Làng biển Tiến Thủy ảm đảm sau biến cố lớn. |
Những cơn mưa đến muộn không đủ để làm dịu mát lòng người Tiến Thủy (Quỳnh Lưu, Nghệ An), phần nào đó còn khiến không khí thêm phần buồn thảm.
Đã 6 ngày trôi qua kể từ khi tàu cá mang số hiệu NA-95899-TS của thuyền trưởng Hồ Bá Lâm gặp tai nạn thảm khốc ở khu vực lân cận đảo Bạch Long Vỹ, công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích vẫn vô cùng chậm chạp và không cho thấy tín hiệu khởi sắc.
Người thân của thuyền viên Nguyễn Văn Mạnh đau xót. |
Trao đổi với PV NNVN ông Bùi Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Thủy bùi ngùi cho biết: “Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên phần lớn phương tiện đánh bắt đã lên đường trở về đất liền, chúng tôi vừa làm thủ tục tiếp nhận 7 thuyền viên may mắn được cứu sống của tàu NA-95899-TS ngay tức thì".
Trước đó, theo thông tin báo về có 2 đội lặn được Cty CP Vận tải và Thương mại quốc tế (chủ tàu Pacific 01) tiến hành thuê để tìm kiếm tàu cá bị đâm chìm. Trong đó tốp từ miền Nam đã tiếp cận hiện trường vào khoảng 20h ngày 1/7, tốp 2 từ Hà Tĩnh chạy ra, đến 7h sáng 2/7 vẫn cách địa điểm tai nạn chừng 40 hải lý.
Bước đầu tốp thợ phát hiện thấy một phần hệ thống lưới vây của tàu cá nhưng rất khó trục vớt lên. Càng lúc thời tiết càng chuyển biến khó lường, sóng to gió lớn kéo đến liên hồi khiến công tác tìm kiếm chẳng khác nào mò kim đáy bể. Lo ngại hiểm họa khôn lường có thể xảy đến, quá trình tìm kiếm buộc phải tạm dừng.
Con trai 3 tháng tuổi chưa cảm nhận được nỗi đau vắng bóng cha. |
Theo Phó Chủ tịch Bùi Ngọc Phúc, nghề biển là thế mạnh của xã Tiến Thủy xưa nay, hiện tỷ lệ đi biển chiếm trên 60%. Cánh đàn ông, thanh niên sức dài vai rộng là trụ cột chính. Bởi thế khi xảy ra biến cố thì kéo theo muôn vàn hệ lụy, khiến nhiều gia đình điêu đứng.
Tiếng là “cổ đông” nhưng phần lớn các hộ đều phải huy động kinh phí từ ngân hàng mới đủ sức gồng gánh, có điều kết quả đánh bắt èo uột khiến tình hình ngày một bết bát. Nay đại họa “từ trên trời rơi xuống” thì quả thực lực bất tòng tâm.
Vẫn biết “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” nhưng lúc này thân nhân của các thuyền viên xấu số đang chung một nỗi đau khó diễn tả hết bằng lời. Trong số này có gia đình mất đến 4 người thân thích, có trường hợp vợ đang bụng mang dạ chửa, có người con mới 3 tháng tuổi. Thực tình quá cám cảnh.
Bà nội ở tuổi 86, khắc khoải nhớ thương cháu. |
Biến cố xảy ra giữa biển cả bao la, trong khi những người trên tàu chẳng kịp phòng bị thành thử khả năng sống sót của tất cả 9 ngư dân mất tích hệt như chỉ mành treo chuông. Kết hợp với yếu tố bất thuận của thời tiết, tia hi vọng càng leo lét hơn.
Với thâm niên trên ba mươi năm trong nghề, nắm rõ quy luật biển cả hơn lòng bàn tay, ông Nguyễn Ngọc Thủy (trú thôn Phong Thái, bố của thuyền viên Nguyễn Văn Mạnh) hiểu hơn ai hết thực tế lúc này: “Chúng tôi mong mỏi các đơn vị liên quan đẩy nhanh phương án tìm kiếm để sớm đưa cháu nó lành lặn trở về. Biển cả mênh mông, lạnh lẽo lắm, phận làm cha làm mẹ chịu sao thấu”.
Từ khi tiếp nhận tin dữ, mẹ của Mạnh, bà Nguyễn Thị Lan đờ đẫn như người mất hồn, ai nói gì cũng mặc, chốc chốc lại gào tên con thảm thiết. Chung tâm trạng, bà cố nội của Mạnh tuổi đã ngoài 80 cũng chẳng thiết ăn, thiết uống suốt mấy ngày qua, bất thần lại hướng cặp mắt mờ đục về phía cửa như thể đứa cháu bạc mệnh đã trở về.
Với thâm niên nhiều năm trong nghề, ông Thủy hiểu cơ hội sống sót của con mình hệt như mành chỉ treo chuông. |
SN 1995, tuổi đời còn rất trẻ nhưng Nguyễn Văn Mạnh đã là chỗ dựa kinh tế cho cả nhà suốt thời gian qua. Mạnh lập gia đình năm 2018, ba tháng trước cả gia đình hoan hỉ tột cùng khi vợ Mạnh sinh hạ cháu trai đầu lòng, đặt tên là Nguyễn Bình An. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, chưa được bao lâu thì tai họa đã ập đến...
Ngược thời gian, cách đây 32 năm làng biển Tiến Thủy cũng từng đối diện với thời khắc kinh hoàng. Lúc bấy giờ ngư dân dùng thuyền nhỡ chở than ra Bắc kiếm lời. Khi di chuyển đến địa phận Quảng Ninh thì gặp sự cố, mọi việc diễn ra chóng vánh khiến tất cả không kịp trở tay, toàn bộ 8 thuyền viên đều chết mất dạng. Đây thực sự là nỗi đau khó phai nhòa, bởi với người dân đất biển dù đau thương, mất mát đến đâu nhưng "chết đi phải hòa vào đất mẹ". |