| Hotline: 0983.970.780

Tan nát lồng bè nuôi trồng thủy sản

Thứ Hai 20/12/2021 , 17:44 (GMT+7)

KHÁNH HÒA Người nuôi trồng thủy sản ở đảo Bình Hưng đang khóc hết nước mắt khi lồng bè nuôi bị sóng lớn đánh tan tành, cá tôm theo bọt nước, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

“Bà con trắng tay rồi”

Đó là những lời kêu than của người dân ở đảo Bình Hưng, xã Cam Bình, TP Cam Ranh (Khánh Hòa) khi ảnh hưởng cơn bão số 9 kết hợp với không khí lạnh từ đêm 18/12 đến sáng ngày 19/12 gây sóng lớn kèm theo nước chảy xiết đã làm toàn bộ lồng bè nuôi trồng thủy sản nơi đây bị thiệt hại.

Lồng bè nuôi trồng thủy sản ở Bình Hưng tan nát do sóng lớn gây ra. Ảnh: KS.

Lồng bè nuôi trồng thủy sản ở Bình Hưng tan nát do sóng lớn gây ra. Ảnh: KS.

Cho đến sáng 20/12, trời bắt đầu hửng nắng và sóng bắt đầu lặng, chúng tôi theo các tàu đưa đón qua đảo Bình Hưng mới chứng kiến cảnh tượng đau xót của người dân bỗng chốc trắng tay. Toàn bộ lồng bè nuôi của họ bị sóng lùa co cụm lại thành một đống, nhiều cây gỗ dùng làm khung bè bị bẽ gãy đôi nằm la liệt, còn các thùng nhựa dùng làm phao bè trôi nổi nằm ngổn ngang. Mấy ngày nay, bà con ở đảo Bình Hưng chạy khắp nơi tìm bè của mình đỏ mắt vì không còn cái bè nào nguyên vẹn để nhận ra.

Vợ chồng chị Đào Thị Ngọc Thảo, một hộ nuôi trồng thủy sản nơi đây may mắn tìm được bè nuôi của mình bị sóng cuốn trôi gần 700 mét trong đống đổ nát cùng hàng chục bè cũng lâm trong tình cảnh tương tự.

Chị Thảo cho biết, gia đình thiệt hại gần 2 tỷ đồng, trở nên trắng tay. Ảnh: KS.

Chị Thảo cho biết, gia đình thiệt hại gần 2 tỷ đồng, trở nên trắng tay. Ảnh: KS.

Giọng chị Thảo buồn buồn nói, từ sáng tới giờ gia đình ngụp lặn tìm tôm còn sót lại trong lồng nhưng chỉ vớt được 200 con. Toàn bộ 30 ô lồng, trong đó 20 lồng nuôi tôm hùm đều đến thời kỳ xuất bán, không ngờ bị cơn sóng đánh hư hỏng, lồng nuôi rách nát, cá tôm theo con bọt nước ra ngoài biển, ước thiệt hại gần 2 tỷ đồng. Giờ gia đình chẳng biết lấy gì để phục hồi sản xuất và trả nợ vay ngân hàng đầu tư nuôi tôm.

Tương tự, gia đình anh Võ Đủ, người cùng đảo Bình Hưng cũng trở nên trắng tay sau cơn sóng lớn làm thiệt hại 20 lồng nuôi tôm hùm xanh đã đạt trọng lượng xuất bán (trung bình khoảng 3 con/kg).

Gặp chúng tôi, anh Đủ than, hiện mỗi lồng nuôi này có giá trị 80 triệu/lồng. Dự định, vài ngày nữa gia đình sẽ xuất bán để trả nợ tiền vay ngân hàng, tiền mua mồi cho tôm ăn, cũng như mua giống tái đầu tư sản xuất.

Hầu hết các lồng bè nuôi ở Bình Hưng đều bị thiệt hại. Ảnh: KS.

Hầu hết các lồng bè nuôi ở Bình Hưng đều bị thiệt hại. Ảnh: KS.

Nhưng không ngờ cuối năm rồi lại xuất hiện bão gây sóng lớn khiến gia đình mất hết tài sản lâu nay tích góp. Trong khi đó, anh đang mang nợ hàng trăm triệu đồng từ ngân hàng, không biết làm sao để trả nợ sắp tới. Do đó, anh Đủ cũng như nhiều bà con nơi đây mong muốn nhà nước quan tâm hỗ trợ để giúp họ sớm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.

Ông Trần Văn Vinh, Trưởng thôn Bình Hưng, xã Cam Bình cho biết, toàn thôn có khoảng 120 bè nuôi trồng thủy sản, chủ yếu tôm hùm xanh, cá các loại. Để ứng phó bão số 9, bà con đã gia cố lồng bè chắc chắn và vào bờ tránh trú an toàn nên không gây thiệt hại về người. Tuy nhiên thống kê ban đầu có trên 90% lồng bè của bà con bị sóng lớn đánh hỏng gây thiệt hại nặng.

