| Hotline: 0983.970.780

Tan hoang vựa bưởi Phúc Trạch sau lũ, người dân khóc hết nước mắt

Thứ Tư 02/11/2016 , 13:15 (GMT+7)

Cơn “đại đồng thủy” đã đi qua nhưng hậu quả để lại rất nặng nề. Ngày chúng tôi trở lại các xã được mệnh danh là vựa bưởi Phúc Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), nhiều người dân ngồi bệt bên những gốc cây có tuổi thọ hàng chục năm bị nước lũ "hạ gục", khóc ròng: “Thế là hết kế sinh nhai...”.

18-00-29_1
Những vườn bưởi Phúc Trạch mất trắng do lũ
 

Xã Hương Trạch là một trong những địa phương có diện tích bưởi bị thiệt hại nặng nề nhất huyện Hương Khê với 60ha (tương đương 2,4 vạn cây) hư hỏng hoàn toàn.

Đứng giữa vườn bưởi của người dân các xóm Phù Lễ, Phù Lập chẳng ai có thể hình dung trước đó khoảng 1 tháng hàng vạn cây bưởi nặng trĩu cành, thương lái vào thu mua ầm ầm, người dân đút túi hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng.

Bây giờ, cảnh tượng phổ biến là những cây bưởi có tuổi thọ 10 - 15 năm bật gốc, đổ ngã hàng loạt, hàng trăm cây khác bị cuốn mất dấu vết, trắng cả một vùng, điều đó cũng đồng nghĩa với việc người trồng bưởi trắng tay sau lũ.

Xóm Phù Lễ và Phù Lập chỉ cách nhà máy thủy điện Hố Hô chừng 3 - 4km, lại nằm bên dòng sông Ngàn Sâu nên khi thủy điện xả lũ kết hợp mưa lớn đã nhấn chìm nhà cửa, tài sản của người dân chỉ trong tích tắc. Lũ rút, nhiều hộ dân ra nhìn vườn bưởi không thấy đâu chỉ biết quẹt dòng nước mắt tìm trong vô vọng. Chả thế mà gần 2 tuần nay cứ thấy đoàn cán bộ nào về địa phương bà con cũng bíu lấy, bíu để nhờ ghi vào sổ thiệt hại, hỗ trợ người dân khôi phục lại cây trồng chủ lực của cả xã.

18-00-29_2
Những vườn bưởi Phúc Trạch mất trắng do lũ
 

Chị Phạm Thị Vị ở xóm Phù Lập sụt sùi nói: “Nhà tôi mới thoát nghèo 3 năm nay nhờ mấy chục cây bưởi này, giờ lại trở về hai bàn tay trắng. Vụ vừa rồi mới thu hoạch được 80 triệu nay thì mất hết rồi…”.

Gia đình chị Vị có 33 gốc bưởi trồng cách đây 15 năm. Một thời bưởi Phúc Trạch ra hoa nhiều nhưng không đậu quả, chị định chặt bỏ đi nhưng sau đó nhờ áp dụng giải pháp thụ phấn bổ sung nên vườn bưởi được cải thiện. Năm nay, bưởi được mùa to nên gia đình cũng thu được một khoản tiền kha khá. Nào ngờ “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, trận lũ lớn quét qua đã phá nát cả mấy chục gốc bưởi.

Chị Vị đang nuôi hai đứa con học đại học, nợ ngân hàng hơn 85 triệu đồng, trong đó vay cho con học 35 triệu. Ngôi nhà gia đình chị đang ở cũng nhờ vào tiền hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo dựng nên, sau 3 năm nỗ lực nhờ vườn bưởi gia đình chị mới thoát được nghèo nhưng giờ bưởi hư hỏng hoàn toàn nên nhiều khả năng gia đình chị lại... tái nghèo.

18-00-29_3
Những vườn bưởi Phúc Trạch mất trắng do lũ
 

Bí đát hơn chị Vị, sau lũ toàn bộ 45 gốc bưởi của bà Hoàng Thị Phúc ở xóm Phù Lễ bỗng dưng "không cánh mà bay", chẳng còn lại chút dấu tích nào. Bà bảo: “Trước đến nay vùng đất Hương Trạch không mấy khi bị lũ lớn nhưng năm nay thủy điện xả lũ mạnh quá nên mấy chục gốc bưởi của tôi mới trôi mất tăm, mất tích. Giờ tiền vốn không có nên tôi chẳng biết bắt đầu lại từ đâu”.

Bí thư Chi bộ xóm Phù Lập, ông Phan Xuân Hà cho hay, xóm có 147 hộ thì cả 100% đều trồng bưởi, đợt lũ vừa qua đã tàn phá khoảng 70% diện tích của người dân; diện tích còn lại nếu có khôi phục cũng khó có thể lấy lại được hiệu quả như ban đầu.

“Thiệt hại về tài sản trong nhà hay hoa màu như ngô, khoai nói là lớn nhưng chỉ bằng một phần nhỏ của cây bưởi. Bây giờ dân Phù Lập rất cần sự hỗ trợ của nhà nước về giống cây và vật tư để bà con khôi phục lại diện tích. Tất nhiên, chúng tôi cũng đã tuyên truyền bà con không ỷ lại, chờ đợi nguồn hỗ trợ; đồng thời, đang vận động người dân tập trung khắc phục được cây nào hay cây đó, nếu không thì phải cắt bỏ, trồng các loại cây ngắn ngày để giải quyết bài toán sinh kế trước mắt”, ông Hà nói.

18-00-29_4
Những vườn bưởi Phúc Trạch mất trắng do lũ
 

Được biết, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đang yêu cầu ngành nông nghiệp và chính quyền huyện Hương Khê lập phương án hỗ trợ, khôi phục cho người dân vùng trồng cây ăn quả. Bên cạnh đó, hướng dẫn bà con khơi rãnh tiêu úng, xới xáo, phá váng đất, rửa bùn trên lá và thân gốc cây; chống đỡ các cây bị đổ ngã và bổ sung đất ở gốc; chuẩn bị cây giống để bổ sung thay thế những cây bị hư hỏng...

Ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết, đợt lũ ngày 14/10 gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp địa phương. Hơn 200ha lúa mùa; 720ha cây ăn quả bị lũ nhấn chìm, hư hỏng hoàn toàn (trong đó bưởi Phúc Trạch 400ha, cam 320ha); hơn 106ha hoa màu, rau màu và trên 1.000 tấn lương thực bị ẩm ướt, hư hỏng. 486 con gia súc; hơn 108.000 con gia cầm và 68 tấn cá bị lũ cuốn trôi.

 

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm