| Hotline: 0983.970.780

Tạo lối đi thuận lợi qua đường biển cho nông sản sang Trung Quốc

Thứ Năm 13/01/2022 , 10:13 (GMT+7)

Trước tình trạng ách tắc trong xuất khẩu nông sản qua đường bộ sang Trung Quốc, xuất đường biển là một giải pháp quan trọng để giải quyết vấn đề này.

Cần hơn 5.000 container lạnh 40 feet để xuất khẩu thanh long qua đường biển trong quý 1. Ảnh: Trần Trung.

Cần hơn 5.000 container lạnh 40 feet để xuất khẩu thanh long qua đường biển trong quý 1. Ảnh: Trần Trung.

Nhu cầu container lạnh khá lớn

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, trong tháng 1 này, 3 tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang sẽ có tổng cộng 106.800 tấn thanh long được thu hoạch. Trong đó, nhu cầu xuất khẩu là 54.400 tấn, riêng đi đường biển xấp xỉ 34.000 tấn, chiếm 32% tổng sản lượng trong tháng với nhu cầu container (cont) lạnh loại 40 feet là 1.704 cont.

Tháng 2, tổng sản lượng thanh long của 3 tỉnh là 65.600 tấn, trong đó, 45.000 tấn dành cho xuất khẩu, đi đường biển xấp xỉ 33.000 tấn, cần 1.661 cont lạnh loại 40 feet. Trong tháng cuối cùng của quý 1, 3 tỉnh thu hoạch 54.000 tấn thanh long, dành 47.100 tấn cho xuất khẩu với 34.200 tấn đi đường biển, cần 1.722 cont lạnh 40 feet.

Tính ra, trong cả quý 1, 3 tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang thu hoạch 226.400 tấn thanh long. Trong đó, xuất khẩu 147.500 tấn, đi đường biển 101.216 tấn, cần 5.087 cont lạnh 40 feet.

Như vậy, nhu cầu cont lạnh để xuất khẩu thanh long qua đường biển trong quý 1 này là khá lớn. Trong khi đó, lượng cont phục vụ cho xuất khẩu hàng lạnh nói chung đang hạn chế. Chẳng hạn, mỗi tuần, hãng tàu Cosco hiện chỉ có 350-400 cont đi tất cả các tuyến và cho tất cả các hàng lạnh (thủy sản, rau quả …); hãng tàu CMA có 250-300 cont lạnh mỗi tuần …

Việc số lượng vỏ cont lạnh, nhất là vỏ cont lạnh để xuất khẩu sang Trung Quốc đang hạn chế có nhiều nguyên nhân. Do đặc thù thương mại đường biển giữa Việt Nam và Trung Quốc là hàng Việt Nam xuất khẩu có nhiều hàng lạnh, nhưng hàng nhập từ Trung Quốc về.

Nhu cầu vận chuyển hàng lạnh bằng đường biển lại đang tăng lên rất mạnh trong thời điểm cuối năm 2021 và đầu năm nay. Thông tin từ Cục Hàng hải (Bộ Giao thông Vận tải) cho thấy, trong tháng 11/2021, có 1.400 cont lạnh đi từ TP.HCM sang Trung Quốc. Sang tháng 12, con số này đã tăng hơn 3 lần  lên 4.100 cont. Điều này cho thấy đang có sự dịch chuyển lớn trong xuất khẩu hàng lạnh sang Trung Quốc khi chuyển từ đường bộ sang đường biển trước tình trạng ách tắc ở các cửa khẩu biên giới.

Chuyển đường bộ sang đường biển không dễ

Chuyển từ xuất khẩu đường bộ sang đường biển là giải pháp quan trọng trong cả trước mắt lẫn lâu dài. Tuy nhiên, việc chuyển dịch này lại không dễ dàng.

Ông Văn Nhật Tùng, đại diện hãng tàu CMA chia sẻ, những nhà xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc mà lâu nay gần như chỉ đưa hàng qua đường bộ, thường rất ngại đi đường biển vì không quen với những thủ tục, cách bảo quản hàng hóa khi đi đường này. Các nhà nhập khẩu Trung Quốc vốn chỉ nhập qua đường bộ, cũng không mặn mà nhập hàng qua đường biển. Bởi không quen với những thủ tục khi nhập hàng qua đường biển nên họ không dám chắc khi hàng về tới cảng biển, có thông quan được hay không.

Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua đường biển sẽ giảm thiểu nguy cơ ách tắc đường bộ. Ảnh: TL.

Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua đường biển sẽ giảm thiểu nguy cơ ách tắc đường bộ. Ảnh: TL.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết, các nhà nhập khẩu thanh long ở các tỉnh giáp biên giới với Việt Nam hầu như không muốn chuyển hướng nhập hàng qua đường biển. Vì nếu nhập qua đường này, họ sẽ phải thêm khá nhiều chi phí để chuyển thanh long từ các cảng biển vào những thị trường truyền thống của họ vốn ở sâu trong nội địa Trung Quốc. Do đó, khi chuyển từ xuất khẩu đường bộ sang đường biển, doanh nghiệp Việt Nam cần phải tìm kiếm được những khách hàng mới, tức là những nhà nhập khẩu ở các vùn ven biển.

Theo ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, dù xuất khẩu đường bộ hay đường biển, thì nông sản Việt Nam khi sang Trung Quốc đều phải đáp ứng các yêu cầu thống nhất về truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch và an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù các thủ tục nhập khẩu là giống nhau, nhưng những lúc thông thường, thông quan ở cửa khẩu đường bộ thường dễ hơn, chi phí rẻ hơn so với đường biển. Mặt khác, để đi đường bộ hay đường biển một cách suôn sẻ, cả nhà nhập khẩu lẫn nhà xuất khẩu đều phải quen mối, quen lái.

