Nơi "Bụt còn chê oản chiêm"
Kẹp giữa 4 con sông lớn gồm sông Châu, sông Đào, sông Đáy và sông Hồng, huyện cổ Nam Sang (nay gồm 8 đơn vị hành chính thuộc hai tỉnh Nam Định và Hà Nam) được ví là "rốn" nước của đồng bằng Bắc bộ.
Ông cha có câu "Bụt Nam Sang còn chê oản chiêm", như minh chứng cho nỗi thống khổ của người dân xứ này trước thiên tai.
Theo nhà nông học Bùi Huy Đáp trong cuốn "Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ", Nam Sang là huyện cổ của vùng đồng chiêm Nam Định và khu đồng trũng của huyện Lý Nhân, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam ngày nay.
Trước đây, khu vực này chỉ cấy được vụ lúa chiêm, còn các vụ khác thì bỏ hóa, nước ngập mênh mông, đi lại chỉ bằng thuyền. Nỗi khổ của người nông dân sống nơi đồng chiêm trũng ấy cũng ảnh hưởng lây sang cả Bụt nữa. Trong nhận thức của dân gian thì Bụt là người hiền, là người lo cứu nhân độ thế, giàu lòng từ bi, hỉ xả. Ấy thế mà Bụt "còn chê oản chiêm"!
Đây là nỗi niềm chất chứa của người dân xứ này. Bởi bà con không cấy được lúa mùa, chỉ có giống nếp nếp rợ - loại nếp trồng trong vụ chiêm chất lượng thấp, thường dùng để đồ xôi, đóng oản dâng Bụt, là có thể sinh trưởng phát triển.
Để giải quyết bài toán úng lụt, giúp nhân dân thâm canh tăng vụ, dẫu trong thời kỳ kháng chiến đang ở giai đoạn khốc liệt, miền Bắc hứng chịu những thiệt hại to lớn, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn đề nghị Chính phủ Liên Xô hỗ trợ để xóa bỏ vùng trũng này.
Đáp lại đề nghị đó, đoàn chuyên gia Liên Xô đã sang nghiên cứu khảo sát. Năm 1962, lần đầu tiên toàn bộ khu vực phía bắc tỉnh Nam Hà (cũ) được nghiên cứu lập quy hoạch tiêu thoát nước để phát triển sản xuất (gọi tắt là Quy hoạch 1962).
Căn cứ vào điều kiện địa hình, Quy hoạch 1962 (tiền thân của hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà) đã xác định toàn vùng có khoảng 77.500ha trũng thấp chỉ cấy được 1 vụ lúa chiêm, bắt buộc phải tiêu bằng động lực. Số diện tích còn lại là gần 7.900ha bao gồm 6 xã khu vực bắc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam (gần 2.400ha) và khu vực Độc Bộ thuộc huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định (gần 5.500ha) là vùng đất cao tiêu tự chảy ra sông Châu và sông Đáy.
Từ năm 1964 đến năm 1972, với sự giúp đỡ của Chính phủ Liên Xô, 6 trạm bơm điện lớn đã được Nhà nước đầu tư xây dựng là Cốc Thành, Cổ Đam, Hữu Bị, Vĩnh Trị, Nhâm Tràng và Như Trác tạo thành Hệ thống 6 trạm bơm điện lớn Bắc Nam Hà hay còn gọi Hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà.
Trong đó, hai trạm bơm Nhâm Tràng và Như Trác mỗi trạm lắp lắp 6 tổ máy bơm OP6-87 (loại 3,0 m3/s) do Liên Xô sản xuất, 4 trạm bơm còn lại đều lắp máy bơm OP6-145 (loại 8,0 m3/s) cũng do Liên Xô sản xuất, trong đó Cốc Thành và Cổ Đam mỗi trạm lắp 7 máy, Hữu Bị lắp 4 máy và Vĩnh Trị lắp 5 máy. Trong số 6 trạm bơm lớn, Vĩnh Trị là trạm bơm duy nhất không có nhiệm vụ tưới, 5 trạm bơm còn lại đều là trạm bơm tưới tiêu kết hợp. Các trạm bơm này có nhiệm vụ tiêu nước cho khoảng 77.500ha với hệ số tiêu trung bình 2,90 l/s/ha và tưới gần 70.000ha đất canh tác với hệ số tưới trung bình 0,81l/s/ha.
Biến công trình thủy lợi thành các điểm tham quan
Lật giở tấm bản đồ hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà, ông Trần Văn Dũng - Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà (Công ty Bắc Nam Hà) chỉ cho chúng tôi nơi những dòng kênh thủy lợi đi qua hiện lên như những bức tường bằng nước đang ngày đêm bảo vệ khu vực trũng nhất đồng bằng Bắc bộ trước những cơn “giận dữ” của thiên nhiên.
“Cứ mỗi lần mưa lớn là hệ thống lại phải nhanh chóng bơm tốc lực, chỉ cần chậm một chút là ngập cả vùng, cả thành phố”, ông Dũng nói.
