| Hotline: 0983.970.780

'Tài nguyên' phụ phẩm trồng trọt trong nông nghiệp tuần hoàn

Thứ Năm 09/12/2021 , 11:00 (GMT+7)

Trong lĩnh vực trồng trọt, rất nhiều nguồn phụ phẩm trong các khâu sản xuất có thể tận dụng để sản xuất phân bón hữu cơ, tái sử dụng cho chính hoạt động trồng trọt.

Lãng phí phụ phẩm trồng trọt 

Theo báo cáo tổng kết về điều tra sinh khối ở Việt Nam do Ngân hàng thế giới thực hiện năm 2018 và số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, tổng khối lượng phụ phẩm theo lý thuyết ở nước ta năm 2020 là trên 156 triệu tấn, bao gồm hơn 88 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); hơn 61 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%) cùng hơn 5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5 %) và khoảng 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (chiếm 10,6%).

Bà Bùi Thi Hồng Hà, Trưởng phòng Vi sinh nông nghiệp, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Ảnh: NNVN.

Bà Bùi Thi Hồng Hà, Trưởng phòng Vi sinh nông nghiệp, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Ảnh: NNVN.

Riêng lĩnh vực trồng trọt, tỷ lệ cây trồng được thu gom sử dụng vào các mục đích khác chỉ chiếm khoảng 52%. Rơm lúa là phụ phẩm phổ biến được sử dụng cho các mục đích khác chỉ khoảng 56%. Trong khi rơm có thể sử dụng hữu ích cho nhiều mục đích khác nhau, thậm chí bán trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, hiện nay hàng chục triệu tấn rơm của Việt Nam vẫn đang bị bỏ lãng phí hoặc đốt tại ruộng gây ô nhiễm môi trường. Việc đánh giá đúng tiềm năng, tìm ra giải pháp kỹ thuật phù hợp để xử lý hiệu quả nguồn phụ phẩm này đang là vấn đề đặt ra với các nhà nghiêm cứu.

Bà Bùi Thị Hồng Hà, Trưởng phòng Vi sinh nông nghiệp, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết: Trong lĩnh vực trồng trọt, tàn dư phụ phẩm trên đồng ruộng còn rất nhiều.

Ngoài các loại phế phụ phẩm nông nghiệp, những mặt hàng hoa quả kém chất lượng không bán được, người dân không biết làm cách nào để xử lý, vô hình biến nó thành loại rác thải khổng lồ gây ô nhiễm môi trường. Đây được đánh giá là sự lãng phí, trong khi nền nông nghiệp đang có nhu cầu rất lớn về phân bón.

Đối với cây lúa, với 1 tấn thóc thu được, sẽ tương đương với 1 tấn rơm rạ trên đồng ruộng, đây là nguồn tài nguyên rất lớn có thể tận dụng. Tuy nhiên, hiện nay người dân đang xử lý bằng cách đốt bỏ… Vấn đề đặt ra là tiềm năng lớn nhưng quy trình để tận dụng như thế nào.

Về phía người dân, hiện nay, các công nghệ xử lý đã sẵn có, nhưng thiếu khâu cập nhật thông tin, hướng dẫn. Bản thân nhiều hộ dân ở các vườn trồng đã bước đầu có ý thức tận dụng, tự xử lý bằng các cách khác nhau để làm phân bón. Vì vậy, các cơ quan chuyên môn chỉ cần có thêm sự thúc đẩy để người dân hiểu rõ hơn cách làm này thì khả năng lan tỏa sẽ rất nhanh.  

Rơm lúa là phụ phẩm phổ biến có thể sử dụng hữu ích cho nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay hàng chục triệu tấn rơm rạ của Việt Nam vẫn đang bị bỏ lãng phí hoặc đốt tại ruộng gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: TL.

Rơm lúa là phụ phẩm phổ biến có thể sử dụng hữu ích cho nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay hàng chục triệu tấn rơm rạ của Việt Nam vẫn đang bị bỏ lãng phí hoặc đốt tại ruộng gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: TL.

Về phía các nhà máy chế biến, không có nhu cầu tận dụng lại lượng chất thải nông nghiệp. Chính vì vậy, để giải quyết vấn đề này, cần chú ý đến khâu quản lý, thúc đẩy hình thành kết nối chuỗi. Các nhà vườn phải được kết nối với các nhà máy (nhà vườn cần phân bón, còn nhà máy cần đẩy rác thải đi), bởi ngoài giá trị kinh tế hoặc không kinh tế nhưng giá trị về môi trường là rất lớn.

