| Hotline: 0983.970.780

Lãnh đạo nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL nói về mở rộng lúa thu đông 2023

Thứ Hai 14/08/2023 , 08:45 (GMT+7)

ĐBSCL Các tỉnh ĐBSCL đang rà soát, tối ưu trong mở rộng lúa thu đông 2023, đồng thời đảm bảo sản xuất vụ đông xuân 2023-2024 tránh được hạn mặn.

Báo Nông nghiệp Việt Nam ghi nhận ý kiến từ lãnh đạo ngành nông nghiệp ĐBSCL.

Ông Nguyễn Chí Thiện - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An: Long An ủng hộ chủ trương tăng diện tích lúa thu đông

Sau khi thu hoạch lúa hè thu sớm, bán giá cao, nông dân đã bắt tay gieo sạ vụ lúa thu đông 2023. Đến nay, toàn tỉnh gieo sạ hơn 40.000/57.000 ha lúa thu đông, tập trung ở các huyện: Tân Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường. Long An phấn đấu sản lượng lúa vụ thu đông đạt 285.800 tấn, trong đó, các huyện vùng Đồng Tháp Mười đạt trên 230.000 tấn và các huyện phía Nam đạt 55.500 tấn.

Ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngành nông nghiệp Long An khuyến cáo các địa phương xuống giống thu đông sớm để kéo theo xuống giống vụ lúa đông xuân 2023-2024 sớm hơn kế hoạch, từ đó thu hoạch lúa trước Tết, tránh ảnh hưởng hạn, mặn sau Tết.

Các địa phương gối vụ sớm thì sang năm 2024, Long An tăng diện tích sản xuất lúa thu đông lên 60.000 - 62.000 ha trong tầm tay. Long An rất ủng hộ chủ trương của Bộ NN-PTNT và sẽ nỗ lực góp phần tăng diện tích lúa thu đông trong tình hình giá lúa đang tốt, xuất khẩu thuận lợi.

Nông dân ĐBSCL xuống giống vụ lúa thu đông 2023. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nông dân ĐBSCL xuống giống vụ lúa thu đông 2023. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Riêng với vùng phía Nam của Long An như: Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức, Tân Trụ, TP Tân An… lúa hè thu xuống giống muộn hơn do ảnh hưởng hạn đầu năm nên trà lúa hiện mới vào giai đoạn trổ đều và chín, vì vậy khó đẩy vụ lúa đông xuân sớm lên được.

Ông Lê Quốc Điền - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp: Đảm bảo diện tích và nâng cao chất lượng

Vụ lúa thu đông ở Đồng Tháp đã xuống giống xong 116.000 ha, đạt kế hoạch 100%. Năm nay, Đồng Tháp không tăng diện tích mà chuyển sang sản xuất nâng cao chất lượng. Trong đó có 3 địa phương là Tháp Mười, Cao Lãnh và TP Cao Lãnh sẽ thu hoạch lúa thu đông sớm trong cuối tháng 9 và sang đầu tháng 10 sẽ xuống giống vụ đông xuân khoảng 60.000 ha, dự kiến cho thu hoạch trước Tết hoặc qua Tết vài tuần để đảm bảo không bị hạn, mặn.

Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Qua khảo sát của ngành nông nghiệp, hiện nay vụ lúa thu đông ở Đồng Tháp rất ít sâu bệnh và ít chuột cắn phá, lúa xanh tốt. Đó là điều đáng mừng. Bên cạnh đó, nông dân ngày càng nhận thức nhiều hơn về việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào đồng ruộng, làm ăn có liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra.

Ở các vùng trên như: Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình và TP Hồng Ngự… giáp với nước bạn Campuchia dễ bị ảnh hưởng của mùa lũ xảy ra từ tháng 8-11 (âm lịch) hằng năm. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân canh tác lúa thu đông phải nằm trong đê bao khép kín, nếu an toàn mới cho sản xuất. Bên cạnh đó, thủy lợi nội đồng của Đồng Tháp được đầu tư kiên cố nên đảm bảo việc bảo vệ đê và tưới tiêu nước rất thuận lợi. Nhờ vậy, vụ lúa thu đông nhiều năm qua luôn thắng lợi.

Ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ: Xuống giống lúa thu đông vượt kế hoạch 

Đến nay, nông dân TP Cần Thơ đã thu hoạch dứt điểm 73.000 ha lúa hè thu 2023 và xuống giống gần 65.000 ha lúa thu đông 2023, đạt 108% so với kế hoạch đưa ra. Nhưng diện tích này vẫn giảm gần 1.800 ha so với cùng kỳ các năm trước.

Lúa thu đông chủ yếu đang trong giai đoạn mạ đến đẻ nhánh, làm đòng và trổ. Nhìn chung, các trà lúa đang sinh trưởng và phát triển tốt, trong đó lúa trong giai đoạn mạ đến đẻ nhánh chiếm 46%, còn lúa giai đoạn làm đòng và trổ chiếm 54% tổng diện tích. Thời điểm này đang bước vào cao điểm mùa mưa bão, các ruộng lúa bước vào giai đoạn đòng và trổ rất dễ bị tác động bởi mưa gió, là yếu tố thuận lợi cho bệnh đạo ôn và một số loại sâu bệnh khác phát triển, gây hại cho lúa.

Ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đề nghị các địa phương khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên; Thực hiện bón phân cân đối N, P, K để tiết kiệm chi phí và hạn chế các loại sâu bệnh phát sinh phát triển.

Đặc biệt, trong điều kiện có mưa rào rải rác vào chiều và tối kết hợp với thời điểm bón phân đợt 2, đợt 3 cho lúa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá phát triển và gây hại. Cần quan sát thật kỹ vết bệnh trên các tán lá bên dưới để phòng trị kịp thời, phun thuốc đặc trị bệnh đạo ôn lá để tránh lây lan trên diện rộng. Ngoài ra, ngưng bón các loại phân có chứa đạm, phòng trị theo nguyên tắc 4 đúng. Không kết hợp với phân bón lá hoặc chất kích thích sinh trưởng khi phun thuốc trị bệnh đạo ôn lá.

Nông dân cũng được khuyến khích ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất lúa theo hướng an toàn, thân thiện môi trường như tưới tiêu tiết kiệm nước, IPM, SRP…

Bà Nguyễn Thị Giang - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang: Linh hoạt trong sản xuất lúa thu đông 

Vụ thu đông Hậu Giang xuống giống 24.500 ha, tổng sản lượng thu hoạch hơn 132.000 tấn. Lịch thời vụ gieo sạ khuyến cáo tập trung vào 2 đợt chính, đợt 1 từ ngày 4-10/7 và đợt 2 từ ngày 2-8/8. Xuống giống tập trung, đồng loạt trên từng cánh đồng, gieo sạ né rầy để hạn chế bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá xảy ra.

Tùy theo tình hình rầy nâu di trú vào đèn và tình hình thực tế về thời tiết, thủy văn của từng vùng, Phòng NN-PTNT các huyện, Phòng Kinh tế thị xã, thành phố, xây dựng kế hoạch sản xuất vụ lúa thu đông 2023 phù hợp, đảm bảo việc sản xuất đạt hiệu quả cao nhất. Đối với huyện Châu Thành A và Vị Thủy, có diện tích lúa hè thu thu hoạch sớm, có thể chủ động xuống giống lúa thu đông 2023 trước khung thời vụ để tránh lũ và mưa bão. Nhưng phải đảm bảo nguyên tắc né rầy và đủ thời gian cách vụ trên 3 tuần, để cách ly sinh vật gây hại cũng như tạo điều kiện cho rơm rạ phân hủy, hạn chế ngộ độc hữu cơ cho lúa.

Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang. Ảnh: Đào Chánh.

Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang. Ảnh: Đào Chánh.

Đối với diện tích lúa hè thu thu hoạch muộn, có thể xuống giống lúa thu đông ở khu vực có hệ thống đê bao kiên cố, điều kiện chủ động bơm, thoát nước tốt để hạn chế nước lũ gây ngập úng. Một số vùng có tập quán xuống giống lúa thu đông trễ so với khung thời vụ của tỉnh, cần kết thúc việc gieo sạ trước ngày 31/8.

Áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng lúa thu đông khi thu hoạch. Chọn sử dụng giống lúa cấp xác nhận, loại giống có tính thích nghi cao, sạ thưa, sạ hàng, sạ cụm với lượng giống dưới 100 kg/ha. Tăng cường vận động nông dân áp dụng cơ giới hóa đồng bộ như san phẳng đồng ruộng, áp dụng thiết bị hoặc máy sạ hàng và máy cấy… để giảm lượng giống gieo sạ.

Do mùa mưa năm 2023 diễn biến rất phức tạp, khuyến cáo nông dân thường xuyên theo dõi Bản tin dự báo thời tiết để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão khi quyết định xuống giống. Áp dụng các quy trình canh tác lúa tiên tiến như: 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, SRP, ứng dụng IPM, công nghệ sinh thái trong quản lý dịch hại.

Ông Lê Hữu Toàn - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang: Kiên Giang có thể sản xuất đạt hơn 400.000 tấn lúa thu đông

Vụ lúa thu đông 2023, tỉnh có kế hoạch xuống giống 71.200 ha, sản lượng thu hoạch ước đạt gần 383.000 tấn. Trong đó, về cơ cấu giống thì lúa thơm, lúa chất lượng cao chiếm trên 90% diện tích gieo trồng. Đến nay, nhiều địa phương đã xuống giống vượt kế hoạch đề ra, với tổng diện tích tăng thêm hơn 4.000 ha. Vì vậy, sản lượng cả vụ toàn tỉnh có thể đạt trên 400.000 tấn lúa.

Ông Lê Hữu Toàn - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang. Ảnh: Đào Chánh.

Ông Lê Hữu Toàn - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang. Ảnh: Đào Chánh.

Để sản xuất đạt hiệu quả, từ vụ hè thu sang thu đông cần có thời gian giãn cách và làm đất, vệ sinh đồng ruộng thật tốt, tiêu hủy rơm rạ hoặc sử dụng các hoạt chất phân hủy rơm rạ nhằm hạn chế ngộ độc hữu cơ. Hỗ trợ, hướng dẫn nông dân đẩy mạnh thực hiện đồng bộ quá trình cơ giới hóa, tạo sự liên kết trong sản xuất. Tạo điều kiện giúp nông dân tiếp cận các công nghệ mới như máy cấy, máy sạ cụm, máy bay không người lái, cơ giới hóa đồng bộ trong canh tác lúa, giảm lượng giống, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Sử dụng phân bón trong vụ thu đông ngoài việc cung cấp dinh dưỡng đa lượng, phải lưu ý đến việc bổ sung canxi và silic cho lúa để tăng cường tính chống chịu trong điều kiện mưa bão.

(ghi)

Xem thêm
Trại lợn đầu độc kênh mương

Tiền Giang Đang mùa khô hạn, thiếu nước sản xuất nhưng tại một số nơi dòng nước kênh bị ô nhiễm bởi chất thải do một bộ phận người chăn nuôi kém ý thức xả xuống.

Vĩnh Long tiêm miễn phí 60 ngàn liều vacxin phòng bệnh dại

Vĩnh Long Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Vĩnh Long cho biết, trong năm 2024, tỉnh sẽ tiêm miễn phí 60 ngàn liều vacxin phòng bệnh dại cho đàn chó trên địa bàn.

Trồng sầu riêng nghịch vụ, kiếm tiền tỷ mỗi năm

CẦN THƠ Một kỹ sư nông nghiệp có bí quyết xử lý sầu riêng nghịch vụ, tận dụng khoảng trống thị trường để bán được giá cao, mang về doanh thu tiền tỷ mỗi năm.

Lãi gấp đôi khi chuyển sang trồng rau thủy canh

HẢI PHÒNG Mạnh dạn chuyển sang ứng dụng công nghệ mới trong trồng rau, Hợp tác xã nông nghiệp Thái Sơn đã thu được lợi nhuận gấp đôi bình thường ngay trong vụ đầu tiên.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm