| Hotline: 0983.970.780

Tái thiết rừng Quảng Ninh sau bão Yagi: [Bài 3] Kỳ tích rừng vàng Đồng Rui

Thứ Ba 14/01/2025 , 08:45 (GMT+7)

Hơn chục năm qua, các tổ bảo vệ rừng cộng đồng của các thôn trong xã Đồng Rui đã gìn giữ màu xanh, hệ sinh thái của hàng ngàn ha rừng ngập mặn Đồng Rui.

Kỳ tích rừng vàng Đồng Rui 

Dọc theo quốc lộ 18, nơi con sông Ba Chẽ đổ ra biển, khu rừng ngập mặn của xã đảo Đồng Rui, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh là một trong những cánh rừng ngập mặn đẹp nhất ở miền Bắc hiện nay, với diện tích gần 3.000ha, chiếm hơn nửa diện tích đất tự nhiên của xã.

Những cánh rừng ngập mặn cổ thụ ở Đồng Rui. Ảnh: Kiên Trung.

Những cánh rừng ngập mặn cổ thụ ở Đồng Rui. Ảnh: Kiên Trung.

Đồng Rui là vùng đất nằm ở cửa sông, được bồi đắp từ hai dòng sông Ba Chẽ và Mông Dương. Yếu tố địa lợi đã tạo nên cho Đồng Rui những khu rừng ngập mặn đa dạng, phong phú với các loại cây như sú, đước, trang, bần, vẹt… Những giống cây này cứ theo dòng nước, không ngừng sinh sôi nảy nở, tạo nên một hệ sinh thái rừng rậm rạp, phì nhiêu với đủ các loại hải sản giá trị bám thân cây, tán cây để sống.

Đặc biệt, đây còn là nơi cư trú của các loài thủy, hải sản giá trị cao như ngán và cua nổi tiếng ở Quảng Ninh. Theo người dân bản địa, ngán là loài nhuyễn thể ưa sống trong bùn mặn, rất khó để nuôi nhưng giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao gấp 4-5 lần so với các loài nhuyễn thể khác. Cua sống trong rừng ngập mặn cũng có vị đậm đà, thơm ngon hơn cua nuôi thâm canh.

Không chỉ có các loài thủy, hải sản, các loài chim di trú từ phương Bắc như két, ngỗng trời cũng theo về tránh đông, chim bản địa bay về làm tổ. Cứ như vậy, rừng ngập mặn Đồng Rui trở thành "ngôi nhà" khổng lồ cho các loài sinh sống.

Rừng ngập mặn Đồng Rui được hồi sinh nhờ những chính sách giữ rừng hiệu quả. Ảnh: Kiên Trung.

Rừng ngập mặn Đồng Rui được hồi sinh nhờ những chính sách giữ rừng hiệu quả. Ảnh: Kiên Trung.

Rừng ngập mặn Đồng Rui được ví như “lá phổi xanh”, với đa dạng các loại hải sản, không chỉ đem lại giá trị bảo vệ môi trường, mà còn trở thành nguồn sống cho người dân địa phương từ nhiều năm nay.

Theo người dân Đồng Rui, giai đoạn từ năm 1992 đến 1997, phong trào nuôi tôm ở xã nở rộ, hàng ngàn ha rừng bị tàn phá để làm đầm bãi nuôi trồng thủy sản, khai thác cây làm củi đun, đẽo vỏ cây để nhuộm lưới chài, muối hải sản..., khiến cho môi trường bị ô nhiễm, bãi triều tan hoang, xói lở rửa trôi, nguồn lợi hải sản bị cạn kiệt.

Ông Trần Trung Kiên, trưởng thôn Thượng (xã Đồng Rui), chia sẻ: Dân Đồng Rui đa phần là người ở các địa phương khác về đây sinh sống từ năm 1978.

“Người dân chặt sú, vẹt… về làm củi đun, có nhà tích trữ hàng trăm bó củi sú, vẹt... Nhiều người cũng bày tỏ sự đau xót khi chứng kiến khu rừng ngập mặn cứ thế bị xẻ thịt", ông Kiên buồn bã nói.

Đến năm 1998, xác định rừng ngập mặn có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần giảm thiểu thiên tai cho hệ thống đê biển, ổn định cuộc sống của người dân…, quyết tâm hồi sinh những cánh rừng được triển khai.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Rui Ngô Thành Trinh, ngày ấy, nhiều đoàn chuyên gia, cán bộ, nhà khoa học của các tổ chức quốc tế, phi chính phủ, của các cơ quan như ACTMANG (Nhật Bản), Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên - Môi trường) đã dành nhiều thời gian nghiên cứu và hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật cùng với địa phương.

Những cánh rừng ngập mặn có tuổi đời hàng chục năm ở Đồng Rui...

Những cánh rừng ngập mặn có tuổi đời hàng chục năm ở Đồng Rui...

Hệ sinh thái dưới tán rừng ngập mặn Đồng Rui, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Kiên Trung.

Hệ sinh thái dưới tán rừng ngập mặn Đồng Rui, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Kiên Trung.

Các lớp tập huấn, hội thảo, tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân và năng lực quản lý cho cán bộ từ xã đến thôn để bảo vệ các diện tích rừng còn lại và trồng mới, trồng dặm rừng trên những diện tích bãi trống và những đầm bỏ hoang.

Nhờ đó, tình trạng đắp đầm nuôi tôm, chặt phá rừng đã chấm dứt hoàn toàn. Cùng với đó là hơn 1.300ha rừng ngập mặn được trồng tại xã Đồng Rui và hàng trăm ha được trồng tại các xã trên địa bàn huyện Tiên Yên.

100% diện tích rừng ngập mặn tự nhiên hiện có và mới trồng trên địa bàn xã được phục hồi quản lý, bảo vệ, phát triển tốt, môi trường được cải thiện, các nguồn lợi thuỷ sản trước đây bị cạn kiệt thì nay đã được hồi sinh, tăng nguồn thu nhập nâng cao đời sống cho cộng đồng; môi trường cũng được cải thiện đáng kể.

Đến nay, diện tích rừng phòng hộ ven biển của xã Đồng Rui đã tăng lên gần 3.000ha. Rừng ngập mặn đã trở thành vành đai xanh, là lá chắn quan trọng bảo vệ hệ thống đê biển cũng như tính mạng, tài sản của người dân xã Đồng Rui.

Tổ bảo vệ rừng cộng đồng

Để bảo vệ những cánh rừng, hơn chục năm trước tại Đồng Rui, các tổ quản lý rừng ngập mặn của các thôn đã được thành lập, ban đầu chỉ 5 người, nay đã tăng lên 10 người/tổ, có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng kiểm lâm tuần tra kiểm soát và nhắc nhở bà con bảo vệ rừng.

Ông Trần Trung Kiên, trưởng thôn Thượng, giữ vai trò tổ trưởng tổ bảo vệ rừng thôn Thượng (xã Đồng Rui). Ảnh: Kiên Trung.

Ông Trần Trung Kiên, trưởng thôn Thượng, giữ vai trò tổ trưởng tổ bảo vệ rừng thôn Thượng (xã Đồng Rui). Ảnh: Kiên Trung.

“Phải mất 3 năm, tình trạng chặt phá rừng ngập mặn mới biến mất hoàn toàn. Thời gian đầu khi bắt tay vào công tác bảo vệ rừng, trong các cuộc họp, chúng tôi đã đưa ra quy định là cây chết thì mới được chặt. Tuy nhiên, nhiều nhà vẫn còn tình trạng ra chặt để cho cây chết rồi mấy hôm sau mới mang về. Chính vì vậy, ban đầu, chúng tôi ra quy chế là cứ chặt 1 cây thì phạt 50.000 đồng, sau để tăng tính răn đe, mức phạt đã nâng lên thành 200.000 đồng/cây”, trưởng thôn Thượng Trần Trung Kiên cho biết.

Rừng rộng mênh mông, chỉ vài người trong tổ chắc chắn là không đủ. Nhưng rừng vẫn được bảo vệ, vẫn tiếp tục sinh trưởng tốt vì đằng sau đó, bên cạnh những thành viên của tổ bảo vệ rừng chính là người dân, những người gắn bó và sinh sống hàng ngày dưới tán rừng.

“Ngày nào chúng tôi cũng làm việc, bất kể ngày đêm, có thể đi đột xuất khi có tin báo để kiểm tra. Nếu kiểm tra mà thông báo trước thì những người có ý đồ xấu sẽ biết mà tránh. Kinh phí trông nom tùy theo từng năm. Trước được 40 triệu nhưng chúng tôi không lấy đồng nào, thời gian gần đây thì chi phí trông nom được tăng lên 100 triệu/năm. Chúng tôi chia cho mọi người trong tổ, mỗi người 3 triệu”, ông Kiên chia sẻ.

Nắng vàng hanh hao những ngày cuối năm dường như xua tan giá rét của cái lạnh mùa đông. Từ trên tuyến đê bao quanh xã đảo nhìn xuống, dưới tán rừng ngập mặn, bóng những người phụ nữ trung niên đương cần mẫn đào con ngao, con ngán hay bắt cua về bán cho thương lái.

Bà Nguyễn Thị Tuyết (thôn Hạ, xã Đồng Rui) phấn khởi cho biết, tranh thủ ngày nông nhàn, bà con đi cào ngao, ngán. “Dụng cụ đơn giản lắm, chỉ cần một chiếc cuốc nhỏ và 1 thùng sơn cũ để đựng ngao là được. Ngao giá khoảng 10.000 đồng/kg, mỗi ngày đào được 10-15kg cũng có thêm thu nhập”. Vừa kể chuyện, bà Tuyết vừa thoăn thoắt đào ngao. Chẳng mấy chốc được một xô đầy. Con to bà giữ lại, con nhỏ bà thả về môi trường cho chúng phát triển.

Người dân tham gia trồng mới rừng ngập mặn tại Đồng Rui.

Người dân tham gia trồng mới rừng ngập mặn tại Đồng Rui.

Với sự chung tay của cộng đồng, người dân, rừng Đồng Rui ngày càng được mở rộng, tạo nên hệ sinh thái bền vững. Ảnh: Nguyễn Thành.

Với sự chung tay của cộng đồng, người dân, rừng Đồng Rui ngày càng được mở rộng, tạo nên hệ sinh thái bền vững. Ảnh: Nguyễn Thành.

Không chỉ bà Tuyết, hầu hết người già, phụ nữ, trẻ em trong thôn, ai cũng có thể kiếm sống từ rừng ngập mặn. Rừng ngập mặn Đồng Rui mang đến những “món quà của biển” để nuôi sống người dân nơi đây.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Rui, rừng ngập mặn là nơi trú ngụ, sinh sản và phát triển của rất nhiều loại thủy, hải sản quý hiếm có giá trị kinh tế cao kể cả mặt nước và tầng đáy. Rừng đã mang lại nguồn lợi vô cùng to lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng. Tuy nhiên, về sinh kế lâu dài, cần tính toán phát triển dịch vụ du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái gắn với bảo vệ rừng.

“Địa phương mong muốn lãnh đạo tỉnh và huyện Tiên Yên quan tâm hơn nữa, là cầu nối để giới thiệu các doanh nghiệp uy tín đến khảo sát, đầu tư du lịch, dịch vụ một cách bài bản và chuyên nghiệp. Trong đó đầu tư hạ tầng cơ sở du lịch, tổ chức các lớp tập huấn cho người dân. Đồng thời, có các chính sách hỗ trợ nhân giống những loại thủy sản có giá trị, phục vụ cho dịch vụ du lịch tại địa phương. Có như vậy, rừng ngập mặn mới phát triển và mang đến những giá trị bền vững”, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Rui Ngô Thành Trinh.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tái thiết rừng Quảng Ninh sau bão Yagi: [Bài 1] Chờ chính sách để hồi sinh

Hơn 3 tháng bão Yagi đi qua, những cánh rừng tan hoang ở Quảng Ninh vẫn chết khô, chờ chính sách để được tái sinh, trồng mới.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.