Năm 2023, bằng nguồn vốn Trung ương và vốn hỗ trợ đất trồng lúa nước theo Nghị định 35 của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay UBND huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã giao cho Ban Quản lý dự án huyện và Phòng NN-PTNT huyện Tam Nông khởi công mới 38 công trình chống hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong đó, thi công 4 công trình nạo vét kênh kết hợp đắp bờ bao và 34 công trình cống tròn, với nguồn vốn bố trí gần 17 tỷ đồng.
Đến nay có 27 công trình đã nghiệm thu hoàn thành, 3 công trình đang triển khai thi công, 4 công trình đang trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, 2 công trình đang trình phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật. Bên cạnh đó, còn có 15 công trình chuẩn bị đầu tư, 2 công trình nạo vét kênh kết hợp đắp bờ bao, 5 công trình nạo vét thủy lợi nội đồng và 8 công trình cống tròn...
Hiện có 1 công trình đang triển khai thi công, 11 công trình đang trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, 2 công trình đang thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật. Ngoài ra, huyện cũng đã triển khai khởi công mới 5 công trình, với kế hoạch vốn bố trí hơn 1 tỷ đồng gồm 2 công trình cứng hóa đường sá và 3 công trình dự án phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Với nguồn kinh phí đầu tư hơn 87 tỷ đồng thực hiện Tiểu dự án ICRSL (WB9), huyện Tam Nông đã thi công trạm bơm điện, bơm tưới, tiêu nước chống úng thuộc bờ Tây kênh An Long 2. Ngoài ra còn xây dựng 2 công trình cống kết hợp trạm bơm điện ở bờ đông kênh Kháng Chiến và bờ bắc kênh Đồng Tiến.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tam Nông cho biết, việc thi công các công trình nạo vét chống hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp đang diễn ra thuận lợi và đảm bảo tiến độ thi công. Vụ lúa hè thu 2023, nông dân trong huyện xuống giống trên 28 ngàn ha, trong đó nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao.
Nổi bật là mô hình ứng dụng máy sạ cụm kết hợp sản xuất lúa hướng hữu cơ, hiện đang triển khai thực hiện được 80ha với 19 hộ tham gia. Trong đó, HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Xuân, xã Phú Đức, canh tác 18ha, loại giống OM 18, phương pháp sạ cụm, lượng giống gieo sạ 80 kg/ha, bón vùi phân hữu cơ trước khi xuống giống. Hiện lúa trên 80 ngày tuổi, đang trong giai đoạn trổ chín. Tổ hợp tác số 7, xã Tân Công Sính có 2 hộ canh tác 22ha, loại giống OM 18 và OM 5451, phương pháp kéo hàng, lượng giống 100 kg/ha.
Mới đây, trong chuyến thăm một số hộ dân làm lúa hữu cơ vùng đệm ở huyện Tam Nông, ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp phấn khởi với sự đồng thuận của nông dân trong canh tác lúa theo hướng hữu cơ. Lợi ích của mô hình là giúp nông dân có liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững, giảm giá thành đầu tư mà giá bán sản phẩm tăng cao.
Hiện nay, có 4 hộ ở xã Phú Đức và xã Tân Công Sính tham gia mô hình canh tác 40ha lúa theo hướng hữu cơ. Nông dân thực hiện mô hình đề nghị lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp xem xét hỗ trợ kinh phí tôn cao bờ bao, kéo đường điện làm trạm bơm thoát nước chống úng cho lúa.
Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận và yêu cầu các sở, ngành chức năng tỉnh và chính quyền địa phương khảo sát thực tế để hỗ trợ nông dân hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hướng dẫn bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất để thực hiện thành công Dự án 1.000ha lúa hữu cơ vùng đệm tiếp giáp khu A4 Vườn Quốc gia Tràm Chim, là nơi dự kiến thả sếu đầu đỏ về tự nhiên.