| Hotline: 0983.970.780

Tái cơ cấu lâm nghiệp Nghệ An: Cải thiện chất lượng, nâng cao giá trị vốn rừng

Thứ Năm 13/09/2018 , 14:50 (GMT+7)

Phát triển rừng nguyên liệu tập trung, kinh doanh gỗ lớn gắn với chế biến gỗ chất lượng cao là những nội dung trọng tâm trong lộ trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về “tam nông” và tái cơ cấu mà ngành Lâm nghiệp tỉnh Nghệ An hướng đến…

17-13-50_1
Chất lượng rừng tại Nghệ An có nhiều chuyển biến

Với các mục tiêu trong định hướng chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 18/2007/QĐ-TTg ngày 05/02/2007, những năm qua ngành Lâm nghiệp Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng 4,65%, cơ cấu kinh tế nội ngành có bước chuyển dịch tích cực, từng bước hình thành các vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Về chiến lược phát triển, đất lâm nghiệp trên địa bàn được quy hoạch theo 3 chức năng là đặc dụng, phòng hộ, sản xuất, áp dụng theo một hệ thống quản lý thống nhất từ tỉnh đến từng huyện, xã và các chủ rừng. Đi vào chi tiết, năm 2007 Nghệ An đã hoàn thành việc rà soát quy hoạch 3 loại rừng theo Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 05/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2014, kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 48/2014/QĐ-UBND. Năm 2015, thực hiện Nghị Quyết số 134/2016/QH12 ngày 09/4/2016 của Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ 11 về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất cuối kỳ (2016-2020) cấp quốc gia...

Qua theo dõi cho thấy, gần đây tốc độ phát triển rừng tại Nghệ An tăng trưởng khá nhanh, bình quân mỗi năm trồng được trên 15.000 ha rừng tập trung, nâng diện tích rừng trồng hiện tại lên 165.918,7 ha. Song song với đó, công tác khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên cũng được chú trọng với 785.481,9 ha, qua đó đưa độ che phủ rừng toàn tỉnh tăng vọt chỉ sau chu kỳ 10 năm (48,3% năm 2007 lên 57,7% năm 2017).

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu các đề tài khoa học, giai đoạn 2006-2018 nhiều mô hình trình diễn đã được hình thành, giúp người dân tiếp cận các tiến bộ KHKT ứng dụng vào thực tiễn. Điểm nhấn là quá trình ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà màng có hệ thống điều khiển bán tự động và công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước tại 6 vườm ươm cây giống; ứng dụng công nghệ cơ giới hóa đồng bộ trong khâu làm đất cho gần 170 ha/năm; ƯDCNC trong chế biếnlâm sản, điển hình là Nhà máy chế biến gỗ tại huyện Nghĩa Đàn của Công ty CP lâm nghiệp Tháng Năm với tổng mức đầu tư 300 triệu USD.

Theo ông Đặng Xuân Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, nghề rừng nhìn chung có chuyển biến tích cực về mọi mặt, từ nhận thức, tổ chức đến cơ cấu sản xuất. Trồng rừng đang có chiều sâu, từng bước khắc phục được tình trạng sản xuất quảng canh, hướng tới tăng năng suất, chất lượng.

17-13-50_2
Trên địa bàn có nhiều nhà máy chế biến gỗ quy mô

Tín hiệu đáng mừng là việc các cơ sở chế biến lâm sản đang chuyển dịch sản xuất theo cơ chế thị trường, gắn chế biến với tiêu thụ sản phẩm. Trong những năm gần đây công nghiệp chế biến thực sự phát triển mạnh mẽ khi có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tầm cỡ, điển hình như Nhà máy gỗ MDF Nghĩa Đàn của Cty Lâm nghiệp Tháng Năm, Nhà máy MDF của Cty Tân Việt Trung, Nhà máy gỗ MDF Nghệ An của Cty Thanh Thành Đạt. Ngoài ra, phải kể đến hàng trăm cơ sở chế biến vừa và nhỏ, các Làng nghề thủ công Mỹ nghệ cũng như nhiều Cty TNHH rãi đều trên khắp 21 huyện, thị, thành phố.

Hàng năm sản lượng khai thác gỗ rừng trồng toàn tỉnh đạt bình quân từ 500.000 m3 - 700.000 m3 (nguyên liệu được dùng làm bột giấy, ván MDF, ván lạng, ván ghép thanh, đồ gia dụng…) Dù đã có chuyển biến nhưng phải thừa nhận nhiều vùng nguyên liệu quy hoạch chưa phù hợp, thiếu tính khả thi, chưa đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, điều này dẫn đến việc tổ chức sản xuất kinh doanh rừng còn thụ động, thị trường xuất khẩu trọng điểm bị thu hẹp, hàng hóa tồn đọng, giá thành đầu ra giảm. Nếu sớm khắc phục được những vấn đề nêu trên, ngành Lâm nghiệp Nghệ An có quyền hi vọng vào một tương lai sán lạn.

Nghệ An phấn đấu đến 2020 đạt khoảng 200-250 nghìn ha diện tích rừng nguyên liệu, sản lượng gỗ khai thác trên 600 nghìn m3/năm, con số này là 300-350 nghìn ha năm 2030, sản lượng trên 900 nghìn m3/năm.

Ngoài ra, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện để cụ thể hóa mục tiêu xây dựng chứng chỉ rừng (nguyên liệu) đến năm 2020, 2025 đạt mức trên 24.000 ha, đến 2030 trên 30.000 ha. Đồng thời từng bước nâng cao chất lượng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Cùng với đó, tiếp tục triển khai các chương trình, dự án để giữ vững và phát triển tính đa dạng sinh học tại KBTTN, khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An.

 

Xem thêm
Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.