Nông nghiệp thắng lợi lớn trong khó khăn
Chiều 5/1, tại TP Rạch Giá, Sở NN-PTNT Kiên Giang tổ chức hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024.
Năm 2023, ngành nông nghiệp gặp nhiều tác động bất lợi của dịch bệnh, giá cả nguyên, nhiên liệu đầu vào phục vụ sản xuất như xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… giữ ở mức cao và diễn biến bất thường của thời tiết. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực nông nghiệp chủ lực của tỉnh Kiên Giang đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, giành thắng lợi lớn.
Tổng diện tích lúa gieo trồng năm 2023 toàn tỉnh Kiên Giang đạt gần 713.000ha, tăng gần 13.000ha so với kế hoạch, lúa chất lượng cao chiếm trên 97% diện tích gieo trồng. Sản lượng lúa thu hoạch đạt hơn 4,55 triệu tấn, tăng gần 156.000 tấn. Toàn tỉnh tổ chức sản xuất cánh đồng lớn được 1.334 cánh đồng, với diện tích 167.225ha. Trong đó, có 1.026 cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ, với diện tích 120.696ha, có 55.165ha sản xuất an toàn, đạt các chuẩn chứng nhận. Năm 2023, do nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước trên thế giới tăng cao, là thời cơ của ngành sản xuất lúa – gạo nên nông dân gia tăng sản xuất, góp phần tăng thu nhập.
Sản xuất cây trồng khác, như nhóm rau - quả thực phẩm, cây ăn trái… được duy trì ổn định và tăng nhẹ so với cùng kỳ. Toàn tỉnh có 9/12 huyện, thành phố thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa. Tổng diện tích chuyển đổi là 6.850ha, hầu hết diện tích sau khi chuyển sang các mô hình trồng rau màu chuyên canh và luân canh lúa màu các loại đạt hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2,5 - 4 lần so với trước.
Công tác hướng dẫn, đề xuất cấp mã số vùng trồng được quan tâm tuyên truyền rộng rãi trên địa bàn tỉnh nhằm minh bạch nguồn gốc sản phẩm góp phần nâng cao giá trị hàng nông sản và xây dựng thương hiệu nông sản địa phương. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã có 396 mã số vùng trồng, với 15 loại cây trồng được cấp mã số, chủ yếu phục vụ xuất khẩu sang các thị trường như EU, Trung Quốc, Singapore, Canada, Nga... Trong đó, vùng trồng lúa được cấp 302 mã với tổng diện tích 6.044ha phục vụ xuất khẩu chủ yếu các thị trường như EU, Mỹ và Nhật Bản.
Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản năm 2023 ước đạt hơn 798.000 tấn. Trong đó, khai thác thủy sản ước đạt 437.200 tấn, còn lại là thủy sản nuôi trồng. Riêng tôm nuôi nước lợ ước được 121.000 tấn, tăng 10.400 tấn so với năm 2022. Thực hiện cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi thủy sản chủ lực, đến nay cơ quan chuyên môn đã chứng nhận cấp mã số cho 28.426 cơ sở đủ điều kiện cấp mã số.
Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn triển khai, theo dõi nhiều chương trình khuyến nông tỉnh gồm: Tuyên truyền tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản và mở lớp tập huấn phổ cập ngắn hạn. Chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa, cây ăn quả, rau màu các loại, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, lợn và nuôi thủy sản nước mặn, lợ, ngọt trên địa bàn. Đặc biệt triển khai Dự án “Phát triển sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị giai đoạn 2022 - 2025”, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi cá lồng trên biển.
Xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả, làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân. Đến nay, toàn tỉnh có 110/116 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 19 xã nông thôn mới nâng cao. Có 7/15 huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP, đến nay toàn tỉnh có 238 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 6 sản phẩm đạt hạng 5 sao cấp quốc gia 37 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 195 sản phẩm đạt hạng 3 sao.
Giảm mạnh khai thác hải sản
Năm 2024, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, theo chuỗi giá trị, giảm phát thải nhằm bảo vệ môi trường, đảm bảo lợi ích kinh tế góp phần phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh ngày càng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm nông thủy sản.
Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, năm 2024 tỉnh chủ trương sản xuất lúa với sản lượng lúa đạt 4,4 triệu tấn, tương đương kế hoạch 2023. Duy trì tỷ lệ sản xuất lúa chất lượng cao đạt trên 90% tổng diện tích gieo trồng. Đẩy mạnh sản xuất lúa an toàn, sản xuất giảm phát thải, sản xuất hữu cơ và sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững thích ứng biến đổi khí hậu. Nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh, tăng diện tích đáp ứng sản xuất lúa hữu cơ được ký hợp đồng tiêu thụ.
Tập trung thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Theo đó, kế hoạch năm 2024 Kiên Giang đăng ký tham gia Đề án năm 2024 là 60.000ha, năm 2025 là 100.000ha và đến năm 2030 đạt 200.000ha.
Về khai thác và nuôi trồng thủy sản, mục tiêu sản lượng đạt 800.000 tấn, giảm 40.000 tấn so kế hoạch năm 2023. Trong đó, sản lượng khai thác thủy sản 435.000 tấn và sản lượng nuôi trồng thủy sản 365.000 tấn. Riêng sản lượng tôm nuôi đạt 130.000 tấn.
Tiếp tục chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa – tôm ở những địa bàn có điều kiện, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, ứng phó an toàn, hiệu quả với biến đổi khí hậu, tập trung ở các huyện vùng U Minh Thượng, Gò Quao, Hòn Đất, Kiên Lương và Giang Thành.
Tập trung khai thác dư địa về phát triển nuôi biển, nuôi ven biển với đối tượng chính là tôm nước lợ. Giảm cường lực khai thác, vừa góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, vừa chống khai thác IUU hiệu quả hơn.
Xây dựng nông thôn mới, phấn đấu có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn tỉnh có thêm 2 huyện hoàn thiện hồ sơ công nhận huyện nông thôn mới.
Có 4 vấn đề cần khắc phục
Đánh giá kết quả năm 2023, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn nêu ra 4 vấn đề mà ngành nông nghiệp thực hiện chưa tốt, cần có giải pháp khắc phục.
- Một là công tác phòng chống khai thác IUU vẫn còn tàu cá vi phạm.
- Hai là công tác quản lý bảo vệ rừng, còn để xảy ra tình hình lấn chiếm, sang bán trái phép đất rừng, nhất là trên địa bàn thành phố Phú Quốc và các huyện có rừng phòng hộ ven biển.
- Ba là phát triển thủy sản, mặc dù đã cơ cấu lại sản xuất, giảm khai thác, tăng nuôi trồng, tuy nhiên chưa phát huy được hết lợi thế về nuôi biển.
- Bốn là ngành nông nghiệp đã xây dựng được nhiều mô hình điểm, hiệu quả nhưng việc nhân rộng ở các địa phương còn hạn chế, nên chưa giúp số đông nông dân nâng cao thu nhập.