| Hotline: 0983.970.780

Tái diễn nạn bán điều non

Thứ Hai 20/05/2013 , 09:36 (GMT+7)

Dư luận đang nổi lên tình trạng bán điều non ở các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước.

Dư luận đang nổi lên tình trạng bán điều non ở các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước. Thật ra, hiện tượng này không mới, bởi đã diễn ra từ ba năm trước. Tuy nhiên, do các ngành chức năng chưa có đủ biện pháp chế tài, xử lý hữu hiệu nên nó mới có “đất” tồn tại.

Ông Huỳnh Thanh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Phước cho biết, ba năm trước, năm 2010 tình trạng bán điều non, vay lãi suất cao, cầm cố đất đai, bán đất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã xảy ra. Ban Dân tộc tỉnh tiến hành kiểm tra, thống kê với khoảng 820 hộ bán điều non trên diện tích 1.900 ha. Huyện có diện tích bán nhiều nhất là Bù Đăng hơn 1.237 ha, Bù Gia Mập gần 640 ha. Tình trạng này diễn ra chỉ sau thời gian ngắn thì “lắng”.

Nhưng từ tháng 4/2013, vấn nạn này rộ trở lại, theo thống kê chưa đầy đủ đã có 389 hộ đồng bào DTTS bán điều non mà phần lớn là người Xtiêng, Mơ Nông với diện tích gần 700 ha, giá bán bình quân 25 triệu đồng/ha, thời gian bán từ 1 đến 10 năm; 631 hộ đồng bào cầm cố sang nhượng QSDĐ đất diện tích 899 ha để lấy tiền chi tiêu. Trong đó, có 100 hộ sang nhượng đất có nguồn gốc do Nhà nước hỗ trợ. Hai huyện có số hộ bán điều non và cầm cố sổ đỏ nhiều nhất vẫn là Bù Đăng và Bù Gia Mập tổng cộng là 567 hộ.


Chị Thị Sen (dân tộc S’tiêng) ở xã Bom Bo, huyện Bù Đăng vẫn cố gắng giữ lại vườn điều không bán non

Theo chỉ dẫn của Ban Dân tộc, ngày 16/5 chúng tôi đến UBND xã Bom Bo, huyện Bù Đăng để tìm hiểu. Ông Nguyễn Đức Đăng, phó chủ tịch xã cho biết, qua kiểm tra sơ bộ có 120 hộ dân bán vườn điều non mà phần lớn để trả nợ “tín dụng đen”, nhưng bán cho ai thì ông Đăng nói ngắn gọn: “Họ mua bán với nhau thỏa thuận bằng miệng, nhiều hộ viết tay không ra xã xác nhận nên chúng tôi không thể kiểm soát được”.

Ông Đăng dẫn chứng, mới đây bên công an xã mời bà Thanh, một đối tượng chuyên cho vay nặng lãi ở huyện Bù Đăng (cho vay lãi suất 12%/tháng, tức 124%/năm) lên làm rõ việc đối tượng này siết nợ 3 ha vườn điều 4 năm tuổi của hộ ông Điểu Lé, một cư dân địa phương. Tuy nhiên, sau khi làm việc thì không thể xử lý được do đây thuộc về quan hệ dân sự. “Cái chính là bà con DTTS nhẹ dạ nên dễ sập bẫy những người cho vay. Trái lại, những người cho vay lại rất khôn, thường nhắm vào gia đình nào có vườn điều là đến gạ gẫm cho vay tiền. Họ đưa tiền rồi bảo viết giấy nhận nợ, nếu không trả thì cầm cố vườn điều. Nhận tiền xong, bà con không biết cách sử dụng hợp lý nên số tiền bay rất nhanh. Khi hết tiền, bà con buộc phải bán điều non (chưa đến mùa thu hoạch) để lấy vài chục triệu đồng rồi đi làm thuê kiếm sống” - ông Đăng nói thêm.

