| Hotline: 0983.970.780

Tác giả Huyền Văn và con đường người lính trở về

Thứ Tư 24/01/2024 , 13:37 (GMT+7)

Tác giả Huyền Văn đã đưa những trải nghiệm đời lính của mình và cuộc sống sôi động của đồng bằng sông Cửu Long vào tập truyện ngắn ‘Con đường anh đi’.

Tác giả Huyền Văn.

Tác giả Huyền Văn.

Tác giả Huyền Văn là một cây bút truyện ngắn quen thuộc của Cần Thơ nói riêng và của miền Tây Nam bộ nói chung. Năm 2014, tác giả Huyền Văn đã có tập truyện ngắn “Không phải lần đầu” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Bây giờ, tác giả Huyền Văn tiếp tục ra mắt tập truyện ngắn “Con đường anh đi” do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành.

 Rời quân ngũ, tác giả Huyền Văn từng trải qua nhiều ngành nghề, và ở đâu niềm đam mê văn chương cũng đeo bám chị. Vật lộn với cuộc mưu sinh trong thời buổi “gạo châu, củi quế” nhưng đêm đêm từng áng văn vẫn âm thầm chảy dưới bàn phím vi tính. Nếu ở tập truyện ngắn “Không phải lần đầu”, chị thiên về đề tài tình yêu thì tới tập truyện “Con đường anh đi” lại tập trung viết về người lính trong mối quan hệ quê hương, gia đình, bè bạn.

Với 12 truyện ngắn, trong đó có những truyện ngắn lấy bối cảnh miền Tây Nam bộ như “Ông lão mù thổi sáo”, “Bến đò Ô Môn”, “Đưa anh qua bến Ninh Kiều”… tác giả Huyền Văn phác họa bức tranh một người lính trở về đời thường với bao nhiêu ngổn ngang.

“Con đường anh đi” là truyện ngắn tiêu biểu, được lấy làm tên cho tập truyện. Đó là con đường nhân vật Linh đi làm cách mạng đầy nguy hiểm gian nan mà không phải ai cũng đủ dũng khí để theo đến cùng giữa lúc Sài Gòn đang diễn ra cuộc chiến khốc liệt giữa ta và địch. Tình yêu vừa chớm nở với Thương thì Linh đành gác lại chuỵện riêng tư để lao vào cuộc chiến khốc liệt. Anh ra đi và sẽ chờ cơ hội để đưa Thương vào chiến khu theo con đường mà anh đã chọn – con đường cách mạng giải phóng dân tộc. Chưa kịp thực hiện ý định thì Linh đã ra đi vĩnh viễn, không còn được chứng kiến cảnh Sài Gòn giải phóng trưa 30/4/1975.

Tập truyện ngắn 'Con đường anh đi' do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành.

Tập truyện ngắn "Con đường anh đi" do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành.

 Đề tài về người lính như một ngòi nổ lan truyền từ “Con đường anh đi” tới nhiều truyện khác mang khuynh hướng sử thi và âm hưởng lạc quan. Nối bước của Linh, nhân vật tôi ở truyện ngắn “Tôi đi bộ đội” gần như là sự “hóa thân” của tác giả một cách tự nhiên, pha một chút trẻ con rất duyên về bước đầu nhận thức đi bộ đội hay ở nhà tiếp tục đi học của một thiếu nữ mới lớn?

Sau ngày non sông thống nhất, lớp lớp thanh niên xung phong lên đường về các vùng kinh tế mới để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con dân tộc vùng cao hay vùng sâu, vùng xa hẻo lánh. Và cô bộ đội xưng “Tôi” cũng nằm trong vòng xoáy đó. Cô tự vấn đi hay ở, gia đình khó khăn chắc gì học tiếp đại học được? Cô đã khóc, đã trăn trở rồi hăm hở khoác ba lô lên xe, vượt qua tất cả khó khăn để rèn luyện ở thao trường và trưởng thành rắn rỏi, thực hiện lời hứa với má qua lá thư: “Má ơi, con nhớ má lắm, nhớ anh chị và mấy đứa em lắm, nhưng mà con đi là để có tương lai, con còn trẻ cũng nên góp một phần sức lực cho đất nước mình, má đừng lo cho con nghe má”. Suy nghĩ đó cũng là suy nghĩ chung, là kim chỉ Nam hướng tới tương lai của biết bao chàng trai cô gái sau ngày giải phóng.

 Viết về đề tài người lính đã có nhiều cây bút gạo cội khai thác ở nhiều khía cạnh. Nếu không vững tay, không có vốn sống thực tế thì rất dễ có những miêu tả, phát ngôn và suy nghĩ thay cho nhân vật một cách cứng nhắc, hoặc sa vào hô khẩu hiệu. Với tác giả Huyền Văn, chị có lợi thế là đã hơn 4 năm trong quân ngũ ở chiến trường miền Tây Nam bộ và Campuchia, nên những gì chị gửi gắm vào nhân vật, vào địa danh và mảnh đất con người Nam Bộ sau thời chiến đều khắc khoải niềm riêng.

 Ở đây, người đọc còn được xem nhiều truyện như những “đoạn phim” quay cận cảnh bằng ngôn từ và cảnh sắc gợi hình gợi cảm ở nhiều vùng miền, nhiều nhân vật khác nhau. Mỗi truyện là một lát cắt về cuộc sống, trong đó có thương yêu hờn giận, có hoa lá tươi xanh và lửa cháy, có tiếng cười và tiếng súng, có cái ác và cái thiện. Tất cả đều toát lên tính nhân văn cao đẹp.

Đó là những người mẹ, người chị ở hậu phương luôn gạt nước mắt động viên con em mình ra đi làm nhiệm vụ. Đó là những gương chiến đấu kiên cường bám trụ, không quản hy sinh, luôn “nhằm thẳng quân thù mà bắn” như chị Kiển bị chặt chân vẫn không hề khai báo, hay anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy luôn biến hóa trên bầu trời để hạ B52…

Song, cũng có những nhân vật trong chiến đấu thì làm nên công trạng, nhưng sau hòa bình làm lãnh đạo công ty, xí nghiệp làm ăn kinh tế thì thất bại, do trình độ, do duy ý chí, do máy móc, mệnh lệnh như một thời còn trong quân ngũ. Những mâu thuẫn giữa những thế hệ chưa hiểu nhau tạo ra những nốt lặng buồn đau, hoặc đó sẽ là một ngòi nổ cho một cuộc tranh luận, sa thải đồng nghiệp, do độc đoán hay vị kỷ cá nhân. Truyện “Vì một câu nói” là những tình huống éo le, đầy kịch tính về một nhân vật lính sau hòa bình.

Đọc tập truyện “Con đường anh đi”, tôi có cảm giác như đọc một bản tráng ca về người lính. Có truyện như một phóng sự nơi khói lửa nóng bỏng, có truyện như tùy bút với ngôn từ tươi xanh, rất đời thường nhưng rất văn chương. Ở nhiều truyện ngắn, tác giả Huyền Văn khéo lồng những chi tiết về tình yêu, quê hương vào các nhân vật và tạo ra những thắt nút, những mâu thuẩn làm cuốn hút người đọc.

Xem thêm
Ronaldo là Cầu thủ hay nhất Trung Đông mùa giải 2024

Tiền đạo người Bồ Đào Nha tiếp tục có thêm danh hiệu cá nhân là Cầu thủ hay nhất Trung Đông mùa giải 2024.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.