Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp hơn 300km tuyến đường huyện, trên 970km đường xã và hơn 30 cầu các loại, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khu vực nông thôn tiếp cận các dịch vụ thiết yếu và hỗ trợ xúc tiến, tiêu thụ nông sản.
Trong lĩnh vực thủy lợi, Quảng Ninh đầu tư hệ thống tưới tiêu phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông, lâm ngư nghiệp của người dân. Toàn tỉnh hiện có 180 hồ chứa nước, 442 đập dâng lớn, vừa và nhỏ, 3.243km kênh mương các loại (trong đó kiên cố hóa được gần 2.000km). Qua đó, đảm bảo cung cấp nước tưới cho 38.854,8ha đất canh tác.
Tỉnh còn đầu tư hơn 100km đê biển, kè và gần 40 cống tiêu dưới đê nhằm bảo vệ người dân ven biển cùng hàng chục nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng. Hiện nay, hệ thống đê điều tại Quảng Ninh đã giúp tăng năng lực chống chọi bão lũ, giảm nhẹ các thiên tai gây ra, giảm thiệt hại về mùa màng.
Tại xã Hải Lạng (huyện Tiên Yên), nghề nuôi tôm đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xã là một trong những vùng nuôi tôm lớn của Tiên Yên. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên 977ha. Trong đó, nuôi tôm trên 800ha, diện tích nuôi tôm công nghiệp là 15ha, còn lại nuôi quảng canh.
Năm 2019, dự án đầu tư cấp nhà nước cho khu vực nuôi tôm tại thôn Bình Minh (xã Hải Lạng) đã được triển khai với hệ thống điện, đường và kênh thoát nước nhằm phục vụ công tác sản xuất nông nghiệp. Đến đầu năm 2022 đã hoàn thiện và đi vào hoạt động. Đây được coi là bước đi quan trọng trong việc thu hút đầu tư, nhất là đầu tư vào nuôi trồng thủy sản tại địa phương.
Trước đây, một số địa phương ở Quảng Ninh còn chịu hoàn cảnh khó khăn do thiếu điện, thiếu nước phục vụ công tác sản xuất. Để nâng cao đời sống cho người dân, Quảng Ninh đã phối hợp triển khai một loạt dự án như đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô; cấp điện lưới cho đảo Trần và đảo Cái Chiên; cấp điện cho vùng nông thôn, miền núi... Hiện tất cả các hộ dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đều được sử dụng điện cho nhu cầu sinh hoạt cũng như sản xuất.
Bà Phạm Thị Xanh (thị trấn Cô Tô) cho biết, “tôi là người Hải Phòng, ra đảo từ năm 80 của thế kỷ trước. Khi ấy, dân số trên đảo rất ít, cái gì cũng thiếu thốn, từ nước ngọt cho đến điện. Bước ngoặt đến vào năm 2013, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã quyết tâm thực hiện kéo điện lưới ra đảo, song song với đó là việc xây dựng các hồ chứa nước ngọt. Từ việc có điện, có nước, đã giúp kinh tế huyện đảo Cô Tô khởi sắc hơn".
Việc đầu tư đồng bộ hạ tầng gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đã tác động lớn đến quy mô sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn Quảng Ninh. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng 9 tháng năm 2022 đạt 3,86%, chiếm tỷ trọng 4,8% trong GRDP.
Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các khu nông nghiệp hiện đại như Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Đông Triều; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản của Tập đoàn Việt - Úc tại xã Tân Lập, huyện Đầm Hà.
Ngành nông nghiệp Quảng Ninh đang từng bước hội nhập, đổi mới, phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp, dự án đầu tư vào khu vực nông thôn, nông nghiệp trên địa bàn. Từ đó nâng cao đời sống kinh tế cho người dân, nhất là người dân ở khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo.
Thời gian tới, Sở NN-PTNT Quảng Ninh sẽ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nhân rộng những mô hình hiệu quả trên địa bàn. Trong đó, tập trung xây dựng các mô hình, chương trình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật có tính giai đoạn, quy mô lớn gắn với các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh, nhằm phát huy tối đa hiệu quả các vùng sản xuất hàng hóa.