Theo hướng dẫn của ông PCT xã, chúng tôi đến thôn 4, nơi đang “nóng” chuyện bán điều non. Khi đề cập về chuyện này, ông trưởng thôn Điểu Bé không cần lật sổ ghi chép mà nói ngay: “Cả thôn có 170 hộ, chủ yếu đồng bào người Xtiêng, hiện có 60 hộ bán điều non thời gian từ 4 đến 7 năm”. Theo ông Điểu Bé, tại đây phong trào bán điều non và cầm cố vườn điều xảy ra lâu rồi. “Người nghèo bán để no cái bụng, chữa cái bệnh, nhưng cũng có nhiều đồng bào bán lấy tiền ma chay, cưới hỏi, tức phải có nhiều rượu, nhiều thịt ăn uống linh đình nhiều ngày mới thôi. Một số gia đình như bà Thị Bích, Điểu La, Điểu Phụng... sau khi bán điều non phải đi làm thuê, làm mướn” - ông Điểu Bé nhấn mạnh.

“Tỉnh đã yêu cầu các ngành chức năng phối hợp với huyện rà soát những trường hợp mua bán, cầm cố, xiết nợ lấy đất, vườn điều của đồng bào. Riêng huyện Bù Đăng, bên công an đã có báo cáo xác minh hành vi của một số đối tượng lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, thiếu hiểu biết pháp luật, cần tiền của đồng bào DTTS để mua rẻ vườn điều non, sau đó là thôn tính toàn bộ diện tích đất của các hộ này. Tôi đã chỉ đạo nếu có đủ cơ sở thì khởi tố...” - Ông Nguyễn Huy Phong, PCT UBND tỉnh Bình Phước.

Theo bà Thị Bích, một năm trước, vợ chồng bà vay 100 triệu đồng của một người đàn ông tên Lanh ở xã Đăk Nhau kế bên để đầu tư cải tạo 3 ha điều và chữa bệnh cho con với lãi suất 10%/tháng, tức 1 tháng trả 10 triệu đồng tiền lãi. Nhưng mới trả lãi mấy tháng, gia đình bà mất khả năng thanh toán nên ông Lanh gộp gốc và lãi lên gần 200 triệu đồng. Không có tiền, gia đình bà buộc phải giao vườn điều cho chủ nợ thu hoạch để trừ dần trong vòng 10 năm. Bà Bích vừa đi làm rẫy thuê về ngậm ngùi nói: “Trước đó, tôi có hỏi vay ngân hàng nhưng không được vì chưa làm sổ đỏ, còn vay tín chấp người ta đòi hỏi xác nhận nhiều giấy tờ quá nên đành phải vay nóng thôi. Bây giờ giao vườn điều cho chủ nợ tiếc lắm nhưng biết sao được!”.

Tại xã Đắc Ơ, huyện Bù Gia Mập và xã Đăk Nhau, huyện Bù Đăng tình trạng bán non rẫy điều, cầm cố đất cho chủ nợ hiện đang ngấm ngầm diễn ra khá phức tạp. Đặc biệt, chỉ riêng tại thôn 6, xã Đắc Ơ, theo thống kê sơ bộ, cả thôn có 303 hộ, chủ yếu là đồng bào Xtiêng nhưng có đến 240 hộ bán điều non. Ngoài ra, còn có gần 60 hộ khác vay nợ lãi cao, phải cầm cố vườn cao su, rẫy điều cho chủ nợ. Điều đáng nói là, do người vay lẫn người cho vay đều cố tình giấu diếm, chỉ khi nào số nợ lên nhiều không trả nổi thì sự việc mới bùng phát. Lúc đó, những hộ dân bị chủ nợ đến xiết nợ vườn điều chính quyền địa phương mới biết thì đã muộn.

Bà Trần Thị Mỹ, một đại lý thu mua hạt điều ở xã Bom Bo cho hay, các vườn điều hầu hết đều ở vùng đất dốc, đất rẫy đồi núi có khung giá phổ biến nếu trồng từ 1-2 năm bán giá khoảng 10 triệu đồng/ha; từ 4-10 năm giá trên 15 triệu đồng/ha, có thể bán trong vòng 3 - 5 năm hoặc bán đứt vì nợ. Trong khi đó, với NS bình quân 10 tạ/ha, giá 1 kg hạt điều là 24.000 đ/kg thì mỗi ha mang lại khoảng 24 triệu đồng/năm. Như vậy, với kiểu bán điều non, các hộ chỉ thu được khoảng 50% giá trị thật, nói cách khác là họ đã mất đứt phân nửa số tiền.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm