Phản hồi công văn số 6059/BTC-CST ngày 11/6/2024 của Bộ Tài chính về việc lấy ý kiến Hồ sơ Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, VBA nhận xét, phần đánh giá tác động của dự thảo chưa đề cập đầy đủ, toàn diện về những đóng góp của ngành đồ uống cho xã hội và nền kinh tế.
Theo VBA, với hàng trăm nhà máy sản xuất, kinh doanh trong ngành được phân bố hầu khắp các tỉnh, thành phố, ngành đồ uống đã tạo hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp trong các cơ sở nhà máy sản xuất và trong chuỗi cung ứng, dịch vụ, đóng góp gần 60.000 tỉ đồng vào ngân sách hàng năm.
Tuy nhiên, trong giai đoạn từ năm 2020 tới nay, ngành đồ uống đã liên tục chịu tác động từ dịch bệnh, xung đột chính trị thế giới, các chính sách hạn chế đồ uống có cồn... dẫn tới sự sụt giảm nhiều chỉ tiêu sản lượng, doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Các nguyên nhân được chỉ ra, gồm thu nhập người dân bị ảnh hưởng sau đại dịch, lượng khách giảm mạnh ở chuỗi nhà hàng, siêu thị. Cùng với đó, là những quy định liên quan đến xử lý vi phạm nồng độ cồn.
Thêm vào đó, giá nguyên liệu đầu vào đối với ngành sản xuất đồ uống tăng từ 15%-30%, chỉ số hàng tồn kho liên tục tăng, từ 120% năm 2023 lên 128,9% vào quý II/2024 (so với cùng kỳ).
"Khi tăng thuế sẽ tạo bất lợi và hàng rào khoảng cách giữa hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu", Công văn của VBA nhấn mạnh.
Đặc biệt, qua nghiên cứu thị trường và thói quen tiêu dùng trong nước, cũng như một số quốc gia trên thế giới, VBA nhận thấy: Khi tăng thuế làm giá sản phẩm tăng cao, người tiêu dùng sẽ có xu hướng chuyển sang các mặt hàng khác rẻ tiền hơn, hoặc các sản phẩm trôi nổi, chất lượng không đảm bảo... Việc tăng thuế, vì thế, có thể giảm tính cạnh tranh của các sản phẩm trong nước.
Bên cạnh giải pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, Hiệp hội đề xuất tổ soạn thảo nghiên cứu và thực hiện thêm các biện pháp chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ để bảo vệ doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, chống thất thu ngân sách và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước giải khát có đường là không khả thi trong việc đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ thừa cân béo phì, theo VBA. Hiệp hội lý giải, béo phì là một bệnh phức tạp do nhiều yếu tố gây ra bao gồm nạp dư thừa năng lượng, thiếu hoạt động thể chất. Sử dụng nước giải khát có đường không phải là nguyên nhân chính và duy nhất.
Ngoài ra, việc áp thuế khó gây tác động lên hành vi của người tiêu dùng bởi hiệu ứng thay thế khi người tiêu dùng có thể sử dụng các loại thực phẩm, đồ uống khác có hàm lượng đường và ca-lo cao tương đương.
Trên cơ sở đó, VBA kiến nghị Bộ Tài chính lùi thời điểm hiệu lực của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sang năm 2027. Cùng với đó, xem xét giảm mức tăng thuế và giãn lộ trình tăng một cách hợp lý với sản phẩm bia, rượu để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm thời gian thích nghi và phục hồi kinh tế.
Cụ thể, Hiệp hội đề xuất lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia và rượu 20 độ trở lên là 70%, giai đoạn từ 1/1/2027 đến 31/12/2028, tăng lên 75% đến 31/12/2030 và đạt 80% từ ngày 1/1/2031. Với rượu dưới 20 độ, VBA đề xuất mức thuế tương ứng lần lượt là 40%, 45% và 50%.
Trước đó, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia, rượu theo lộ trình từ năm 2026 đến năm 2030, với mức thuế cao nhất có thể lên tới 100%.