Trên 90% số hộ thiệt hại nặng

Theo người dân ở thôn đảo Bình Hưng, lâu nay khu vực nuôi này cũng hay bị ảnh hưởng bão, áp thấp nhiệt đới nhưng không gây thiệt hại lớn như lần này. Dù cơn bão này không đổ bộ, ảnh hưởng trực tiếp, nhưng lại gây sóng lớn bất ngờ cao từ 6 - 8m, thậm chí có đợt sóng cao 10m, nước lại chảy xiết, lùa các bè tấp dồn lại một cục. Từ đó khiến bè này đâm bè kia, lồng này đầm lồng nọ nên giờ ở Bình Hưng không còn bè nào nguyên vẹn, tôm cá chạy ra khỏi lồng nuôi hết.

Các bè nuôi bị sóng lùa co cụm thành một đống, lồng nuôi bị đâm rách nát nên cá tôm thoát hết. Ảnh: KS.

Các bè nuôi bị sóng lùa co cụm thành một đống, lồng nuôi bị đâm rách nát nên cá tôm thoát hết. Ảnh: KS.

Ông Võ Ngọc Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Bình cũng cho rằng, cơn bão này không ảnh hưởng trực tiếp đến Khánh Hòa nói chung và đảo Bình Hưng nói riêng nhưng gây sóng lớn bất thường "có một không hai" từ trước tới nay. Do đó, dù hôm 19/12, mặc dù nhận được thông báo của người dân thôn Bình Hưng bị thiệt hại nuôi trồng thủy sản nặng nề, chính quyền muốn xuống ngay hiện trường nhưng do sóng cao nên đi không được. Mãi đến sáng 20/12, chính quyền xã mới tiếp cận được thôn Bình Hưng.

“Xưa giờ ở Bình Hưng nếu có bão không đến nỗi gây sóng cao như lần này. Cơn sóng lớn này đã làm khoảng 90% hộ dân thôn Bình Hưng nuôi tôm bị thiệt hại trên 200 tỷ đồng, đó là mới tính thiệt hại trên bè, chứ chưa tính đến lượng tôm thất thoát”, ông Linh nói và cho biết thêm, hiện chính quyền đã chỉ đạo cho đài truyền thanh xã phát thanh tuyên truyền, vận động người dân xã cố gắng gìn giữ tài sản của mình, đồng thời cho các ghe của người dân đi ra phía ngoài để giữ lồng nuôi bị chìm xuống, không để các phần tử xấu có cơ hội tiếp cận tài sản của người dân.

Tôm hùm thất thoát rất nhiều ra biển nên nhiều người đánh lưới trúng đậm, bán với giá từ 300 - 600 ngàn đồng/kg, trong khi giá tôm sống hiện nay 900 ngàn đến 1 triệu đồng/kg. Ảnh: KS.

Tôm hùm thất thoát rất nhiều ra biển nên nhiều người đánh lưới trúng đậm, bán với giá từ 300 - 600 ngàn đồng/kg, trong khi giá tôm sống hiện nay 900 ngàn đến 1 triệu đồng/kg. Ảnh: KS.

Do đó, hiện tại giàn lồng nuôi của bà con còn vẫn ở dưới biển, chưa có ai đụng vào vớt lên. Tuy nhiên trước mắt trong ngày 20/12, UBND xã đã chỉ đạo thôn vận động người dân khai báo để thống kế lượng tôm thất thoát. Cùng với đó xã cũng đã phối hợp Đồn Biên phòng hỗ trợ bà con kéo các bè về vị trí cũ rồi vớt các lồng tôm bị chìm ở dưới biển lên.

Sau khi thống kê được thiệt hại, xã sẽ báo cáo TP Cam Ranh. Nếu như lượng tôm nuôi của bà con thất thoát hoàn toàn, xã sẽ đề nghị Thành phố kiến nghị tỉnh liên hệ ngân hàng để hỗ trợ giúp bà con khoanh nợ, cũng như tái cho vay sản xuất để phục hồi kinh tế gia đình.

Ông Võ Ngọc Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Bình cho biết, toàn xã có khoảng 10.000 lồng nuôi tôm hùm, chủ yêu tôm hùm xanh, trong đó ở đảo Bình Hưng có khoảng 120 bè, gần 5.000 lồng. Hiện đa số bà con nơi đây đều vay vốn ngân hàng để nuôi tôm.

Qua vụ việc bà con nuôi tôm bằng lồng bè gỗ truyền thống bị thiệt hại, ông Linh cho rằng, thời gian tới các lồng bè của người dân cần chuyển dần sang lồng HDPE để thích ứng thiên tai gây ra như bão, sóng lớn. Đây cũng là định hướng của tỉnh, cũng như TP Cam Ranh để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.

 

Xem thêm
Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.