| Hotline: 0983.970.780

Phú Yên: Tôm hùm, cá nuôi bị ‘sốc nước ngọt’ chết hàng loạt

Thứ Ba 26/10/2021 , 16:08 (GMT+7)

Những ngày qua, nhiều người nuôi tôm hùm ở TX Sông Cầu (Phú Yên) khóc ròng bởi mưa lớn làm ngọt hóa vùng nuôi khiến tôm bị ‘sốc nước ngọt’ chết hàng loạt.

Ông Bùi Văn Khánh, một người nuôi tôm hùm ở khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên (TX Sông Cầu), cho biết, trong 2 ngày 24 và 25/10, do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới trên địa bàn xảy ra mưa lớn khiến vùng nuôi bị ngọt hóa. Điều này dẫn đến tôm hùm, cá nuôi lồng bè bị ‘sốc nước ngọt’ chết hàng loạt, người nuôi khóc ròng.

Người nuôi tôm hùm ở phường Xuân Yên, TX Sông Cầu (Phú Yên) buồn bã khi tôm nuôi bị chết. Ảnh: CTV.

Người nuôi tôm hùm ở phường Xuân Yên, TX Sông Cầu (Phú Yên) buồn bã khi tôm nuôi bị chết. Ảnh: CTV.

Theo UBND phường Xuân Yên, tình trạng cá, tôm hùm chết vào ngày 24/10, qua nắm bắt sơ bộ có 22 người nuôi bị thiệt hại, với số lượng 8.443 con tôm hùm các loại như tôm sao, tôm tề thiên, tôm xanh và 12 tạ cá chẽm, mú..

Nhận được thông tin tại vùng nuôi khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên có hiện tượng tôm, cá nuôi lồng chết đột ngột, ngày 25/10 Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã Sông Cầu tiến hành kiểm tra tình hình thực tế tại địa phương để xác định nguyên nhân.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên, kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, diễn biến tình hình tôm, cá chết xảy ra trong khoảng thời gian ngắn, đột ngột. Thời gian từ đêm ngày 23 đến ngày 24/10 trên địa bàn có mưa liên tục, cộng thêm trong những ngày này là kỳ con nước kém theo lịch thuỷ triều, đã làm cho khả năng trao đổi nước ở tầng mặt và tầng đáy kém. Từ đó dẫn đến nước có sự phân tầng gây ra hiện tượng thiếu oxy cục bộ làm tôm, cá bị chết đột ngột. 

Ngay sau khi phát hiện tôm, cá bị chết, người nuôi trong khu vực đã tiến hành biện pháp nâng lồng lên tầng nước trên. Hiện nay, tình hình tôm, cá nuôi trong khu vực này đã ổn định, không còn xảy ra tình trạng chết bất thường.

Về giải pháp để hạn chế rủi ro do sự cố môi trường vùng nuôi, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên khuyến cáo người nuôi không nuôi tôm, cá với mật độ dày, sang thưa mật độ nuôi để tránh hiện tượng bị thiếu oxy cục bộ tại lồng nuôi, cũng như không tăng số lượng lồng nuôi.

Tôm hùm chết do bị sốc nước ngọt. Ảnh: CTV.

Tôm hùm chết do bị sốc nước ngọt. Ảnh: CTV.

Bên cạnh đó, người nuôi cần vệ sinh lồng nuôi để tăng cường quá trình trao đổi nước. Cùng với đó thường xuyên quan sát môi trường nước vùng nuôi và kiểm tra tình hình sức khỏe thủy sản nuôi, nhất là ban đêm, để phát hiện kịp thời sự cố xảy ra. Khi phát hiện môi trường biến đổi bất thường hoặc thủy sản nuôi xảy ra hiện tượng ngạt, cần nhanh chóng tiến hành các biện pháp ganh lồng lên gần mặt nước; áp dụng các biện pháp tạo ôxy (sục khí, viên tạo ôxy) để tăng hàm lượng ôxy hòa tan trong nước cho thủy sản hô hấp.

Ngoài ra, người nuôi cần lưu ý tăng sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung vitamin, chế phẩm sinh học Bio-EM, khoáng chất… vào thức ăn nhằm hạn chế bệnh phát sinh. Tuy nhiên không sử dụng thức ăn bị ươn, thối cho thủy sản ăn và phải quản lý cho ăn tránh dư thừa. Và khi thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm cần tiến hành thu hoạch, nhằm giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra sự cố do môi trường.

Được biết, đến cuối tháng 9/2021, ở vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông có hơn 46.700 lồng tôm hùm.

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, đến tháng 10/2021, toàn tỉnh có khoảng 110.369 lồng (tăng 18% so với cùng kỳ năm trước), trong đó nuôi tôm hùm thịt 82.953 lồng, tôm hùm ương 24.270 lồng, cá biển 3.131 lồng, ốc hương 15 lồng. Còn tính theo địa phương thì huyện Tuy An có 14.300 lồng (tăng 87%); thị xã Đông Hòa là 16.479 lồng tôm hùm thịt (tăng 20%); thị xã Sông Cầu 79.590 lồng (tăng 13% so với cùng kỳ).

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, cho biết, về giải pháp căn cơ để tránh tình trạng ngọt hóa thì phương án sắp xếp lại lồng bè, ngành nông nghiệp đã làm và bàn giao cho các địa phương. Tại vùng nuôi vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu) cũng đã bàn giao 10 vùng nuôi với tổng diện tích 747 ha, trong đó có quy định bao nhiêu lồng nuôi cụ thể. Và, những vùng nuôi nào mực nước dưới 4m cũng như vùng gần nguồn nước ngọt khi mùa mưa đổ về thì đã lưu ý người dân không được nuôi.

“Hàng năm ngành nông nghiệp đều có kế hoạch giám sát dịch bệnh và giám sát môi trường vùng nuôi. Trước mùa mua bão, ngành nông nghiệp và địa phương đều đã có khuyến cáo người dân thu hoạch sớm cá, tôm đạt trọng lượng xuất bán, cũng như thường xuyên kiểm tra lồng bè để xử lý tình huống ngọt hóa, thiếu oxy, ô nhiễm cục bộ môi trường nhằm hạn chế thiệt hại. Cũng như địa phương sắp xếp lại lồng bè nuôi đúng vùng quy hoạch để đảm bảo điều kiện, tiêu chí nuôi lồng bè”, ông Phương chia sẻ và nói ngành nông nghiệp đã nhiều năm khuyến cáo, cơ bản người nuôi đều thực hiện, song cũng còn số một số người nuôi thấy thời tiết thuận lợi nên ghim hàng lại để chờ bán thời điểm giá cao, từ đó có rủi ro hai mặt.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.