Phiên tòa xét xử đại án gây thất thoát 830 tỷ đồng xảy ra tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II - Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (dự án 2-TISCO) vừa khép lại, 19 bị cáo vừa lĩnh án, thì dư luận lại rộ lên trước việc TISCO muốn “tái khởi động” dự án thua lỗ ngàn tỷ này.
Theo TISCO, sau hơn chục năm đầu tư thực hiện dự án, nếu cứ tiếp tục “đắp chiếu” thì thiết bị, máy móc với giá trị vài ngàn tỷ đồng sẽ mất hết giá trị, thiệt hại khi đó sẽ rất lớn, vốn và tài sản nhà nước tại TISCO không được bảo toàn, hơn 4.000 công nhân mất việc làm, ảnh hưởng đến hơn 20.000 người khác. Các ngân hàng không còn cơ hội thu hồi vốn.
Còn nếu được tái khởi động, thì với công nghệ tiên tiến, dự án sẽ hồi sinh, sẽ làm ăn có lãi, sẽ nộp ngân sách hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, sẽ trả được lãi vay và nợ. Tóm lại, bức tranh do TISCO vẽ ra là vô cùng sáng sủa ở phía trước.
Thế nhưng, bất cứ một ai quan tâm đến dự án này, đều thấy khó lòng tin tưởng. Dự án được khởi công tháng 9/2007 với tổng mức đầu tư 3.843 tỷ đồng, nhưng đến năm 2013, tổng mức đầu tư bỗng được điều chỉnh thành 8.104 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần. Cùng lúc đơn vị trúng gói thầu số 1 (EPC) là tập đoàn khoa học công nghệ và thương mại luyện kim Trung Quốc tháo chạy, sau khi đã ứng phần lớn tiền. Dự án đắp chiếu từ đó.
Sau 8 năm, đến nay bất cứ ai vào công trường cũng thấy xót xa bởi cảnh hoang tàn, cỏ mọc lút đầu người, hơn 30 hạng mục công trình lớn nhỏ đều lắp đặt dở dang, máy móc phơi nắng phơi mưa đã han rỉ trầm trọng, có nguy cơ trở thành những đống sắt thép đồng nát khổng lồ, trong khi số tiền gốc và lãi phải trả mỗi tháng lên tới 47 tỷ đồng. Cứ mở mắt ra là phải gánh hơn 1,5 tỷ đồng cả gốc lẫn lãi. Con số thiệt hại chắc chắn đã lớn hơn nhiều con số 830 tỷ theo quy kết của đại diện VKS trong phiên tòa xét xử đại án.
Vậy mà muốn tái khởi động, muốn dự án hồi sinh ư? Phải thêm bao nhiêu ngàn tỷ nữa đổ vào để làm đống sắt thép đồng nát kia sống lại? Nguồn tiền ở đâu trong khi các ngân hàng đã không còn hy vọng thu hồi những món nợ đã cho TISCO vay nữa?
Còn “công nghệ tiên tiến” ư? Một công nghệ cách đây đã 14 năm, lại là công nghệ của Trung Quốc, vốn đã rất lạc hậu so với công nghệ Âu - Mỹ cùng thời kỳ, mà nói là “tiên tiến” liệu có lọt tai người nghe không? Trong khi công nghệ sản xuất thép thì mỗi ngày một tiến bộ như vũ bão? Tấm gương của những đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, và đường sắt Cát Linh - Hà Đông còn đó.
Vậy nên bức tranh mà những người lãnh đạo mới của TISCO vừa vẽ ra trước công chúng để mong một “lối ra” cho đại dự án thua lỗ ngàn tỷ, đắp chiếu gần chục năm này thật khó thuyết phục được những người có tâm, nặng lòng với đất nước.