LTS: Huy Cận tên thật là Cù Huy Cận (1919-2005). Ông là một chính khách, từng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Canh nông (nay là Bộ NN-PTNT). Đồng thời, ông là một nhà thơ xuất sắc của thi ca Việt Nam. Nhân dịp tết Tân Sửu, Nông nghiệp Việt Nam trân trọng giới thiệu về những giai điệu xuân trong thơ Huy Cận qua bài viết của tác giả Lê Quang Hưng.
Giữa sáng mai xuân, đi bên bờ cây xanh đang nảy cành nhú lộc, nghe mùi thơm nồng của bãi đất quê vừa cày vỡ chờ vụ mới, ta bất giác nhớ lại những vần thơ của Huy Cận viết lúc tuổi mười chín đôi mươi:
Luống đất thơm hương mùa mới dậy
Bên đường chân rộn bước trai tơ
Cây xanh cành đẹp xui tay với
Sông mát tràn xuân nước đậm bờ
Cảnh vật và con người giữa ngày xuân “mới dậy” thật trẻ, thật nồng nàn hương vị và tràn đầy sức xuân. Sông mát nước tràn hay cũng “tràn xuân”. Khi đọc tập thơ "Lửa thiêng" trước Cách mạng tháng Tám 1945 của Huy Cận, nhà phê bình Hoài Thanh khái quát đúng rằng thơ của chàng thi sĩ này đã khơi dậy cái lớp sầu đọng lại mấy ngàn năm dưới đáy hồn nhân thế.
Thế nhưng bên cạnh những bài thơ buồn mênh mang, ảo não vào bậc nhất trong phong trào Thơ mới, tập "Lửa thiêng" cũng có không ít vần thơ tươi tắn và trong sáng, say nồng và hớn hở trước mùa xuân. Đọc các bài "Xuân", "Xuân ý", "Hồn xuân", ta càng thấm thía sức mạnh cải hóa, trẻ hóa hồn người kì diệu của mùa đầu trong năm, ngay cả với thi sĩ hay “tủi nắng sầu mưa” như Huy Cận.
Ai cũng biết mùa xuân gắn cùng sự tươi trẻ, cùng sự nảy nở, hồi sinh. Song trong cảm nhận chung ấy mỗi thi sĩ lại có sắc thái riêng tùy theo đặc điểm tâm hồn, tùy theo hoàn cảnh sống, thậm chí cả nghề nghiệp.
Chúng ta không quên Huy Cận từng tốt nghiệp kĩ sư Nông Lâm từ trước Cách mạng. Bởi thế, thơ ông hay nói về đất đai, mùa màng, về hạt và mầm, về cây lá và hoa trái, hay ngợi ca sự nảy nở sinh sôi. Nếu như Xuân Diệu thường say sưa với mùa xuân đang ở thời điểm đẹp nhất, ở độ chín nhất thì Huy Cận hay rung cảm với mùa xuân lúc khởi đầu, ở buổi ban đầu.
Thơ xuân Huy Cận mang rõ cái cảm giác mầm búp, cảm giác hồi sinh để nảy nở. Ở buổi chiều xuân, thi sĩ cảm thấy “Xuân gội tràn đầy / Giữa lòng hoan lạc” và tấm lòng trẻ lại với “Cỏ mọc đầu non / Chiều xuân tươi mạnh / Gió bay vào hồn”. Tâm hồn vừa dạt dào vừa mộng ảo trong động tác nghiêng tai kì diệu để lắng nghe một thứ âm nhạc rất riêng đang dâng lên trong không gian xuân: “Nhạc vươn lên trời / Đời đang măng dậy / Tưng bừng muôn nơi” (Chiều xuân).
Nhiều nhà thơ thích tả xuân tình ở buổi ban mai. Không chỉ thế, Huy Cận hay tả xuân ở buổi chiều và vào đêm. Phải chăng trong cảm nhận của chàng kĩ sư Nông Lâm này, đêm mới thực sự là thời gian của những động cựa, sinh sôi, thực sự là thời gian của những phát triển, trưởng thành trong lòng tạo vật, phải chăng đêm mới thực ẩn giấu những gì huyền bí, xôn xao?
"Xuân ý" trong "Lửa thiêng" là một thi phẩm đặc sắc. Một đêm trăng xuân, nhà thơ như thấy “mùa động đầu cành”, trăng và gió, hương rừng và không khí, cây lá và lòng người… tất thảy đều thanh tân, đều mở đón: “Trăng êm cho gió thanh tân/ Hương rừng tỉnh dậy ái ân xuống đồng / Đêm nay không khí say nồng / Nghìn cây mở ngọn, muôn lòng hé phơi”. Vẻ thanh tân, tình ái ân của thiên nhiên vạn vật khiến lòng người cũng hòa theo mà hồi xuân, mà mơ mộng” Khuya nay trong những mạch đời / Máu thanh xuân dậy thức người héo hon / Ngón tay tưởng búp xuân tròn / Có người ra dạo vườn non thẫn thờ”.
