| Hotline: 0983.970.780

Tài xế trả 2.000 đồng, buộc xả trạm BOT T2

Thứ Sáu 24/05/2019 , 13:28 (GMT+7)

Nhiều ngày qua hàng trăm tài xế đồng loạt đậu ôtô tại trạm BOT T2 (đặt trên QL 91, thuộc quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) đi từ An Giang về Cần Thơ và ngược lại để phản ứng vì việc thu phí bất hợp lý trạm BOT T2. 

Trạm BOT T2 đã phải xả từ 3 - 5 lần/ngày vì ùn ứ giao thông.

Theo ghi nhận của PV NNVN, trạm BOT T2 đã phải xả từ 3 - 5 lần/ngày vì ùn ứ giao thông.

Theo các tài xế, từ khi cầu Vàm Cống vừa thông xe chưa được tuần nay nhưng cầu này được sử dụng miễn phí nên những xe ôtô, tải, container từ An Giang rẽ ra ngã ba Lộ Tẻ để qua cầu về hướng Cao Lãnh (Đồng Tháp) hay đi TP HCM và ngược lại nhưng phải trả phí toàn tuyến BOT T2 trên QL91, dù các tài xế chỉ sử dụng khoảng 300m của dự án này nhưng phải qua trạm trả phí đầy đủ.

Tài xế tên L.V.T ở TP. Long Xuyên - An Giang đi qua trạm BOT T2 bức xúc nói: Cầu Vàm Cống khánh thành chúng tôi rất mừng vì không còn tình trạng kẹt phà, nhưng qua trạm này phải mất 35 ngàn đồng trong chỉ sử dụng có khoảng 150m đường. Trạm này đặt sai vị trí để tận thu tiền. Nhiều tài xế cho rằng phải dời trạm về đúng vị trí của nó.

Theo các tài xế, trạm T2 nằm ngay nút giao của QL 80 (ngã ba Lộ Tẻ) từ Kiên Giang lên. Phương tiện từ QL 80 đi vào TP. Long Xuyên (An Giang) bắt buộc phải qua trạm BOT T2 và mua vé dù chỉ sử dụng một đoạn đường ngắn. Ở chiều ngược lại, phương tiện từ TP HCM qua cầu Vàm Cống về An Giang hoặc phương tiện ở An Giang muốn ra QL 80 đến Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) đi về Rạch Giá (Kiên Giang) cũng phải mua vé cho toàn tuyến đường nâng cấp là không hợp lý. 

Các xe từ An Giang qua trạm BOT T2 mua vé 2.000 đồng.

Trước phản ứng trên, lực lượng Công an và Thanh tra giao thông túc trực, đảm bảo công tác an ninh trật tự, điều tiết, phân luồng các phương tiện để tránh xảy ra ùn tắc nên trạm BOT T2 phải xả trạm 3-5 lần/ngày.

Sáng ngày 23/5, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cùng với lãnh đạo Sở GTVT TP.Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Cty CP đầu tư QL 91 Cần Thơ - An Giang tổ chức cuộc họp tại UBND quận Thốt Nốt để ghi nhận ý kiến, xử lý vấn đề tại BOT T2.

Ông Nguyễn Việt Trí, GĐ Sở GTVT An Giang, khẳng định: Việc đặt trạm BOT T2 như hiện nay trên QL 91 đã liên tục gặp phản ứng của Hiệp hội vận tải, doanh nghiệp và tài xế. Tỉnh kiến nghị cần phải có giải pháp hợp lý đối với việc thu phí hiện nay cho các phương tiện từ An Giang đến ngã ba Lộ Tẻ vào QL 80 hoặc lên cầu Vàm Cống.

Theo ông Trí phân tích và đề xuất, tài xế chỉ sử dụng đoạn đường rất ngắn chưa đến 300m nhưng phải đóng phí toàn tuyến là không hợp lý. Những xe từ hướng Kiên Giang, cầu Vàm Cống rẽ xuống vào An Giang cần được phát thẻ.

Cụ thể tài xế đến trạm BOT T2 trả thẻ và mua vé 2.000 đồng qua trạm, tương đương với tuyến đường 300m dự án nâng cấp QL 91. Các xe từ An Giang qua trạm BOT T2 thì mua vé 2.000 đồng, nếu đi lên cầu Vàm Cống và về Kiên Giang thì không cần phải mua nữa, còn xuống đến trạm BOT T1 đặt tại quận Ô Môn (TP Cần Thơ) thì tiếp tục mua vé 33.000 đồng là đủ 35.000 đồng cho chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Việt Trí, GĐ Sở GTVT An Giang

Theo GĐ Sở GTVT An Giang, nếu chủ đầu tư sợ thất thu thì tất cả xe của An Giang qua trạm đều phải mua vé 35.000 đồng. Xe nào rẽ vào QL80 đi Kiên Giang hoặc lên cầu Vàm Cống thì chủ đầu tư trả lại 33.000 đồng. Lãnh đạo Sở GT-VT tỉnh An Giang còn phân tích, vấn đề thu phí tại trạm BOT T2 đã đặt ra từ lâu và xử lý bằng phương pháp miễn giảm nhưng chỉ phù hợp với tình hình trước khi cầu Vàm Cống chưa khánh thành, vì chỉ có xe An Giang và Kiên Giang qua trạm. Còn hiện nay, cầu Vàm Cống đã thông xe, phương tiện từ các tỉnh, thành đến An Giang đều phải qua trạm BOT T2.

Ông Nguyễn Văn Khang - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cty CP đầu tư QL 91 Cần Thơ - An Giang cho biết: Dự án thu phí từ năm 2016 và đến đầu năm 2018 thì gặp sự phản ứng của người dân di chuyển trong cự ly ngắn. Chính phủ và Bộ GTVT đã chỉ đạo Cty xem xét phối hợp với địa phương miễn giảm hơn 10.000 xe của tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP.Cần Thơ.

“Các đề xuất của tỉnh An Giang và đại biểu được Tổng cục Đường bộ ghi nhận, báo cáo về Bộ GTVT. Vấn đề này không thuộc về thẩm quyền của chủ đầu tư dự án. Chủ đầu tư mong muốn Bộ GTVT, Chính phủ và chính quyền địa phương hỗ trợ, đảm bảo tính khả thi của dự án”, ông Khang nói.

Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp QL91 và 91B theo hình thức BOT với vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng. Dự án có BOT T2 trạm thu phí là BOT T1 đặt tại quận Ô Môn và trạm BOT T2 tại quận Thốt Nốt. Tài xế sử dụng tuyến QL 91 và 91B từ Cần Thơ đi An Giang, nếu mua vé tại trạm BOT T1 thì sử dụng chính vé này qua trạm BOT T2 và ngược lại. Hai trạm này hoạt động vào năm 2016, với mức thu phí ôtô từ 35.000 – 200.000 đồng/lượt tùy vào phương tiện.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất