| Hotline: 0983.970.780

Tăng cường bảo vệ bờ sông, bờ biển với giải pháp tích hợp

Thứ Sáu 29/11/2024 , 12:09 (GMT+7)

Các chuyên gia khuyến nghị kết hợp nhiều giải pháp công trình cứng và công trình mềm trong công tác chống sạt lở và ứng phó với thiên tai.

Ông Lê Thanh Chương, Giám đốc TTNC chỉnh trị sông và phòng chống thiên tai, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam tại Diễn đàn về nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng, chống thiên tai vùng ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. 

Ông Lê Thanh Chương, Giám đốc TTNC chỉnh trị sông và phòng chống thiên tai, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam tại Diễn đàn về nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng, chống thiên tai vùng ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. 

Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Thanh Chương, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, cho biết, "Vùng ĐBSCL có địa hình bằng phẳng, địa chất yếu và dễ bị xói lở. Nếu hoàn thành việc xây dựng 133 đập trên sông Mê Kông, lượng phù sa về khu vực này sẽ giảm chỉ còn 4%, tương đương 6-7 triệu tấn/năm."

Các biện pháp bảo vệ bờ sông hiện nay ở ĐBSCL đã được thực hiện dựa trên các quy trình và quy phạm hiện hành, đảm bảo tuân thủ trình tự xây dựng và chú trọng đến vấn đề xói sâu cũng như tuổi thọ công trình. Những giải pháp này được thiết kế để bảo vệ an toàn cho cơ sở hạ tầng, đặc biệt là ở các khu đô thị và khu vực tập trung dân cư, đồng thời có tác động thấp đến dòng chảy và lòng dẫn của sông, giúp cho sông giữ được trạng thái tự nhiên.

Đơn cử, công trình giảm sóng kết cấu rỗng có khả năng tạo bãi bồi để khôi phục rừng ngập mặn. Công trình này có cấu kiện được đúc sẵn trong các nhà máy, giúp thi công nhanh chóng và đạt chất lượng tốt, đồng thời hiệu quả giảm sóng đạt khoảng 60-70%. Kết cấu cũng cho phép trao đổi bùn cát và môi trường, ít cản trở sự di chuyển của động thực vật, và có thể tái sử dụng.

Tuy nhiên, một số công trình vẫn chưa được tính toán hợp lý, chẳng hạn như thiếu công cụ giám sát thi công. Việc theo dõi, bảo trì, bảo dưỡng và đánh giá tác động của công trình cũng chưa được chú trọng. Hầu hết các công trình xây dựng đều chưa được nghiên cứu và đánh giá một cách toàn diện, đặc biệt là các công trình chỉnh trị và phân lưu. 

Cần xem xét kết hợp nhiều giải pháp khác nhau như: giải pháp công trình cứng, công trình mềm, giải pháp kết hợp và giải pháp quản lý. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. 

Cần xem xét kết hợp nhiều giải pháp khác nhau như: giải pháp công trình cứng, công trình mềm, giải pháp kết hợp và giải pháp quản lý. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. 

Cũng theo ông Lê Thanh Chương, bờ sông và bờ biển ĐBSCL hiện nay đang trong giai đoạn biến động mạnh về hình thái, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, xã hội và môi trường. Để bảo vệ bờ sông, bờ biển hiệu quả cần xem xét kết hợp nhiều giải pháp khác nhau như: giải pháp công trình cứng, công trình mềm, giải pháp kết hợp và giải pháp quản lý.

Để áp dụng các giải pháp công trình cứng và giải pháp nuôi bãi, cần thực hiện các dự án nghiên cứu thử nghiệm nhằm quan sát, theo dõi và đánh giá hiệu quả. Đồng thời, cần hoàn thiện và triển khai các quy định pháp lý về quản lý bờ sông và bờ biển, thiết lập hành lang bảo vệ bờ và quy định khoảng lùi hợp lý cho việc xây dựng công trình hạ tầng cũng như quy hoạch sử dụng đất.

Để tăng cường thực hiện các giải pháp công trình mềm, cần quy hoạch lại khu dân cư dọc theo các tuyến bờ sông và bờ biển bị sạt lở, dựa trên việc so sánh chi phí di dời và xây dựng công trình để đưa ra quyết định hợp lý. Đối với việc xử lý sạt lở bờ sông, cần thiết lập quy hoạch tổng thể chỉnh trị các sông lớn và sông rạch chính nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả cho các ngành kinh tế liên quan.

"Bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn là giải pháp ưu tiên hàng đầu, vừa thân thiện với môi trường vừa tạo ra đa dạng sinh học cho khu vực ven biển, mang lại sinh kế cho người dân địa phương. Công tác quan trắc, giám sát diễn biến quá trình xói, bồi phải được thực hiện định kỳ hằng năm.", ông Lê Thanh Chương kết luận tại phiên thảo luận.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Quốc vương Campuchia

Chiều 28/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã hội kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni đang thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.

Tầm nhìn xanh bền vững: [Bài 2] Xây dựng giá trị mới cho nông sản Mộc Châu

SƠN LA Mộc Châu xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững, từ công nghệ cao đến tiêu thụ, gia tăng giá trị kinh tế, khẳng định vị thế trên bản đồ nông nghiệp.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.