Cảm xúc thanh xuân, niềm vui sinh sôi nảy nở này càng rõ khi sau này được ở "Trong hội mùa xuân" của chế độ xã hội mới. Trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa, Huy Cận lắng nghe tiếng mùa xuân “Sinh sôi nảy nở / Rạo rực xa gần”. Mùa xuân sinh nở lại đất trời, cũng như chế độ xã hội mới tuổi xuân xanh đang thai nghén hạnh phúc cho con người: “Mùa xuân tròn trịa / Như bụng mang thai/ Ôm nghìn sức trẻ / Bước trên đường dài” (Trong hội mùa xuân)
Cảm nhận về vẻ tươi trẻ, sức sinh sôi của mùa xuân ở Huy Cận gắn liền cùng niềm vui hòa nhập vào vũ trụ rộng lớn. Xuân Diệu đứng bên ngoài mà nhìn ngắm mùa xuân, mà bày tỏ ham muốn ôm, riết, say thâu, cắn… hết thảy mọi vẻ đẹp của thiên nhiên tươi thắm, trẻ trung. Huy Cận lại nhập vào, xem mình là một phần của mùa xuân, ứng cảm với mùa xuân bằng cả tâm hồn, bằng cả da thịt.
Chúng ta không quên rằng Huy Cận là người con của một vùng quê bán sơn địa với núi non sông nước hữu tình, lớn lên giữa những không gian đất trời, thiên nhiên ngày ấy mênh mang mà buồn lặng. Từ thuở thiếu niên, con người này đã có cái thú lắng hồn nghiêng tai để dò nghe những vang động mơ hồ trong không gian.
Giàu cảm quan không gian, cảm quan vũ trụ, thi sĩ Huy Cận thường cảm nhận mình như một phần của đất trời vừa huyền bí vừa xôn xao chuyển động. Quả thế, nếu không mộng ảo đê mê, nếu không tự nhiên hòa mình vào vũ trụ đang chuyển giao thì làm sao tưởng thấy ngón tay mình - một phần cơ thể mình - là mầm búp của mùa xuân.
Ở bài "Hồn xuân", với lòng yêu đời, yêu xuân nồng thắm, Huy Cận đã hòa đồng “người yêu nho nhỏ” thật xinh đẹp, đáng yêu của mình với thiên nhiên tràn căng sức sống. Người được thiên nhiên hóa, người lồng trong cảnh, làm nên hồn xuân: “Ngực trắng tròn như một trái rừng /Mắt thì bằng rượu, tóc bằng hương / Miệng cười bừng nở hàm răng lựu / Sáng cả trời xanh mấy dặm đường”. Và thiên nhiên lại được người hóa, được đặc tả thật cụ thể như con người: “Khách qua đường ơi, em tôi đây / Chân em:cỏ mượt, tóc: hồ đầy / Lòng em hóa cảnh chờ anh gặp / Man mác hồn xuân ngọn gió hây”.
Cảm xúc hòa nhập có khi khiến thi sĩ tưởng tượng mình khoác tấm áo xuân và sức xuân đang hát lừng trong thân thể: “Ta vận áo xuân đi hớn hở / Tâm tư ngào ngạt hiến dâng đời / Thân cũng hát lừng cao nhịp lửa / Hoa thiên thu hẹn nở cùng môi”. Cảm nhận về sự hòa nhập con người với thiên nhiên, cảm nhận về mầm búp, về sự nảy nở sinh sôi cứ chảy suốt các bài thơ xuân của Huy Cận từ trước đến sau Cách mạng tháng Tám.
Hiển nhiên, cảnh xuân trong các bài sau Cách mạng sinh động, đông vui hẳn lên bởi đậm đà bóng dáng nhưng con người lao động, rộn ràng không khí làm ăn tiến tới của cuộc sống trong chế độ mới. Chẳng hạn cảnh Mưa xuân trên biển ở Hồng Gai: “Mưa xuân trên biển, thuyền yên chỗ / Tôm cá chắc đầy phiên chợ mai / Sắm Tết thuyền về dăm khóm đỗ / Đảo xa thâm thẫm vệt mưa dài…”. Và câu thơ hay nhất trong bài “Mưa xuân tươi tốt cả cây buồm” thì vẫn là biểu hiện của cảm nhận giao hòa, hòa nhập giữa Nhân với Thiên và Địa, vẫn là kết quả của cảm nhận mầm búp và sinh sôi ấy, của lối tư duy thơ độc đáo ấy.
Ngày xuân, đọc thơ xuân Huy Cận, chúng ta thêm niềm tin vào qui luật tuần hoàn, vào sự sinh sôi nảy nở bất diệt của vũ trụ. Thiên tai dập vùi không ít, cuộc sống còn vô vàn gian khó nhưng mùa xuân cứ đến. Trên những nhành cây cứng cáp kia chồi non lộc biếc lại nhú lên. Và mầm sẽ thành cây, hoa sẽ kết trái…