Sớm nhân rộng các mô hình xử lý phụ phẩm

Theo bà Bùi Thị Hồng Hà, một mô hình cụ thể có thể kể đến là xử lý rơm rạ tại đồng ruộng bằng chế phẩm sinh học để dùng làm phân bón thay vì mua phân NPK. Người dân giữ lại rơm rạ không đốt, dùng sản phẩm sinh học xử lý, thậm chí không cần thời gian cách ly mà vẫn ngăn chặn được hiện tượng ngộ độc hữu cơ do rơm rạ gây ra, giảm được lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho cây lúa…

Trong 3 năm gần đây, theo tổng kết, nếu để lại toàn bộ rơm rạ trên ruộng, kết hợp với mật độ sạ thưa, chúng ta có thể giảm 50% lượng phân bón hoặc 50% thuốc BVTV, thậm chí nhiều hộ không phải phun thuốc BVTV vì không còn sâu bệnh trên đồng ruộng. Mô hình này đã áp dụng ở An Giang với diện tích 50 ha, Thái Nguyên (140 ha), Thanh Hóa (hơn 100 ha)… và được đông đảo người dân ủng hộ, đánh giá cao.

“Trong bối cảnh giá vật tư đầu vào đang tăng cao như hiện nay, đây được xem là giải pháp hữu hiệu”, bà Hà cho hay.

Cũng theo bà Hà, việc tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp cần sớm được nhân rộng. Hiện, có một số nghiên cứu chưa được công bố như tận dụng trái cây thải loại làm phân bón. Một số tỉnh có cửa khẩu như An Giang có số lượng xoài thải loại rất lớn tại các chợ cửa khẩu, gây ô nhiễm môi trường, đang được Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) nghiên cứu, chế biến thành phân bón, phục vụ cho chính địa phương.

Việc tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp cần sớm được nhân rộng. Ngoài rơm lúa, hoa quả thải loại cũng là nguồn tài nguyên rất lớn có thể tận dụng làm phân bón. Ảnh: TL.

Việc tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp cần sớm được nhân rộng. Ngoài rơm lúa, hoa quả thải loại cũng là nguồn tài nguyên rất lớn có thể tận dụng làm phân bón. Ảnh: TL.

Từ câu chuyện trái xoài, có thể thấy, hiện nay nhiều loại cây ăn quả bỏ đi có thể tận dụng làm phân bón, bản thân từng nông hộ có thể biến các loại hoa quả thải loại đó thành phân bón cho chính vườn cây ăn quả của mình.

"Giải pháp chúng tôi hướng đến là cho từng hộ dân chứ không phải đưa về doanh nghiệp sản xuất tập trung, vì khi vận chuyển từ nơi thải loại về nhà máy xử lý rồi vận chuyển phân bón quay lại sẽ đội chi phí lên rất cao", bà Hà nêu ý tưởng.

Về mô hình xử lý phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ triển khai hiệu quả ở các nước, bà Hà thông tin thêm: Hiện nay, chính sách của một số nước như Mỹ, Thái Lan đưa ra chúng ta không áp dụng được, vì mô hình của họ là mô hình quy mô lớn. Mặt khác, khi đưa vào sản xuất các nước đã xây dựng những cam kết về môi trường và kế hoạch làm kinh tế tuần hoàn.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể học hỏi, rút kinh nghiệm từ cách làm của Chính phủ Thái Lan trong việc hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết, những mô hình đẹp, bài bản, những câu chuyện truyền thông để tăng sức lan tỏa. Nhờ đó, ở những nơi không được sự hỗ trợ của Chính phủ vẫn có thể phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn một cách bài bản.

Bên cạnh đó, chúng ta nên có những công trình nghiên cứu dài hơi, công bố công khai các kết quả nghiên cứu để tạo động lực cho người dân thực hiện.

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Đưa giống sắn mới HL-RS15 vào canh tác tại Tây Nguyên

Hội thảo giới thiệu giống sắn mới HL-RS15 và quy trình, kỹ thuật canh tác vừa được tổ chức tại vựa sắn huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai).