| Hotline: 0983.970.780

Đồng Nai và Bình Dương đẩy mạnh tái đàn heo

Thứ Hai 04/05/2020 , 21:25 (GMT+7)

Ngày 4/5, đoàn công tác Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn, có buổi thị sát và làm việc tại Đồng Nai, Bình Dương về tình hình tái đàn heo.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kiểm tra thực tế tình hình chăn nuôi tại Đồng Nai. Ảnh: Trần Trung.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kiểm tra thực tế tình hình chăn nuôi tại Đồng Nai. Ảnh: Trần Trung.

Sáng 4/5, Thứ trưởng phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác đi thị sát tình hình tái đàn heo và mô hình nuôi heo an toàn sinh học tại huyện Trảng Bom và Vĩnh Cửu của tỉnh Đồng Nai.

Theo ông Võ Văn Chánh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, trước khi xảy ra dịch tả heo châu Phi, Đồng Nai có khoảng 2,4 triệu con heo.

Sau khi phát hiện ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên (ngày 17/4/2019 tại huyện Trảng Bom), đến 31/12/2019 dịch đã xảy ra tại 5.371 cơ sở chăn nuôi của 137 xã/phường/thị trấn.

Tỉnh đã phải tiêu hủy khoảng 450.000 con heo với trọng lượng 23.930 tấn, tổng đàn heo trên địa bàn giảm 19,41% so với thời điểm trước dịch.

Ngay sau khi dịch được khống chế, Đồng Nai đã đặc biệt quan tâm đến công tác tái đàn. Theo đó, tỉnh quyết tâm phải giữ bằng được đàn heo trong hệ thống trang trại, đàn heo giống và cơ chế hỗ trợ giữ an toàn dịch bệnh và duy trì bằng được đàn heo ông bà.

Đặc biệt, tỉnh đã kịp thời hỗ trợ cho các hộ có heo bị tiêu hủy để người dân có nguồn vốn tái đầu tư, tới thời điểm hiện tại khoảng 668 tỷ đồng đã được phân bổ (đạt tỷ lệ 99,3%). Ngoài ra Sở NN-PTNT cũng đã tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các ngành, các cấp thực hiện công tác tái đàn.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm việc tại UBND tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Trần Trung.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm việc tại UBND tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Trần Trung.

Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, hiện nay đàn heo tỉnh Đồng Nai có khoảng 2,031 triệu con. Trong đó có 815 con heo giống cụ kỵ ông bà, 215.000 nái sinh sản, 64.517 nái hậu bị, 3.700 đực giống, 1.375.213 heo thịt.

Trong đó, chăn nuôi trang trại chiếm 90%, đây là nền tảng để tỉnh Đồng Nai phấn đấu đến cuối năm 2020 đưa đàn heo đạt 2,5 triệu con.

“Ngay từ khi xảy ra dịch tả heo châu Phi, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các cấp, các ngành đã vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, tổ chức cách ly, khống chế dịch bệnh thành công sớm nhất nước.

Hiện nay, công tác tái đàn, khôi phục sản xuất chăn nuôi heo của tỉnh đang triển khai khá hiệu quả. Sắp tới, tỉnh có hướng giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung, phát triển trang trại.

Các gia trại nuôi heo thịt được khuyến khích nuôi một số ít heo nái để chủ động con giống, hạn chế nhập và phụ thuộc bên ngoài - đó chính là cách hạn chế dịch bệnh. Tỉnh cũng đang tập trung, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển các trang trại chăn nuôi quy mô lớn”, ông Chánh nói.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao kết quả mà Đồng Nai làm được trong việc khống chế vùng dịch bệnh và nhanh chóng tái đàn thành công, góp phần không nhỏ vào việc bình ổn giá thịt heo trên thị trường hiện nay.

