Tham dự cuộc họp có ông Vũ Văn Tám – Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa và ông Wimol Jantrarotai - Chủ tịch Hội đồng Giám Đốc SEAFDEC (giai đoạn 2015-2016) cùng với đoàn đại biểu từ 11 nước thành viên gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Nhật Bản, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Phát biểu tại buổi họp, ông Wimol Jantrarotai - Chủ tịch SEAFDEC (giai đoạn 2015-2016) cho biết, trong năm 2015, SEAFDEC đã triển khai một khối lượng công việc vô cùng nổi bật nhằm thúc đẩy tiến trình trao đổi hợp tác và đạt được các bước tiến hài hòa để giải quyết các vấn đề ưu tiên và yêu cầu nổi bật trong khu vực.
Ông Wimol Jantrarotai đề nghị, tại cuộc họp Hội đồng lần này các vấn đề quan trọng mà các đại biểu cần xem xét và thảo luận, là mối quan tâm và yêu cầu nghiêm ngặt cho các quốc gia trong khu vực về việc đề ra các biện pháp hiệu quả để chống lại các hoạt động khai thác thủy sản trái phép đang thường xuyên diễn ra giữa ranh giới vùng biển các quốc gia lân cận.
Ông Wimol Jantrarotai cho rằng, để giải quyết một cách có hiệu quả các vấn đề liên quan đến khai thác thủy sản bất hợp pháp, cần có sự hợp tác chặt chẽ ở mức độ song phương và tiểu vùng của các quốc gia liên quan.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, trong những năm gần đây ngư dân Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là vấn đề an toàn cho ngư dân khi thực hiện các hoạt động khai thác thủy sản ở vùng biển của Việt Nam trong bối cảnh diễn biến trên biển ngày càng trở nên phức tạp.
Kể từ đầu năm 2014 đến nay, tổng số các tàu cá gặp nạn trên biển là gần 4 ngàn vụ với tổng số người chết và bị thương 2.364 trường hợp.
Theo ông Vũ Văn Tám, để chống lại các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không kiểm soát và không báo cáo trong khu vực cần phải tính đến các yếu tố về an toàn cho tàu cá và ngư dân khi khai thác trên biển.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám phát biểu tại hội nghị SEAFDEC
Hiện Việt Nam đã và đang nỗ lực hợp tác với các nước trong khu vực xây dựng cơ chế đối thoại nhằm trao đổi thông tin và giải quyết các vụ việc liên quan đến ngư trường và tàu cá hoạt động trên các vùng biển của nhau.
Đồng thời, tiến hành cứu hộ, cứu nạn, phòng chống trú bão cho các tàu cá của ngư dân thông qua việc thiết lập và vận hành đường dây nóng với các nước ASEAN, điển hình như đường dây nóng Việt Nam – Philippines đang bước đầu hoạt động có hiệu quả. Ngoài ra Việt Nam tiến hành đàm phán với Brunei, Campuchia, Thái Lan, Malaysia để thiết lập đường dây nóng.
Kết thúc phiên khai mạc, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đánh giá cao sáng kiến SEAFDEC trong việc xây dựng Nghị quyết và kế hoạch hành động về nghề cá bền vững đối với an ninh lương thực cho khu vực ASEAN hướng đến năm 2020.
Theo ông Tám, đây là tài liệu có ý nghĩa rất quan trọng đối với các nước thành viên trong việc cung cấp các định hướng lớn, đúng đắn cho việc xây dựng khung pháp lý, chính sách phát triển nghề cá bền vững, tạo nền tảng cơ sở trong việc xây dựng và thực hiện chương trình hoạt động hợp tác cho SEAFDEC.
Theo kế hoạch các đại biểu sẽ họp và thảo luận trong 4 ngày, các vấn đề liên quan tới nghề cá đang nổi lên trong khu vực sẽ được đưa ra thảo luận trong các phiên họp. Một số hướng dẫn và khung chính sách nhằm nâng cao tính bền vững ngành thủy sản khu vực Đông Nam Á cũng được hội đồng xem xét.
Ngoài ra, những sáng kiến trong chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định cũng sẽ được đưa ra thảo luận.
SEAFDEC là một tổ chức liên chính phủ được thành lập vào năm 1967, hoạt động thông qua ban thư ký đặt tại Thái Lan và 5 ban kỹ thuật gồm: ban đào tạo (Thái Lan), ban nghiên cứu nghề cá biển (Singapore), ban nuôi trồng thủy sản (Philippines), ban quản lý và phát triển nguồn lợi thủy sản (Malaysia) và ban quản lý phát triển nguồn thủy sản nội địa (Indonesia). Các cuộc họp của SEAFDEC được tổ chức hàng năm và địa điểm tổ chức theo cơ chế luân phiên giữa các nước thành viên, nhằm đề ra phương hướng vận hành hoạt động và đảm bảo các ưu tiên phát triển thủy sản trong khu vực… |