Mặt khác, dù cơ sở hạ tầng cảng biển hiện nay cơ bản đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu đường biển. Nhưng khi một lượng lớn hàng bị ách tắc đường bộ dồn sang đường biển, thì dù đã rất nỗ lực, xuất khẩu bằng đường này cũng chỉ “gánh” được một phần, nhất là trong bối cảnh cũng do chủ trương “Zero Covid” của phía Trung Quốc mà xuất khẩu đường biển sang nước này cũng đang gặp không ít khó khăn.

Giải pháp thúc đẩy đường biển

Dù có nhiều khó khăn trong việc chuyển xuất khẩu thanh long nói riêng và nông sản nói chung từ đường bộ sang đường biển, nhưng ông Nguyễn Xuân Sang cho rằng, về lâu dài, cần đẩy mạnh xuất khẩu đường biển sang Trung Quốc nhằm giảm thiểu tình trạng ách tắc ở biên giới vốn thường xuyên xảy ra trong nhiều năm qua.

Song song với đó là giải quyết các vấn đề thường gây ra ách tắc cho đường bộ, vì xuất khẩu sang Trung Quốc về lâu dài vẫn phải phát triển cả đường bộ và đường biển.

Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản qua đường biển sang Trung Quốc và cả các thị trường khác, ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty Rồng Đỏ, cho rằng, cần có chính sách khuyến khích phát triển đội tàu chuyên hàng lạnh, trọng tải mỗi tàu từ 3.000-10.000 tấn để những tàu này có thể vào nhận hàng ở những vùng trái cây, nông sản xuất khẩu chủ lực.

Song song với đó là giải quyết các vấn đề như tình trạng thiếu cont lạnh, thiếu chỗ cắm điện trên tàu biển cho các cont lạnh (hiện nay, trên mỗi tàu biển, thường chỉ dành ổ cắm điện làm lạnh cho khoảng 20% số cont) ...

Hiện nay, có khoảng 30 hãng tàu nước ngoài có dịch vụ chuyên chở nông sản Việt Nam xuất khẩu qua đường biển sang Trung Quốc. Để các hãng tàu quan tâm nhiều hơn tới nông sản, nhất là nông sản cần bảo quản lạnh, một số đại biểu cho rằng, cần có sự đảm bảo từ phía Việt Nam về khối lượng hàng sẽ đi hàng tuần, hàng tháng, qua đó, giúp cho các hãng tàu tin tưởng hơn trong việc tăng cường cont lạnh, tăng cường tàu biển… Qua đó, về lâu dài, sẽ thiết lập được hệ thống vận chuyển đường biển một cách thường xuyên và chuyên nghiệp cho nông sản Việt Nam. Đây là điều mà các nhà xuất khẩu chuối đã làm được.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cùng có ý kiến rằng, Trung Quốc giờ đây đã là một thị trường khó tính. Do đó, để duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường này, cần có sự thay đổi tư duy mạnh mẽ từ cơ quan quản lý nhà nước các cấp, tới hiệp hội, doanh nghiệp và nông dân, từ sản xuất tới xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, trước những khó khăn, ách tắc trong xuất khẩu nông sản qua đường bộ, cần phải tạo cơ chế thúc đẩy xuất khẩu qua đường biển được thuận lợi hơn, không chỉ sang Trung Quốc mà cả các thị trường khác.

Trong thời gian qua, có nhiều thông tin cho rằng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, chủ yếu đi đường tiểu ngạch là do chất lượng thấp. Bộ NN-PTNT khẳng định, nhận định như vậy là không đúng, vì dù xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường chính ngạch hay tiểu ngạch thì nông sản Việt Nam đều phải đáp ứng các quy định của nước này về truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch, an toàn thực phẩm…

Chính vì vậy, để giữ vững thị trường Trung Quốc, trong thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc cấp mã số vùng trồng. Đến nay, riêng về thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc đã có 89% được cấp mã số vùng trồng.

Các tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang, là những địa phương rải vụ chính cây thanh long, cần rà soát tình hình rải vụ trên địa bàn, cập nhật thường xuyên tình hình xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc để chỉ đạo linh hoạt diện tích và sản lượng thanh long rải vụ trong tháng 1 và tháng 2 năm 2022. Nếu thị trường xuất khẩu tiếp tục gặp khó khăn, cần chỉ đạo nông dân giảm diện tích rải vụ các đợt vào tháng 1 và tháng 2 năm 2022.

Khuyến cáo rải vụ đối với diện tích có liên kết sản xuất, thị trường tiêu thụ và có đủ điều kiện xuất khẩu như đã cấp mã số vùng trồng, sản xuất có chứng nhận ...

Với các tỉnh chưa có điều kiện rải vụ tốt với cây thanh long (thiếu nguồn điện, kỹ thuận…), nếu xuất khẩu tiếp tục gặp khó khăn, khuyến cáo nông dân giảm diện tích hoặc không tiến hành rải vụ trong tháng 1, tháng 2 năm 2022 để tránh thiệt hại khi không tiêu thụ được. (ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt).

 

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuân về trên vùng biên cương

Quảng Bình Bà con dân tộc trên vùng miền núi huyện Bố Trạch đã có thêm cái tết ấm áp khi chương trình 'Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản' đến với bà con.