“Qua đi kiểm tra thực tế tại các mô hình trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cho thấy, chăn nuôi an toàn sinh học rất quan trọng, các doanh nghiệp đã làm rất tốt, cần nhân rộng. Đối với các hộ nhỏ lẻ, chính quyền và ngành nông nghiệp địa phương cần chú trọng việc tập hợp, liên kết sản xuất để nuôi heo theo quy mô lớn, chỉ có quy mô lớn mới đáp ứng được an toàn sinh học. Nếu không đảm bảo được an toàn sinh học thì khó phát triển chăn nuôi heo trong thời điểm hiện nay”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ông Phùng Đức Tiến cũng giao các Cục, Vụ liên quan của Bộ NN-PTNT nghiên cứu, xem xét những mô hình chuẩn, bài học kinh nghiệm của địa phương trong công tác phòng, chống dịch và tổ chức tái đàn để nhân rộng trong cả nước.

Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác tiếp tục đi thị sát tình hình tái đàn heo và mô hình nuôi heo an toàn sinh học tại một số huyện của tỉnh Bình Dương.

Báo cáo với đoàn công tác, đại diện Sở NN-PTNT Bình Dương, cho biết: Tính từ ngày 20/5/2019 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi và có hiện tượng heo chết bất thường ở 1.394 hộ/trại chăn nuôi tại 84 xã, phường, thị trấn của 09 huyện, thị xã, thành phố, với tổng số heo chết và buộc phải tiêu hủy là 87.116 con (chiếm tỷ lệ khoảng 15,14% so với tổng đàn).

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm việc tại UBND tỉnh Bình Dương. Ảnh: Trần Trung.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm việc tại UBND tỉnh Bình Dương. Ảnh: Trần Trung.

Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 3 xã phát sinh dịch tả heo châu Phi (An Sơn, Thanh An và An Điền) với tổng số heo chết và buộc phải tiêu hủy là 30 con. Tuy nhiên, hiện tất cả các địa phương trong tỉnh đều đã qua 30 ngày không ghi nhận phát sinh ổ dịch mới.

Ngay sau khi khống chế được dịch, tỉnh Bình Dương tích cực chỉ đạo các địa phương từng xảy ra dịch tích cực tái đàn. Hiện tổng đàn heo toàn tỉnh chỉ còn giảm khoảng 1,89% so với cùng kỳ năm 2019. Nhưng nhìn chung số lượng heo chỉ giảm nhiều ở đàn heo chăn nuôi quy mô nông hộ, đối với chăn nuôi quy mô trang trại và ở các công ty chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài thì tổng đàn heo tăng 4,48%.

Việc tái đàn heo khá tốt sau dịch đã cho thấy hiệu quả công tác quản lý nhà nước mà UBND Bình Dương và các ngành chức năng đã thực hiện để khống chế dịch bệnh, đồng thời các trang trại, công ty chăn nuôi được tạo điều kiện thuận lợi để tái đàn, cung cấp sản phẩm cho thị trường.

Đại diện tỉnh Bình Dương cũng cho rằng, do tính chất đặc thù của bệnh dịch tả heo châu Phi chưa có vacxin phòng bệnh nên dịch vẫn có thể tiếp tục xảy ra ở những nơi chăn nuôi an toàn sinh học kém, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y.

Từ nhận định trên, cùng với việc nghiêm túc thực hiện tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục tích cực quan tâm chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả trong thời gian tới.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ghi nhận, đánh giá rất cao công tác chăn nuôi và khôi phục sản xuất sau dịch tả heo châu Phi của Bình Dương. Mặc dù không phải là tỉnh có nền nông nghiệp là chủ lực, nhưng lãnh đạo tỉnh rất quan tâm và có nhiều chính sách dành cho nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao.

Đặc biệt Bình Dương là tỉnh tiên phong chăn nuôi tập chung nên ngành chăn nuôi địa phương phát triển mạnh về trang trại, từ đó thực hiện tốt nuôi heo an toàn sinh học. Thứ trưởng cũng đề nghị UBND tỉnh xem xét có cơ chế hỗ trợ heo nái, chú trọng phát triển đàn nái, hệ thống giống để đẩy mạnh tái đàn...

Thứ trưởng nhấn mạnh, sắp tới, nếu đã công bố dịch thì cũng phải công bố hết dịch để người dân yên tâm sản xuất. Thứ trưởng giao các Cục, Vụ liên quan của Bộ NN-PTNT nghiên cứu, xem xét những mô hình chuẩn, bài học kinh nghiệm của địa phương trong công tác phòng, chống dịch và tổ chức tái đàn để nhân rộng trong cả nước.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.