Tận mắt xem Dole ở Philippines trồng dứa xuất khẩu khắp thế giới
Thứ Ba 14/05/2024 , 10:01 (GMT+7)Dole Philippines đang sử dụng 3 giống dứa chủ lực, chất lượng cao là MG3, D11 và F200. Dứa của Dole từ đây được xuất khẩu khắp các thị trường cao cấp trên thế giới.
Tập đoàn đa quốc gia Dole sở hữu một trong những đồn điền trồng dứa lớn nhất thế giới nằm ở Polomolok, khu vực Nam Cotabato, Philippines. Địa danh Polomolok nổi tiếng với những đồn điền rộng bát ngát bao phủ chân núi lửa Matutum, diện tích trồng dứa của Dole tại đây khoảng 18.000ha trong đó luôn cho thu hoạch khoảng 7.000ha.
Dứa ở miền Nam Philippines được trồng trên các cao nguyên ở độ cao khoảng 300 - 400 mét so với mực nước biển. Nơi đây nhiệt độ tương đối mát mẻ, tỷ lệ ngày nắng cao và nhiệt độ ban ngày dao động khoảng từ 25 - 35 độ C.
Du khách thích thú chụp ảnh quang cảnh cánh đồng dứa thoai thoải giữa những rặng núi lửa kỳ vĩ.
Dứa là cây trồng chịu hạn rất tốt nhưng vẫn cần tưới với lượng nhất định lúc nắng hạn để giữ được độ mọng của trái. Dole sử dụng hệ thống tưới phun bằng máy kết hợp phương pháp tưới nhỏ giọt cho mỗi hàng cây.
Dứa trồng mỗi lần cho thu hoạch hai vụ trong ba năm, trong đó vụ đầu tiên thu hoạch sau trồng 18 tháng và vụ thứ hai khoảng 15 tháng sau đó. Sau khi thu hoạch vụ cuối cùng của một chu kỳ, cánh đồng được làm mới lại hoàn toàn để chuẩn bị cho chu kỳ trồng trọt mới.
Theo chuyên gia Dole, mật độ trồng dứa trung bình ở đồn điền Polomolok đạt 75.700 chồi/ha, cho năng suất khoảng 80-90 tấn/ha vào vụ đầu. Ở vụ sau, năng suất cây giảm nhẹ, ước đạt 60-70 tấn/ha do cây không còn đồng đều như dứa vụ đầu.
Cần có kiến thức, thời gian và sự kiên nhẫn để có một vụ dứa tốt vì hầu hết quá trình trồng, thu hoạch phải làm thủ công.
Dole ký hợp đồng lao động với những nông dân địa phương có kinh nghiệm lâu năm trong việc trồng dứa. Một nông dân lành nghề có thể trồng hơn 4.000 chồi dứa mỗi ngày.
75% dứa Dole sử dụng chồi từ cây dứa đã thu hoạch trước đó. Chỉ những chồi dứa đạt tiêu chuẩn khắt khe của doanh nghiệp mới được chọn lọc để sản xuất ra thế hệ dứa tiếp theo.
Chồi ngọn và chồi nách của cây đã thu hoạch được phân chia theo chủng loại. Theo đó, các chồi có cùng kích cỡ sẽ được trồng trên cùng diện tích cánh đồng, đảm bảo cây sinh trưởng đồng nhất, cho ra những quả dứa có chất lượng đồng đều.
Căn cứ vào nhu cầu của chế biến để thu hoạch dứa ở độ chín sinh lý phù hợp. Dứa sau khi hái dù bên ngoài có vẻ xanh, nhưng bên trong vẫn chín, mọng nước và ngọt. Dole Philippines đang sử dụng 3 giống dứa chủ lực có chất lượng rất cao là MG3 và D11 dùng cho ăn tươi, chế biến và F200 chuyên dùng cho chế biến.
Sau khi thu hoạch vụ cuối cùng, cánh đồng được làm mới hoàn toàn để chuẩn bị cho lứa cây trồng tiếp theo. Thân lá dứa được xử lý để trả lại hữu cơ cho đất.
Thay vì phun thuốc diệt cỏ tiêu hủy cây sau khi thu hoạch (vốn là thói quen phổ biến trong quá khứ), Dole sử dụng máy nghiền chuyên dụng để băm nhỏ cây, cày trộn vào đất, sử dụng vi sinh vật để cây xanh phân hủy nhanh hơn, từ đó bổ sung dinh dưỡng đáng kể cho đất.
Do đó, hàm lượng chất hữu cơ trong đất tăng khoảng 25%, nhu cầu sử dụng phân bón hóa học giảm rõ rệt. Sức khỏe đất tốt, giống sạch bệnh được trồng trên luống cao và hệ thống thoát nước đảm bảo chính là điều kiện tiên quyết để hạn chế dịch bệnh, nhất là bệnh thối nõn do nấm Phytophthora, giảm xói mòn đất sau những trận mưa nhiệt đới lớn ở vùng núi lửa Matutum.
Dole Philippines xuất khẩu dứa tươi và các loại sản phẩm dứa khắp các thị trường cao cấp trên toàn thế giới, riêng thị trường Nhật Bản đạt khoảng 9.000 tấn dứa mỗi tuần. Do nguồn cung dứa, chuối của Dole không đủ cho nhu cầu nên công ty đang muốn mở rộng vùng nguyên liệu ở một số nước Đông Nam Á nhất là Việt Nam - nơi có điều kiện trồng dứa và chuối, nhiều càng biển thuận tiện xuất khẩu.
tin liên quan
Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến ngành đánh bắt cá của Na Uy
Đánh bắt cá là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Na Uy. Ngành này đang bị ảnh hưởng không nhỏ bởi biến đổi khí hậu.
Hà Lan thành công nghiên cứu giống chuối kháng bệnh Panama
Các nhà khoa học lai tạo ra giống chuối Yelloway One có thể kháng lại dịch bệnh Panama được mệnh danh là ‘kẻ hủy diệt’ chuối hàng loạt.
Phục tráng giống cây tiền sử liệu có phải lời giải cho biến đổi khí hậu?
Một cuộc tranh cãi bất phân thắng bại đã thu hút giới học giả về lương thực của các bộ tộc ở Úc liệu có thể trở thành thực phẩm phù hợp trong tương lai.
Giới khoa học Mexico: Thế giới bước vào cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6
Các nhà khoa học Mexico chứng minh rằng Trái đất đã chính thức bước vào giai đoạn đầu của cuộc đại tuyệt chủng; loài người có thể chấm dứt trong vòng 200 năm tới.
Trung Quốc có thể giúp đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu
Bằng cách đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới, Trung Quốc có thể hỗ trợ các quốc gia châu Phi phát triển nông nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Trung Quốc rút ngắn thời gian sinh trưởng cây nho bằng trí tuệ nhân tạo
Các nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây nho.