| Hotline: 0983.970.780

Tiếp sức cho hộ chăn nuôi nhỏ tái đàn

Thứ Hai 04/05/2020 , 10:25 (GMT+7)

Tái đàn, tăng đàn lợn là giải pháp giảm mạnh giá thịt lợn trên thị trường. Ngoài khu vực chăn nuôi lớn, cần đẩy mạnh tái đàn ở cả các hộ chăn nuôi nhỏ.

Trại lợn giống Lộc Phát (Bình Phước). Ảnh: C.P Việt Nam cung cấp.

Trại lợn giống Lộc Phát (Bình Phước). Ảnh: C.P Việt Nam cung cấp.

Thiếu vốn, giống

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, đến thời điểm này, có hơn 90% số xã ở nước ta đã trải qua ít nhất là 30 ngày không phát sinh ổ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. Như vậy, điều kiện để tái đàn đang rất tốt.

Tuy nhiên, tình hình tái đàn trên cả nước nhìn chung còn chậm. Nguyên nhân trước hết là do một số địa phương vẫn e ngại chuyện tái đàn, khi cho rằng cứ tái đàn là sẽ đi đôi với tái dịch. Khi ấy, sẽ lại phát sinh thêm nhiều chi phí, công sức để xử lý dịch bệnh.

Thiếu vốn để tái dàn cũng là vấn đề lớn đối với người chăn nuôi, nhất là các hộ chăn nuôi vừa và nhỏ, bởi họ đã bị kiệt quệ về tài chính, thậm chí vẫn đang còn nợ ngân hàng chưa thể trả được do bị thiệt hại nặng nề vì dịch tả lợn châu Phi.

Giá con giống lên quá cao, phần do một lượng lớn lợn nái bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gây thiếu hụt nguồn giống, phần do giá giống cũng tăng theo giá lợn hơi trên thị trường.

Ông Nguyễn Xuân Dương cho biết, trước đây, giá 1 con lợn giống, lúc cao nhất cũng chỉ 1,6-1,7 triệu đồng/con, nay lên tới bình quân 2,5 triệu đồng/con. Một hộ nuôi nhỏ, mua 10 con giống, đã phải bỏ ra tới 25 triệu đồng. Một hộ nuôi vừa, mua 100 con giống, là hết ngay 250 triệu đồng.

Ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, để ổn định nguồn cung, giảm được giá thịt lợn trên thị trường, không có còn đường nào khác là phải tái đàn. Đây là biện pháp quan trọng nhất, các biện pháp khác chỉ là hỗ trợ. Thịt lợn vẫn đang chiếm 60-70% tỷ trọng trong việc sử dụng thịt của người Việt, vì thế, không thể không tiếp tục phát triển chăn nuôi lợn.

Chính vì vậy, các địa phương phải thấy trách nhiệm của mình với việc tái đàn để đảm bảo nguồn cung thịt lợn trên địa bàn và trên cả nước. Các địa phương phải thực sự vào cuộc thì mới giải quyết được vấn đề tài chính, tín dụng, mặt bằng… cho người chăn nuôi có điều kiện tái đàn, tăng đàn.

Hiện nay, Luật Chăn nuôi đã được triển khai thực hiện. Theo đó, chăn nuôi bây giờ là chăn nuôi có điều kiện, một trang trại phải đảm các quy định không chỉ an toàn dịch bệnh mà cả an toàn cho môi trường sống của con người.

Chúng ta đã xây dựng được quy trình chăn nuôi cho tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi để giảm thiểu rủi ro. Do đó, nếu các địa phương mạnh dạn đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn theo quy trình chăn nuôi đã xây dựng và tuân thủ tốt Luật Chăn nuôi, thì sẽ giảm thiểu được rủi ro, tái đàn thành công.

Ông Nguyễn Xuân Dương cho hay, sẽ phải kiến nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước có chính sách khoanh nợ, giãn nợ để người chăn nuôi tiếp cận được với nguồn tín dụng mới để đẩy mạnh tái đàn. Thời cơ cho chăn nuôi lợn đang rất lớn khi tình hình thị trường còn rất thuận lợi cho tiêu thụ trong năm nay và cả năm sau.

Nếu nông dân vay được vốn, tổ chức tái đàn đảm bảo chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học (ATSH), chắc chắn chăn nuôi lợn sẽ có hiệu quả cao, đồng thời góp phần quan trọng làm tăng nguồn cung, giảm giá thịt lợn trên thị trường.

Doanh nghiệp tiếp sức hộ chăn nuôi

Để giải quyết bài toán con giống cho các hộ chăn nuôi, rất cần có sự giúp sức, đồng hành của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn. Theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần C.P Việt Nam, các doanh nghiệp đã giữ được đàn cụ kỵ, ông bà để sản xuất đàn bố mẹ, cần cố gắng làm sao tăng được nguồn cung con giống cho người chăn nuôi.

Một trong những điển hình về việc doanh nghiệp giúp hộ chăn nuôi nhỏ tái đàn là C.P Việt Nam. Ông Vũ Anh Tuấn cho biết, công ty đang làm nhiều cách để tăng nguồn cung lợn giống cho bà con.

Chẳng hạn, nếu như trước đây, khi lựa chọn đàn nái, C.P Việt Nam chọn không quá 70%. Hiện nay, công ty tăng tỷ lệ chọn lên 80%. Trong đó, phần 70% lựa chọn theo tiểu chuẩn trước đây, công ty tăng đưa ra ngoài để cung cấp cho các hội chăn nuôi. Để bù lại, công ty đưa toàn bộ phần 15% chọn thêm vào nuôi trong nội bộ, vì kỹ thuật chăn nuôi và khả năn thay nái của công ty cao hơn so với người chăn nuôi.

Do nguồn con giống ở phía Bắc đang rất khan hiếm, C.P Việt Nam đang đẩy mạnh việc đưa lợn hậu bị, lợn giống từ các trang trại của công ty ở miền Trung ra các trang trại ngoài Bắc, nhằm tăng nguồn cung con giống cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Ngoài ra, C.P Việt Nam còn vào chậm lợn hậu bị ở các trang trại của mình để có thêm nguồn cung lợn hậu bị cho các hộ chăn nuôi.

Song song với việc tăng nguồn cung lợn hậu bị, lợn giống cho các hộ chăn nuôi nhỏ, C.P Việt Nam còn tích cực cử nhân viên kỹ thuật để tư vấn, hướng dẫn về phương pháp an toàn sinh học khi tái đàn cho các trang trại, hộ chăn nuôi. Nhân viên kỹ thuật của công ty trực tiếp tới trang trại, hộ chăn nuôi có nhu cầu chuẩn bị vào lợn giống để tư vấn.

Sau khi trang trại, hộ chăn nuôi đã vào lợn giống, nhân viên kỹ thuật vẫn thường xuyên trao đổi qua các phương tiện liên lạc hay đến tư vấn trực tiếp để giúp giảm thiểu rủi ro, tái đàn thành công.

C.P Việt Nam chia các trang trại thành 3 nhóm để tư vấn cách tái dàn sao cho phù hợp và an toàn nhất. Chẳng hạn, với nhóm trang trại trước đây chưa bị bệnh, nhưng do tình hình dịch bệnh và thiếu vốn nên buộc phải giảm đàn, thì sẽ hướng dẫn thực hiện cách ly thế nào, củng cố chuồng trại ra sao nhằm nâng cao ATSH.

Với các trang trại đã bị dịch, phải tiêu hủy toàn bộ và đến nay đã có 3-4 tháng làm sạch chuồng trại, thì trước khi tái đàn phải kiểm tra xem mầm bệnh còn trong trang trại không, chuồng trại đã sửa sang nhằm đảm bảo ATSH hay chưa, những nguy cơ từng khiến dịch bệnh lây nhiễm vào trang trại trước đây, giờ đã được khác phục hay chưa… Sau khi kiểm tra, thấy đã đảm bảo ATSH, thì có thể tư vấn trang trại vào 50% số lợn.

Còn với những trại tuy cũng từng bị dịch, nhưng không phải tiêu hủy hết, trại tương đối ổn định, thì ngoài đảm bảo ATSH, cũng cần có những biện pháp thăm dò, vào heo hậu bị sao cho phù hợp nhất.

Xem thêm
Cảnh giác với bệnh cúm gia cầm các tháng cuối năm

Theo Cục Thú y, trong các tháng cuối năm, nguy cơ bệnh cúm gia cầm xảy ra trên phạm vi rộng rất cao do hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm gia tăng.

Nữ kỹ sư giúp người dân thoát nghèo nhờ cây tía tô bản địa

Lào Cai Với hơn 30ha tía tô cùng 20 sản phẩm đa dạng, chị Trần Anh Xuân đã tiên phong đưa cây tía tô bản địa thành cây giúp bà con thoát nghèo.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.