Trước sự phát triển không ngừng nghỉ của kinh tế - xã hội, ngành thủy lợi nói chung và Công ty Bắc Nam Hà nói riêng luôn xác định phương hướng phát triển đa mục tiêu, không chỉ nâng cao năng lực tưới tiêu chủ động cho các loại cây trồng, nuôi trồng thủy sản mà còn tạo nguồn cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ và các ngành kinh tế, đặc biệt là chăm lo tạo dựng cảnh quan, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, biến những công trình thủy lợi tưởng chừng thô kệch nay hóa thành điểm đến tham quan, niềm tự hào của bà con vùng “rốn nước”.
Thực vậy, khi chúng tôi điều khiển flycam bay dọc tuyến kênh thủy lợi, chà đi xát lại trên từng trạm bơm mới thấy được tầm vóc quy mô cũng như màu xanh tươi đẹp cùng tuyến kênh sạch sẽ thông suốt, không một gợn rác thải.
Theo ông Trần Văn Dũng, để thực hiện điều này, ngay từ những ngày đầu thành lập theo Quyết định 102 ngày 05/7/1999 của Bộ NN-PTNT, ngoài nhiệm vụ tưới tiêu, Ban lãnh đạo công ty đã chú trọng vào việc xây dựng cảnh quan xanh sạch đẹp.
Qua những bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên của công ty thủy lợi Bắc Nam Hà càng nhận thức được rằng các công trình thủy lợi không chỉ có nhiệm vụ tưới tiêu mà còn mang trong mình trách nhiệm xã hội góp phần thay đổi cảnh quan trong khu vực.
Từ tình yêu đối với thủy lợi, coi công trình là nhà, khi công ty phát động phong trào tăng cường trồng cây xanh, tạo dựng cảnh quan đã được hầu hết cán bộ, công nhân viên thủy lợi hưởng ứng và tham gia nhiệt tình.
“Chúng tôi đã phát động phong trào xanh sạch, đẹp từ đó làm cơ sở để xây dựng văn hóa doanh nghiệp và cảnh quan đơn vị. Hàng năm, chúng tôi ưu tiên lựa chọn những khu vực đất trống để tăng cường phủ xanh công trình, các loại cây trồng được ban lãnh đạo công ty lựa chọn nghiêm ngặt để vừa đảm bảo cảnh quan đồng bộ cũng như bảo vệ công trình đứng vững trước thiên tai. Trong những năm gần đây, mỗi năm khoảng một vạn cây xanh đã được trồng trên toàn tuyến và sẽ cố gắng duy trì để tạo dựng cảnh quan công trình xanh hơn, gần gũi hơn”, ông Dũng chia sẻ.
Ngoài ra, để đảm bảo toàn tuyến bao gồm cả khu vực trạm bơm, trên và dưới dòng kênh luôn sạch đẹp và đảm bảo thông suốt, không bị ùn ứ rác thải, Công ty Bắc Nam Hà đã giao nhiệm vụ, khoán từng khu vực cho mỗi cán bộ công nhân viên phụ trách và thường xuyên đi kiểm tra đột xuất.
“Chúng tôi không chia tổ mà mỗi người sẽ được phân công quản lý một khu vực. Thậm chí có thời điểm, để anh em có trách nhiệm, nếu đi kiểm tra có đoạn kênh nào để bẩn, bèo rác trôi nổi hay cây trồng không được cắt tỉa, chăm sóc sẽ giữ lại một phần nhỏ tiền lương theo đúng quy định của pháp luật và sẽ trả lại cho những anh em vi phạm vào cuối năm, đồng thời nghiêm khắc phê bình khi họp giao ban công ty. Cách làm này giúp anh em có trách nhiệm và gắn bó hơn với công trình”, ông Dũng cho biết.
Công sức của các cán bộ, công nhân viên Công ty Bắc Nam Hà đã thu được nhiều trái ngọt. Ngoài việc đảm bảo vận hành chống úng, tưới tiêu nơi “rốn nước” đồng bằng Bắc bộ còn trở thành niềm tự hào của bà con nơi đây. Nhiều công trình trở thành địa điểm bình xét nông thôn mới và là nơi cho các đơn vị khác, chính quyền các địa phương đến tham quan học tập.
Sau khi chia tách tỉnh Nam Hà thành tỉnh Nam Định và tỉnh Hà Nam, ngày 22/5/1999 Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã ban hành Quyết định số 84 phân công quản lý hệ thống thủy nông Bắc Nam Hà. Bộ NN-PTNT quản lý 9 trạm bơm điện đầu mối (nay là 12 trạm, với 104 tổ máy bơm, từ 4.000 đến 32.000 m3/h), 120km kênh tiêu chính; 8,7km kênh tưới chính Hữu Bị, 8 cống điều tiết phân vùng tiêu. UBND tỉnh Nam Định, Hà Nam quản lý các trạm bơm nhỏ, các công trình điều chuyển nước và hệ thống kênh tưới, tiêu trên địa bàn