Khi mùa đông đến gần và thời gian ban ngày ngắn lại, những người dễ bị trầm cảm theo mùa (SAD) có thể cảm nhận được điều đó trong cơ thể và não bộ của họ. “Đó là cảm giác hoảng loạn, sợ hãi, lo lắng và kinh hoàng cùng một lúc”, Germaine Pataki, 63 tuổi, ở Saskatoon, tỉnh Saskatchewan, phía Nam Canada cho biết.
Bà Pataki nằm trong số hàng triệu người được ước tính mắc chứng rối loạn cảm xúc theo mùa. Từ nhiều năm nay, bà đã cố gắng chống chọi với căn bệnh bằng cách tập yoga, đi bộ và uống thuốc chống trầm cảm. Cô cũng là thành viên của một nhóm Facebook dành cho những người mắc SAD.
“Tôi cố gắng tập trung vào việc giúp đỡ người khác vượt qua nó. Điều này giúp tôi sống có mục đích hơn,” bà Pataki nói.
Những người mắc trầm cảm theo mùa thường bắt đầu cảm thấy sự thay đổi từ mùa thu và giảm dần vào mùa xuân hoặc hè. Một dạng nhẹ hơn, hiếm gặp hơn, được các chuyên gia y tế công nhận, xảy ra vào mùa hè.
Năm 1984, một nhóm nghiên cứu do TS Norman Rosenthal, khi đó là chuyên gia tại Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, dẫn đầu, lần đầu tiên mô tả SAD và đặt ra thuật ngữ "trầm cảm theo mùa".
Nguyên nhân gây ra trầm cảm theo mùa là do sự thay đổi từ những tế bào chuyên biệt trong mắt người. Chúng chuyển bước sóng màu xanh của quang phổ ánh sáng thành tín hiệu thần kinh ảnh hưởng đến tâm trạng và sự tỉnh táo.
Ánh sáng mặt trời chứa nhiều ánh sáng xanh. Vì vậy khi các tế bào hấp thụ ánh sáng này, các trung tâm cảnh giác của não sẽ được kích hoạt và chúng ta sẽ cảm thấy tỉnh táo hơn, thậm chí có thể vui vẻ hơn.
Nhà nghiên cứu Kathryn Roecklein tại Đại học Pittsburgh, Hoa Kỳ đã thử nghiệm với những người mắc và không mắc SAD để xem mắt họ phản ứng thế nào với ánh sáng xanh. Nhìn chung, những người mắc SAD ít nhạy cảm với ánh sáng xanh hơn những người khác, đặc biệt là trong những tháng mùa đông. Điều đó càng ủng hộ cho nhận định trên.
Roecklein cho biết: “Vào mùa đông, khi mức độ ánh sáng giảm xuống, kết hợp với độ nhạy sáng thấp hơn, có thể quá thấp để mắt một số người hoạt động bình thường, dẫn đến trầm cảm”.
Miriam Cherry, 50 tuổi, ở Larchmont, New York, cho biết bà đã dành cả mùa hè để lên kế hoạch đối phó với chứng trầm cảm mùa đông của mình. "Nó giống như một chiếc đồng hồ vậy. Ánh sáng mặt trời yếu. Ban ngày kết thúc vào khoảng 17h và đột nhiên tâm trạng của tôi trở nên tồi tệ", bà nhớ lại.
TS Paul Desan, Phòng khám nghiên cứu trầm cảm mùa đông, Đại học Yale, Hoa Kỳ cho biết nhiều người mắc chứng SAD phản ứng với liệu pháp ánh sáng.
“Yếu tố đầu tiên cần thử là ánh sáng. Khi chúng tôi cho bệnh nhân tiếp xúc với ánh sáng mạnh trong khoảng nửa giờ mỗi buổi sáng, phần lớn bệnh nhân sẽ khỏe hơn đáng kể. Chúng tôi thậm chí không cần dùng thuốc”, ông bày tỏ.
Liệu pháp này sử dụng các thiết bị phát ra ánh sáng mạnh hơn khoảng 20 lần so với ánh sáng thông thường trong nhà.
Nghiên cứu ủng hộ việc sử dụng đèn có độ sáng khoảng 10.000 lux (gấp khoảng 10-20 lần so với cường độ sáng tại văn phòng làm việc thông thường). Theo đó, những người bị SAD được khuyến cáo sử dụng đèn khoảng 30 phút mỗi sáng.
Bên cạnh liệu pháp ánh sáng, có thể mất dần khi người dùng ngừng sử dụng, các nhà khoa học còn đưa ra một phương án nữa là liệu pháp trò chuyện (liệu pháp hành vi nhận thức).
Nhà nghiên cứu Kelly Rohan của Đại học Vermont, Hoa Kỳ cho biết, liệu pháp này hướng đến việc trò chuyện với bác sĩ để thay đổi những suy nghĩ tiêu cực. Chẳng hạn, thay vì nghĩ rằng "ghét mùa đông", người bệnh được khuyến cáo là suy nghĩ "thích mùa hè hơn mùa đông".
Ngoài việc đến gặp bác sĩ định kỳ, người bệnh có thể thực hiện những biện pháp giản đơn hơn để vui vẻ trở lại, thoát khỏi chế độ "ngủ đông" như ra ngoài mua sắm, dạo phố, hoặc hẹn bạn bè đi uống cà phê.
Những người mắc chứng SAD sẽ có nửa năm để xây dựng chiến lược đối phó cho riêng mình, từ đó tìm ra những biện pháp thực sự hiệu quả với bản thân, dựa trên tư vấn.
Elizabeth Wescott, 69 tuổi, ở Folsom, California, Hoa Kỳ tin rằng tắm tương phản nóng lạnh thực sự hữu hiệu với bà. Đây là liệu pháp nước, lấy từ kinh nghiệm của y học thể thao, bao gồm việc luân phiên sử dụng nước nóng và nước lạnh trong khi tắm. Bà cũng đồng thời sử dụng liệu pháp ánh sáng và uống thuốc chống trầm cảm. “Tôi luôn tìm kiếm những công cụ mới”, bà tâm sự.
Trong khi đó, bà Cherry, New York đã dành một góc vườn của mình để trồng những loại hoa nở sớm vào mùa xuân (khoảng đầu tháng 2). “Với tôi, đó sẽ là dấu hiệu cho thấy tình hình ảm đạm sẽ không kéo dài mãi. Mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn và mùa xuân đang đến”, bà bày tỏ.
Đa số những bệnh nhân cao tuổi được khuyên uống thuốc chống trầm cảm. Các bác sĩ cũng đề nghị người bệnh nên duy trì lịch trình ngủ đều đặn và đi bộ bên ngoài, ngay cả trong những ngày nhiều mây.