| Hotline: 0983.970.780

An Giang: Nông sản vụ hè thu tiêu thụ thuận lợi

Thứ Ba 18/07/2023 , 18:06 (GMT+7)

AN GIANG An Giang hiện đã có 14 doanh nghiệp có kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa hè thu với diện tích gần 150 ngàn ha, chiếm hơn 63% diện tích xuống giống.

6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp An Giang có nhiều điểm sáng, tăng trưởng vượt bậc. Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV An Giang phấn khởi cho biết, dựa trên tiến độ sản xuất và thu hoạch một số cây trồng chủ lực, ước 6 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất ngành trồng trọt của tỉnh tăng 451 tỷ đồng.

Đến nay, An Giang đã xuống giống dứt điểm gần 230 ngàn ha lúa hè thu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đến nay, An Giang đã xuống giống dứt điểm gần 230 ngàn ha lúa hè thu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Riêng đối với cây lúa vụ hè thu 2023, đến nay toàn tỉnh xuống giống dứt điểm gần 230 ngàn ha, lúa đang giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng, trổ và chín.

Về cơ cấu, có 5 giống chủ lực là OM5451, OM18, IR50404, Đài thơm 8 và nếp… Nhìn chung, giống lúa chất lượng cao chiếm trên 80% diện tích gieo cấy ở hầu hết 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.

Đối với rau màu, kế hoạch sản xuất vụ hè thu 2023 của An Giang là gần 20 ngàn ha, năng suất bình quân 21 - 22 tấn/ha, ước sản lượng 395.010 tấn, chủ yếu trồng các loại bắp, bầu, bí, dưa hấu, đậu phộng, khoai cao, bắp thu trái non, rau ăn lá và rau dưa các loại.

Diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đạt trên 19 ngàn ha, sản lượng cây ăn trái cả năm ước đạt 266 ngàn tấn, chủ lực là xoài, chuối, nhãn, mít và cây có múi như bưởi, cam, quýt, chanh, sầu riêng…

Về đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, trước mắt, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang và các địa phương tập trung mời gọi, hỗ trợ doanh nghiệp, thương lái liên kết tiêu thụ hết sản lượng lúa, rau màu, trái cây trong vụ hè thu 2023.

Diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh An Giang đạt trên 19 ngàn ha, sản lượng cây ăn trái cả năm ước đạt 266 ngàn tấn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh An Giang đạt trên 19 ngàn ha, sản lượng cây ăn trái cả năm ước đạt 266 ngàn tấn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV An Giang cho biết thêm, trong vụ lúa hè thu năm nay, hiện đã có 14 doanh nghiệp có kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ với diện tích gần 150 ngàn ha, chiếm hơn 63% diện tích xuống giống. Các doanh nghiệp đang triển khai ký hợp đồng bao tiêu lúa cho nông dân thông qua các HTX, tổ hợp tác và các hộ nông dân với diện tích hơn 32.700ha, đạt trên 22% kế hoạch. Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời ký kết diện tích 25.303ha, Công ty TNHH Angimex Kitoku 107ha, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) 300ha, Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương 200ha, Công ty Cổ phần Dịch vụ nông nghiệp Quốc Tế Gia 500ha…

Hiện các nghiệp đang tiếp tục thỏa thuận với nông dân, HTX để ký hợp đồng liên kết vụ lúa hè thu và chuẩn bị cho vụ thu đông 2023 tới.

Đối với rau màu, các doanh nghiệp có kế hoạch liên kết và tiêu thụ vụ hè thu với diện tích 2.765ha, tiêu biểu như Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) liên kết 2.150ha (bắp thu trái non và đậu nành rau), Công ty Kim Nhung 500ha (rau muống lấy hạt)... Các doanh nghiệp còn lại cũng đang triển khai ký hợp đồng thu mua rau màu cho nông dân. Diện tích còn lại chưa được liên kết sẽ tiếp tục mời gọi và gắn kết thêm với doanh nghiệp, thương lái để tiêu thụ.

Đối với rau màu của An Giang, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có kế hoạch liên kết và tiêu thụ vụ hè thu 2.765ha. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đối với rau màu của An Giang, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có kế hoạch liên kết và tiêu thụ vụ hè thu 2.765ha. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đối với cây ăn trái, hiện có 8 doanh nghiệp có kế hoạch liên kết và tiêu thụ với diện tích trên 2 ngàn ha. Các diện tích cây ăn trái còn lại được các vựa, thương lái thu gom và cung cấp lại cho doanh nghiệp theo thỏa thuận cam kết, ngoài ra còn cung cấp cho siêu thị như Co.opmart, Bách Hóa Xanh, Vinmart, Mega Market Long Xuyên...

Theo ông Nguyễn Văn Hiền, để phát triển bền vững cây ăn trái, cần tập trung củng cố lại các HTX, tổ hợp tác để làm đầu mối liên kết tiêu thụ, chủ động trong việc tìm kiếm và kết nối với doanh nghiệp liên kết phù hợp với năng lực sản xuất, giải quyết đầu ra cho nhóm cây ăn trái trong mùa thu hoạch rộ.

“Ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật An Giang tiếp tục hỗ trợ các nhà vườn quản lý sâu bệnh, ứng dụng các giải pháp tiến bộ trong sản xuất để tạo ra sản phẩm có độ đồng đều, chất lượng cao, tăng thời gian bảo quản. Đồng thời, đẩy nhanh việc cấp mã số vùng trồng trên cây ăn trái, đảm bảo đủ điều kiện cung ứng sản phẩm cho thị trường trong và ngoài nước”, ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV An Giang nói.

Xem thêm
Ứng dụng ruồi lính đen trong chăn nuôi: [Bài 1] Tạo nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn bền vững

Ruồi lính đen không chỉ mở ra cho ngành chăn nuôi nhiều cơ hội về nguồn thức ăn ổn định, mà còn giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng nguồn phế phụ phẩm.

Tăng tốc giải ngân hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do dịch bệnh

Hơn 46 tỷ là số tiền Hà Tĩnh cấp cho các địa phương để hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do bệnh viêm da nổi cục trâu, bò và dịch tả lợn Châu Phi.

Khám tổng thể sức khỏe đất: [Bài 6] Đất trồng cam ở miền Bắc càng thâm canh càng thoái hóa

TS Lương Đức Toàn, Trưởng Bộ môn Sử dụng đất thuộc Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu sức khỏe đất trồng cam ở miền Bắc cho biết như vậy.