| Hotline: 0983.970.780

Tại sao rét đậm cần bón cho lúa nhiều lân và kali?

Thứ Sáu 09/01/2015 , 07:21 (GMT+7)

Câu hỏi này đã được nhiều bà con đặt ra và cũng đã được một số nhà khoa học trả lời. Nhưng hằng năm lại có nhiều câu hỏi tương tự lại được nêu ra.

Nhân tiện đây tác giả cũng xin trao đổi với bà con để hiểu rõ hơn và cũng để áp dụng cho đồng ruộng của bà con hợp lý hơn. Khi nói về lân bón nhiều cho lúa vào những năm trời rét, mục đích để giúp lúa chịu được rét tốt hơn.

Nói chịu rét tốt hơn trước hết dựa vào chức năng của chất lân trong cơ thể của cây lúa. Lân là một trong 3 chất dinh dưỡng được cây hút nhiều nhất, sau kali và đạm. Ta biết rằng cây lúa sinh trưởng và phát triển được mạnh hay yếu là do nội lực của cây lúa quyết định.

Nội lực đó được biểu hiện ra dưới dạng năng lượng. Lân khi được hút vào cây lúa, nó tham gia vào hợp chất tạo năng lượng ở mức cao ta gọi là cao năng (ATP) để tham gia vào các quá trình sống của cây như hô hấp, quang hợp, sinh trưởng, kéo dài hay phát triển bề rộng tế bào của cây.

Nhiều thí nghiệm có bón lân, không bón lân, hoặc bón lân với các mức khác nhau đã chứng minh rằng nếu lúa không được bón lân thì cây mọc còi cọc, rễ mọc rất chậm và rất ít, rễ ngắn, đẻ nhánh cũng rất ít, bông lúa nhỏ, ít hạt, hạt không chắc, không mẩy, tỷ lệ lép cao.

Giữa công thức có bón lân và công thức không bón lân khi gặp rét thì công thức không bón lân lúa chết gần hết. Các công thức bón ít lân hơn thì tỷ lệ cây chết cũng nhiều, nhưng công thức có bón nhiều lân thì tuy cây có bị sinh trưởng chậm lại so với thời tiết bình thường nhưng vẫn có nhiều nhánh và khi nhiệt độ tăng lên thì cây lúa phục hồi nhanh và trổ bông bình thường.

Các nhà khoa học gọi lân là chất tạo năng lượng cho sự sống của cây.

Khi liên hệ với con người ta thấy người béo thì chịu rét tốt hơn người gầy ốm, trường hợp này vì người béo có lớp mỡ dưới da dày hơn.

 Tuy ví dụ có khác nhau, nhưng đều có một ý nghĩa chung là cơ thể cây hay người khỏe mạnh, năng lượng dồi dào thì sức chống chịu với điều kiện bất thuận của ngoại cảnh tốt hơn là cơ thể gầy yếu.

Có người lại hỏi như vậy tôi bón nhiều đạm để cây lúa xanh hơn, to hơn để chống chịu rét tốt hơn có được không. To béo, không có nghĩa lúc nào cũng đồng nghĩa với khỏe mạnh, đó là một điều chắc chắn. To khỏe đi đôi với cân đối, trong đó có cân đối về vật chất và cân đối về cơ thể.

Khi bón nhiều đạm mà ít các chất khác (lân và kali) thì tế bào lá, bẹ sinh trưởng rất nhanh, nhưng lại chứa nhiều nước, thân lá do đó rất mềm yếu, khi trời rét và đặc biệt có gió mạnh thì nước bị mất rất nhanh, phần nước còn lại trong tế bào dễ bị đong đặc lại làm hại tế bào, gây héo lá.

Khi đạm quá cao mà lân và kali thấp lại càng thiếu năng lượng nên tế bào dễ bị hại, dẫn đến héo rồi chết dễ dàng hơn.

Vì vậy các nhà khoa học khuyến cáo cần bón cân đối giữa các chất N,P và K. Vậy bón cân đối là như thế nào? Người ta dựa vào phân tích tế bào cây để biết cây hút các chất vào trong cây là bao nhiêu và cũng phân tích đất để biết đất có khả năng cung cấp cho cây được bao nhiêu các chất đó.

Kali có nhiệm vụ làm chắc tế bào, tăng khả năng vận chuyển bột đường về bông lúa và làm giảm tác hại khi chất đạm được bón vào nhiều. Kali làm cho tế bào chống đỡ của cây chắc và khỏe hơn. Vì vậy kali cũng có chức năng chống rét cho cây tốt. Khi bạn thiếu kali bạn có thể dùng tro bếp để bón cũng là một giải pháp tốt để chống rét cho cây.

Đồng thời phải làm thí nghiệm để xem hiệu lực của các chất này bón vào cho cây ở các đất khác nhau như thế nào. Nghiên cứu cho thấy rằng để có được 1 tấn thóc, cây lúa lấy đi khoảng 18 - 20 kg chất N, 3 - 5 kg P205 và 18 - 22 kg K20.

Xem ra thì lượng lân cây lấy vào không nhiều, nhưng tại sao vai trò của nó quan trọng như vậy?

Chất lân quan trọng nhiều hay ít, không phụ thuộc vào số lượng hút vào nhiều hay ít mà phụ thuộc vào chức năng sinh lý mà chất đó đảm nhiệm ở trong cây.

Nghiên cứu cũng cho thấy hiệu suất sử dụng chất lân rất thấp, trung bình chỉ dao động từ 15 - 25% mà thôi. Có nghĩa ta bón vào đất 100 kg chất lân thì cây có thể sử dụng được 15 - 25 kg mà thôi.

Mặt khác ta cũng thấy một chất chứa trong cây lúa bắt nguồn không chỉ có do ta bón vào mà có cả do đất cung cấp cho cây. Để duy trì dinh dưỡng (độ phì) của đất thì ta phải bón bù phân vào tương đương lượng dinh dưỡng do cây lấy đi hàng vụ.

Chất nào do cây lấy đi nhiều thì ta bón vào nhiều hơn. Từ đó ta mới có công thức phân bón theo khuyến cáo. Bà con nông dân chỉ cần dựa theo khuyến cáo và dựa theo thực tế đồng ruộng của mình để có quyết định đúng đắn cho cây lúa của bạn.

Lân thì như vậy, nhưng kali do cây lúa hút vào nhiều còn hơn đạm tại sao lượng kali khuyến cáo thường ít hơn đạm? Đó là một phần do hiệu suất sử dụng kali có cao hơn (khoảng 40 - 50%), mặt khác cây có thể hút kali từ đất khá hơn lân.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

1/3 huyện tại Quảng Nam bùng phát dịch tả lợn Châu Phi

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Nam có 6 huyện xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, gồm Hiệp Đức, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước, Đông Giang.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất