| Hotline: 0983.970.780

Tái thiết rừng Quảng Ninh sau bão Yagi: [Bài 2] Bán gỗ tận thu cũng gặp khó

Thứ Bảy 11/01/2025 , 09:51 (GMT+7)

Thủ tục thanh lý rừng đổ gãy chậm trễ không chỉ gây khó khăn do không có mặt bằng trồng rừng mới mà còn dẫn tới nguy cơ cháy rừng do cây bị khô, đổ...

Xưởng băm dăm gỗ của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hoành Bồ. Ảnh: Kiên Trung.

Xưởng băm dăm gỗ của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hoành Bồ. Ảnh: Kiên Trung.

Giá thu mua lâm sản thấp kỷ lục

Dọc theo tỉnh lộ 234, QL 279, QL18 kéo dài từ Hạ Long đi Vân Đồn, lên các vùng miền núi Hoành Bồ, Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu…, những cánh rừng gãy đổ vẫn còn nguyên trạng. Trong khoảng 120.000ha rừng bị thiệt hại thì có tới gần 78.000ha là rừng của các hộ gia đình, cá nhân. Đối với các hộ cá thể, việc khắc phục rừng lại gặp những khó khăn ngay từ khâu kiểm đếm thiệt hại.

Theo quy định của Bộ NN-PTNT, với mỗi ha rừng sẽ phải khoanh một ô tiêu chuẩn (khoảng 100m2) để tiến hành đo GPRS, kèm theo đó, sẽ phải có cán bộ địa chính của các xã, phường đi cùng. Trung bình thao tác kiểm đếm thiệt hại cho 1ha rừng sẽ mất khoảng 30-60 phút, chưa tính thời gian di chuyển đến địa điểm để đo đạc và những ngày thời tiết xấu.

Bài liên quan

Với cách thức này, nhiều địa phương tính toán, trung bình 1.000ha rừng thiệt hại thì sẽ mất hàng tháng mới kiểm đếm, lập hồ sơ xong. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc tận thu rừng của người dân. Vì càng để lâu, gỗ càng khô và nguy cơ cháy rừng càng lớn.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Vũ Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đồng Lâm (TP. Hạ Long), cho biết: Trước thực tế này, để xác nhận ô tiêu chuẩn cần có những giải pháp linh hoạt như có thể dùng phương pháp trực quan và ghi nhận hình ảnh để đẩy nhanh quá trình thống kê, kiểm đếm, lập hồ sơ, tạo điều kiện cho các hộ dân sớm được tận thu rừng.

Theo ông Tuấn, Đồng Lâm là xã miền núi có địa hình khó khăn. Cán bộ địa chính, kiểm đếm mất hàng giờ cuốc bộ để lên tới hiện trường. Ngoài ra, có những hộ trồng rừng phân tán, không tập trung nên mất rất nhiều thời gian, nhân lực cho công tác này. Trong khi đó, theo quy định, nếu không có hình ảnh thực tế, hiện trường… thì sẽ không có đủ cơ sở để xác lập biên bản hiện trạng.

Những ngày cuối năm, xuống Quảng Ninh, bên cạnh hình ảnh những khu rừng gãy đổ bạt ngàn chưa được dọn dẹp là hình ảnh những bãi tập kết gỗ chất cao như núi để chờ băm dăm. Đây là các xưởng băm dăm đứng ra thu mua gỗ tận thu từ rừng gãy đổ sau bão số 3. Số lượng quá lớn dẫn tới giá thành bán gỗ giảm, càng thêm khó khăn cho người trồng rừng.

Sau bão số 3, diện tích rừng bị gãy đổ ở Quảng Ninh rất lớn khiến các cơ sở thu mua gỗ băm dăm cũng giảm giá mua, làm các chủ rừng thêm khó khăn. Ảnh: K.Trung.

Sau bão số 3, diện tích rừng bị gãy đổ ở Quảng Ninh rất lớn khiến các cơ sở thu mua gỗ băm dăm cũng giảm giá mua, làm các chủ rừng thêm khó khăn. Ảnh: K.Trung.

Chủ một xưởng thu mua gỗ băm dăm tại Hoành Bồ cho hay: Do chất lượng gỗ tận thu chưa đạt tiêu chuẩn, các rừng keo 6-7 năm tuổi giá thu mua chỉ ở mức 750-800 ngàn đồng/khối dù trước bão là trên 1 triệu đồng/khối. Thêm vào đó là chi phí về nhân công, cước vận chuyển gia tăng và khan hiếm về phương tiện vận chuyển; thậm chí, nhiều xưởng băm dăm gỗ còn không mua do không có chỗ tích trữ.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Bông cho biết: Đối với rừng được trồng từ các nguồn vốn ngân sách Nhà nước và vốn trồng rừng thay thế mà thiệt hại do cơn bão từ 70% trở lên, cùng với những cơ chế hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh đang triển khai, đơn vị đang tham mưu cho cấp trên đề nghị Bộ NN-PTNT và Chính phủ khẩn trương ban hành quy định về thanh lý rừng. Ngoài ra, kiến nghị cho phép các đơn vị được phép tổ chức khai thác tận thu ngay để đảm bảo giá trị lâm sản trong thời gian chờ ban hành quy định thanh lý rừng.

Với những rừng trồng của hộ gia đình, cá nhân bị thiệt hại trên 70% thì sẽ được hỗ trợ 4 triệu/ha; rừng bị thiệt hại từ 30-70% thì được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha.

Gỡ khó cơ chế để nhanh chóng tái thiết rừng

Trước những khó khăn về cơ chế và khách quan, tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ xử lý tận thu cây gãy đổ, vệ sinh môi trường rừng, từ đó nhanh chóng sắp xếp, trồng rừng mới thay thế. Tuy nhiên, tất cả vẫn còn nằm trên giấy.

Ngày 10/10/2024, người đứng đầu UBND tỉnh Quảng Ninh, khi đó là ông Cao Tường Huy, chủ trì họp với các công ty lâm nghiệp để nghe, rà soát, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn sau bão số 3.

Tại Quảng Ninh, mới chỉ có các hộ dân nhận khoán trồng rừng trồng mới theo kiểu tự phát, nhỏ lẻ do không thuộc đối tượng chờ thủ tục thanh lý lâm sản.

Tại Quảng Ninh, mới chỉ có các hộ dân nhận khoán trồng rừng trồng mới theo kiểu tự phát, nhỏ lẻ do không thuộc đối tượng chờ thủ tục thanh lý lâm sản.

Tại cuộc họp, đại diện các công ty lâm nghiệp đề nghị UBND tỉnh kịp thời có các chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, sớm có phương án xử lý hiện trường nhằm ngăn chặn cháy rừng; triển khai các giải pháp hỗ trợ nguồn lực về vốn, thực hiện khoanh, hoãn, giãn nợ, các chính sách ưu đãi để tái đầu tư, khôi phục sản xuất, đảm bảo trồng lại rừng cho kịp mùa vụ; định hướng chuyển đổi cơ cấu lại các loại cây trồng, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế tại từng khu vực; ưu tiên trồng cây đa tác dụng, có khả năng chống chịu gió bão, sâu bệnh; cây sinh trưởng, phát triển tốt, có khả năng thích nghi với môi trường và các điều kiện lập địa khắc nghiệt; trồng rừng hỗn loài, đa tầng tán…

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Trong tổng số 25.000 tỷ đồng Quảng Ninh bị thiệt hại sau bão, thiệt hại ở lâm nghiệp là lớn nhất. Trong đó, các công ty lâm nghiệp thiệt hại chiếm hơn 30% tổng thiệt hại lâm nghiệp của tỉnh.

Ngay sau bão, tỉnh đã có nhiều giải pháp chỉ đạo để ngành lâm nghiệp khắc phục thiệt hại như thực hiện thống kê, báo cáo Chính phủ hướng dẫn hỗ trợ; chỉ đạo xây dựng Đề án quy hoạch lại 3 loại rừng; kết nối các đơn vị công nghệ, phát triển rừng để tìm hiểu, nghiên cứu, bàn giải pháp tái cơ cấu loại cây trồng trong phát triển lâm nghiệp…

Trong quá trình đang chờ chỉ đạo, hướng dẫn từ Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị, với vai trò tiên phong, định hướng phát triển lâm nghiệp, các công ty lâm nghiệp cần thực hiện ngay việc thống kê, rà soát, triển khai cấp bách các giải pháp bảo vệ, phòng chống cháy rừng.

Hiện tại, các chủ trồng rừng sản xuất mới chủ động trồng mới, trồng dặm, chăm sóc diện tích rừng mới trồng bị gãy đổ, bật gốc sau bão.

Những vướng mắc về chính sách đang chờ hướng dẫn khiến công tác phục hồi rừng do thiên tai ở Quảng Ninh tiến hành rất chậm chạp. Ảnh: Nguyễn Thành.

Những vướng mắc về chính sách đang chờ hướng dẫn khiến công tác phục hồi rừng do thiên tai ở Quảng Ninh tiến hành rất chậm chạp. Ảnh: Nguyễn Thành.

Sau cuộc họp, ngày 16/10/2024, Sở NN-PTNT Quảng Ninh tiếp tục có văn bản gửi các đơn vị chủ rừng: Công ty TNHH MV Lâm nghiệp; BQL Rừng đặc dụng, phòng hộ; Đoàn kinh tế quốc phòng 327; BQL di tích và rừng quốc gia Yên Tử về việc rà soát hồ sơ trồng rừng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Trong khi chờ đợi hướng dẫn từ Trung ương, những cánh rừng tan hoang sau bão ở Quảng Ninh tiếp tục khô héo, nguy cơ cháy rừng mùa hanh khô càng trở nên báo động. Và, không còn là cảnh báo, ngày 18/12/2024 vừa qua, rừng thông 40 năm tuổi ngay cửa ngõ TP. Hạ Long, sau 3 tháng phơi mưa nắng đã trở thành củi khô, bốc cháy dữ dội.

Với những diễn tiến khắc phục lâm nghiệp gãy đổ sau bão chậm chạp, thụ động như đang diễn ra ở Quảng Ninh, việc tái thiết, trồng mới những cánh rừng vào đầu mùa trồng rừng sau Tết Nguyên đán  sắp tới, có lẽ khó đạt được kế hoạch!

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tái thiết rừng Quảng Ninh sau bão Yagi: [Bài 1] Chờ chính sách để hồi sinh

Hơn 3 tháng bão Yagi đi qua, những cánh rừng tan hoang ở Quảng Ninh vẫn chết khô, chờ chính sách để được tái sinh, trồng mới.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.