Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm với loài người ngày càng trở nên cấp thiết, đặc biệt qua đại dịch Covid-19 vừa qua càng cho thấy vấn đề an ninh lương thực có vai trò sống còn với mỗi quốc gia.
Với dân số xấp xỉ 100 triệu người, diện tích đất canh tác hạn chế, để đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm, những năm gần đây mới có khẩu hiệu đưa chăn nuôi lên thành ngành chính, không chỉ bao hàm ý nghĩa về kinh tế mà còn an ninh dinh dưỡng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cao điểm trước khi xảy ra dịch tả lợn Châu Phi, chăn nuôi lợn chiếm 65 - 70% rổ thực phẩm do thói quen tiêu dùng của đại bộ phận người dân.
Tháng 2/2019, Việt Nam ghi nhận ổ dịch dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên tại Hưng Yên, sau 4 tháng lan ra toàn quốc, đỉnh điểm tháng 5 năm 2019 hầu hết các xã, huyện, tỉnh đều bị nhiễm dịch tả lợn Châu Phi. Trong khi đó, tổng đàn lợn của thế giới cũng giảm 13%, đặc biệt Trung Quốc số liệu cuối năm 2019 chỉ còn 50% tổng đàn so với trước dịch.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đến nay Việt Nam đã làm tốt nhất có thể để giảm thiệt hại khi phải đối phó, đối mặt với dịch tả lợn Châu Phi, loại dịch bệnh nguy hiểm chưa từng có trong lịch sử, chưa có vắc xin, chưa thuốc đặc trị, dịch đi đến đâu tàn phá ngành chăn nuôi lợn của thế giới đến đó.
Đến nay, Việt Nam đã cơ bản giữ được an toàn đàn lợn cụ kỵ, ông bà xấp xỉ 100.000 con, toàn là những tổ hợp gen tốt hàng đầu thế giới. Nhưng với số lượng lợn tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi khoảng 6 triệu con cộng việc giảm tổng đàn theo tự nhiên ngoài dịch, đến nay Việt Nam đã phục hồi được khoảng 80% tổng đàn so với trước lúc xảy ra dịch tả lợn Châu Phi.
Bộ trưởng nhấn mạnh, bài học rút ra trong quá trình phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi đến nay là phải chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Nếu làm tốt công tác an toàn sinh học dịch bệnh rất khó để xâm nhập vào chuồng trại hoặc nếu có xâm nhập vẫn đủ thời gian và biện pháp để xử lý, khắc phục để giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất.
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, hiện nay các địa phương đang được khuyến khích tăng đàn, tái đàn, song quan điểm của Bộ NN-PTNT phải đảm bảo đáp ứng an toàn sinh học mới được phép tái đàn, bởi thực tế mầm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vẫn còn rất nhiều ngoài môi trường, nếu không làm tốt công tác an toàn sinh học, dịch bệnh ngay lập tức sẽ xâm nhập vào trang trại gây thiệt hại rất lớn.
“Nếu không thực hiện nhanh, hiệu quả việc tái đàn, chúng ta sẽ mất một góc thị phần của ngành chăn nuôi lợn. Chắc chắn không thể để giá lợn cao mãi như này được, sẽ phải có nhiều giải pháp để điều hành, trong đó có những giải pháp khi áp dụng rồi sau này không bao giờ rút lại được. Do đó, ngoài 15 doanh nghiệp nòng cốt chiếm khoảng 35% thị phần rất cần sự vào cuộc, chung tay của các trang trại, gia trại, chăn nuôi lợn nông hộ", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ghi nhận và đánh giá cao một số địa phương trong thời gian qua đã tiên phong có chính sách hỗ trợ tái đàn, tăng đàn rất hiệu quả, điển hình như Hà Nội, hiện hỗ trợ tới 5 triệu đồng/đầu lợn nái. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng là địa phương chi trả hỗ trợ tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi sớm nhất trong cả nước.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, chưa bao giờ ngành gia cầm phát triển mạnh như thời điểm này với tổng đàn gần 500 triệu con, trong đó chủ yếu là gà ta, gà lông màu bản địa chất lượng cao, thịt thơm ngon nên cần tiếp tục vận động, tuyên truyền người dân thay đổi dần thói quen theo hướng giảm cơ cấu thịt lợn, tăng thịt gia cầm và thủy sản.