| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 25/05/2021 , 19:13 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 19:13 - 25/05/2021

Tăng cường kiểm soát dịch bệnh ở các đô thị lớn

Giữ cho các đô thị lớn không bị chao đảo vì dịch bệnh, cũng sẽ giữ được sự ổn định đời sống dân sinh cho cả nước

Đợt lây nhiễm Covid-19 lần thứ 4 ở nước ta, đã hoành hành suốt 1 tháng qua. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, đợt bùng phát này có thể kéo dài hơn so với các đợt trước. Như vậy, cần có những hành động quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn sự bành trướng của virus corona, nhất là phải tăng cường kiểm soát dịch bệnh ở các đô thị lớn.

Từ ngày 27/4 đến nay đã có hơn 2.000 trường hợp mắc Covid-19, nhiều nhất là ở các khu công nghiệp chiếm tới 66,3% ca nhiễm. Với nhiều chuỗi lây nhiễm từ nhiều nguồn, nhiều biến chủng chưa có dấu hiệu suy giảm, thì việc ứng phó Covid-19 phải nâng lên mức độ cao hơn. Để bảo đảm cho sự vận hành nền kinh tế quốc gia không bị ngưng trệ, không thể cực đoan giãn cách xã hội trên cả nước, nhưng từng địa phương phải linh động áp dụng các biện pháp phù hợp nhất.

Hiện nay, cả ba đô thị lớn ở ba miền là Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM đều đã có ca lây nhiễm trong cộng đồng, ít nhiều tác động đến tốc độ phát triển các ngành thương mại và dịch vụ. Để không làm đứt gãy thị trường cung cầu hàng hóa, các đô thị lớn không còn cách nào khác là nhanh chóng khoanh vùng nguy cơ, nhanh chóng truy vết F1,F2 và xét nghiệm trên diện rộng nhằm vô hiệu những trường hợp nguy hiểm.  

Tại TPHCM, Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 đã được kích hoạt vào hoạt động với nhiệm vụ điều phối công tác khẩn cấp và cung cấp thông tin kịp thời cho người dân. Chủ tịch UBND TPHCM kiến nghị: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó nhấn mạnh người dân phải chú trọng đến sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, khuyến cáo những người trên 60 tuổi hạn chế ra đường vì khả năng kháng thể của người lớn tuổi yếu”.

Đặc trưng của đô thị lớn là mật độ dân cư dày đặc và mỗi người đều có mối quan hệ đa dạng trong giao tiếp và làm ăn. Do đó, khi trường học đã tạm đóng cửa và các tụ điểm vui chơi đã ngừng hoạt động, thì bệnh viện và siêu thị là hai khu vực phải giãn cách tối đa. Hạn chế người thăm nuôi ở bệnh viện không khó, nhưng hạn chế người mua sắm lại cực kỳ phức tạp. Nên chăng, chính quyền có chủ trương ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp khuyến khích người tiêu dùng đặt hàng qua mạng và giao hàng tận nơi.

Dù đã có nhiều đơn vị đóng góp để mua vắc-xin, nhưng diễn biến của Covid-19 vẫn đầy lo ngại trong thời gian tới. Giữ cho các đô thị lớn không bị chao đảo vì dịch bệnh, cũng sẽ giữ được sự ổn định đời sống dân sinh cho cả nước. Bởi lẽ, khi và chỉ khi dây chuyền sản xuất được vận hành liên tục thì thu nhập của người dân nhập cư đô thị sẽ góp phần tương trợ cho thân nhân ở vùng khó khăn hơn.

Ngoài việc đeo khẩu trang và khai báo y tế đầy đủ, thì sự thay đổi giờ làm việc, giờ tan ca và ứng dụng công nghệ thông tin cho những đối tượng có thể tác nghiệp tại nhà sẽ giúp các đô thị lớn tránh được những rủi ro khi quy tụ quá đông người ở cùng một không gian và một thời điểm.