình xây dựng luật năm 2018, để năm 2019 sẽ hoàn thành. Nhưng không hiểu sao “gánh nặng” đó lại được chuyển sang quốc hội khóa này.
Những bất cập của các Luật Đất đai bộc lộ rõ nhất ở chỗ mỗi khi thu hồi đất để phục vụ mục đích phát triển kinh tế hay các mục đích khác, thì người thiệt thòi nhất là dân, những người có đất.
Thứ hai, là hàng chục tướng quân đội, tướng công an, lãnh đạo các tỉnh, thành lần lượt “vào lò” mấy năm qua, phần lớn đều liên quan đến đất. Đó chính là những kẽ hở lớn nhất.
Việc người dân mất đất bị thiệt thòi đã dẫn đến việc khiếu kiện đông người, kéo dài hàng chục năm như vụ Thủ Thiêm. Nhiều nơi, để thu hồi được đất, chính quyền phải huy động “cả hệ thống chính trị” vào cuộc, và phải sử dụng cả những “phương pháp” như không xác nhận lý lịch để đi học, đi làm, không đăng ký kết hôn, cho ngừng việc với các viên chức có người thân không nhận tiền đền bù, không giao đất… nếu không được thì cưỡng chế. Những việc làm đó đã gây bức xúc rất lớn cho người dân, đặc biệt đã có những vụ gây chấn động dư luận như vụ Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình, vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng.
Mỗi m2 đất nông nghiệp bị thu hồi, người có đất chỉ được đền bù vài trăm ngàn. Nhưng sau đó chỉ bằng một tờ giấy A4 trên đó ghi việc cho phép chuyển đổi diện tích đất đã thu hồi thành khu đô thị, thì 1 m2 đất đã có giá từ vài chục triệu.
Về đất ở, thì luôn luôn tồn tại 2 thứ giá. Giá do nhà nước quy định và giá thị trường, tức giá “chợ đen”, y như thời bao cấp. Bất công là ở chỗ người dân sau khi nhận tiền đền bù, không thể tạo lập được chỗ ở mới như chỗ ở cũ hoặc không đủ tiền để đầu tư một nghề khác kiếm sống. Vì vậy, bị thu hồi đất là bị đẩy ra đường.
Luật nào thì cũng có mục đích vì quyền lợi của nhân dân. Về đất đai, nếu cuộc sống của người dân sau khi bị thu hồi đất trở nên sung túc hơn trước khi bị thu hồi, thì người dân sẽ đua nhau “mời ông nhà nước” thu hồi đất cho. Lúc đó họ không còn “bị” thu hồi đất nữa mà là “được” thu hồi đất.
Nước ta đang tiến tới mục tiêu là một nước có nền công nghiệp phát triển. Nhu cầu sử dụng đất để phát triển kinh tế còn rất nhiều. Hãy xóa bỏ sự bất công nói trên trong lần sửa đổi này, vì đó chính là nguyện vọng của nhân dân, những chủ nhân thực sự của đất nước.